Bữa ăn bán trú, làm sao để phụ huynh không phàn nàn?

16/11/2023 - 06:24

PNO - Sau hơn 1 tuần Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức (TPHCM) yêu cầu hiệu trưởng các trường gửi hình ảnh bữa ăn bán trú của học sinh về, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - Trưởng phòng - cho biết, các trường đang thực hiện rất tốt.

Phụ huynh vẫn băn khoăn

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên nhấn mạnh: biện pháp quản lý này được thực hiện nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng bữa ăn bán trú của các trường trên địa bàn. Không chỉ là kênh để giám sát, biện pháp này còn giúp so sánh, đối chiếu khi có vấn đề xảy ra. Hoặc nếu qua quá trình quan sát mà nhận thấy bữa ăn không đa dạng, phòng sẽ yêu cầu nhà trường thay đổi để nâng cao chất lượng hơn.

Học sinh Trường tiểu học Phú Hữu (TP Thủ Đức) ăn bán trú trở lại sau một thời gian tạm ngưng để kiểm tra về chất lượng thực phẩm - ẢNH: N.Q.

Học sinh Trường tiểu học Phú Hữu (TP Thủ Đức) ăn bán trú trở lại sau một thời gian tạm ngưng để kiểm tra về chất lượng thực phẩm - ẢNH: N.Q.

Vì đã công khai nên nhà trường cũng có trách nhiệm phải gửi hình ảnh để phụ huynh theo dõi. “Quá trình này có sự tham gia trực tiếp của tôi và lãnh đạo phòng, nhằm siết chặt việc tổ chức bữa ăn bán trú cho đến khi ổn định. Điều này cũng sẽ được lặp lại thường xuyên chứ không chỉ để đối phó với dư luận” - ông Vĩnh Nguyên nói. Ông cũng cho rằng, chất lượng suất ăn không chỉ phụ thuộc vào kiểm tra, quản lý mà còn phụ thuộc vào giá cả thị trường. Hiện nay, mức thu suất ăn của TP Thủ Đức chủ yếu là 30.000 đồng/suất, 32.000 đồng/suất, thậm chí là 28.000 đồng nên không thể đòi hỏi những phần ăn quá cao cấp. 

Tuy nhiên, trên một diễn đàn dành cho phụ huynh học sinh, chị D.T. - phụ huynh có con gái đang học lớp Bốn tại một trường tiểu học trên địa bàn TP Thủ Đức - vẫn bày tỏ sự băn khoăn trước những hình ảnh về suất ăn bán trú của con từ giáo viên chủ nhiệm. Trong hình, khay thức ăn có đầy đủ các món mặn, xào và canh, không quá khác biệt so với bữa ăn trong gia đình. Nhưng chị vẫn cho rằng: “Hình ảnh gửi cho mình thì vậy, chứ thực tế thì con ăn được bao nhiêu, có đầy đủ như vậy không?”. Suốt 4 năm con học tiểu học, chị đều trăn trở câu chuyện này, nhất là mỗi khi dư luận dấy lên những câu chuyện tiêu cực về bữa ăn bán trú. Băn khoăn nên chị chọn cách mỗi buổi chiều sẽ tranh thủ nấu nhiều món ngon hơn để bù đắp cho con.

Tương tự, chị N.H. (ngụ quận Gò Vấp) cũng vì không tin tưởng bếp ăn bán trú mà phải chuyển con sang trường mầm non khác. Ngôi trường mới được chị đánh giá cao hơn vì là trường công lớn và đạt chuẩn quốc gia. Mặc dù vậy, chị vẫn cho rằng: “Tôi gửi con bằng niềm tin chứ thật sự không chắc được là con ăn những gì và ăn như thế nào ở trường. Muốn kiểm tra cũng phải thông báo trước cho nhà trường, vậy liệu thực tế khi kiểm tra có còn đúng với thực tế hằng ngày không?”.

Ban giám hiệu ăn suất cơm như học sinh

Ông Trịnh Vĩnh Thanh - Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp - thông tin: phòng đã có chỉ đạo các trường cho ban đại diện cha mẹ học sinh đến tham quan cơ sở cung cấp thực phẩm, suất ăn, bếp ăn tập thể của trường. Đồng thời, khuyến khích trường lắp camera trong bếp, làm thực đơn tháng (20 ngày) để học sinh không chán ăn. Hiện nay, với mức thu 34.000 đồng/suất ăn, cộng thêm tiền phục vụ bán trú thì ông cam kết học sinh được ăn no, đầy đủ dưỡng chất nếu trường tự nấu. Điều này có thể hạn chế hơn khi sử dụng suất ăn công nghiệp, hiện chỉ có 3/60 trường trên địa bàn không thể lập bếp ăn do diện tích nhỏ.

Tại Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Gò Vấp), ông Dương Hữu Đức - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: trường chỉ ký hợp đồng với 1 công ty chuyên cung cấp thực phẩm và suất ăn công nghiệp cho nhiều đơn vị tại TPHCM. Công ty này sẽ dùng phần mềm để tính toán định lượng thịt, rau, gạo, gia vị, món tráng miệng… dựa trên số tiền thực thu và lên thực đơn trước 1 tháng. Công ty giao thực phẩm đến trường theo ngày, khi giao sẽ có bếp trưởng, bếp phó và nhân viên y tế trường kiểm tra. Vào mỗi cuối tuần, học sinh sẽ được đổi món bằng mì xào, bánh mì bò kho… 

Với khoảng 1.300/2.100 học sinh trường này sử dụng bữa ăn bán trú, phụ huynh hoàn toàn được phép yêu cầu nhà trường cho giám sát trực tiếp. Ngoài ra, cả ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm bán trú và nhân viên y tế trường cùng ăn khẩu phần giống học sinh. Tuy nhiên, ông nhận thấy rằng, để học sinh và phụ huynh yêu thích bữa ăn bán trú thì rất khó. Lý do là: 1 lần nấu phục vụ cho hơn 1.000 người ăn nên không thể nấu nhiều món; loại bỏ các món rau ăn sống vì thiếu nhân lực; hạn chế tối đa các món chiên, món nướng. 

Tại Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1), bà Lê Thanh Hương - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: bếp ăn của trường được thực hiện theo hình thức một chiều. Thực phẩm sống sẽ đi vào theo một cửa và thực phẩm chín đi ra theo cửa khác. Những người đảm nhận công tác nấu ăn đều được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, cách lên thực đơn đảm bảo chế độ dinh dưỡng mỗi ngày cho học sinh. Với mức thu 35.000 đồng/suất ăn, học sinh sẽ được ăn cơm trưa và ăn xế bằng trái cây, sữa… Hằng năm, trường tổ chức nhiều đợt mời phụ huynh tham quan bếp ăn và bữa ăn của con em. Ngoài thời gian này, phụ huynh có nhu cầu kiểm tra chỉ cần thông báo với nhà trường. 

“Tôi mong rằng khi phụ huynh đã gửi con cho nhà trường thì hãy tin vào nhà trường, bởi hiệu trưởng còn ăn chung với học sinh. Nhà trường không phải kinh doanh dịch vụ mà còn đặt cái tâm của mình vào đó” - ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên mong mỏi. 

Sẽ có phần mềm tạo lập thực đơn cân bằng dinh dưỡng

Ông Dương Trí Dũng - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết, hằng năm, sở đều có hướng dẫn cũng như tập huấn cho các trường về an toàn vệ sinh thực phẩm trong tổ chức bữa ăn bán trú. Về chế độ dinh dưỡng, sở cũng áp dụng bộ thực đơn dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng quốc gia. Ban An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố luôn phối hợp với ngành để thực hiện những nội dung này. 

Bất cứ trường học, bếp ăn hay doanh nghiệp nào tham gia quá trình tổ chức bữa ăn bán trú đều phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được kiểm tra, cấp phép hoạt động. Điều này đã được luật pháp quy định rõ ràng chứ không đơn giản do ngành giáo dục quản lý. Nếu có xảy ra vấn đề thì phải truy cứu và xử lý đúng tại khâu đó. Ví dụ như mua thực phẩm không rõ nguồn gốc hay nấu ăn không đúng quy trình thì các cơ quan liên quan sẽ phối hợp xử lý. 

Hiện tại, Sở GD-ĐT TPHCM đang trong quá trình hoàn thiện phần mềm tạo lập thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho tất cả các cấp học. Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho học sinh cũng như sự tiện lợi cho nhà trường. 

Trang Thư 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI