Bữa ăn bán trú "công nghiệp": Càng lo, càng phải giám sát!

23/11/2022 - 17:50

PNO - Không có điều kiện tổ chức bếp ăn tại trường, nhiều trường học tại TPHCM phối hợp với các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp cho học sinh khi tổ chức bán trú. Điều này càng đặt ra các yêu cầu cao trong quản lý chất lượng bữa ăn.

Phải ăn cùng, trò chuyện cùng học sinh mới giám sát được chất lượng bữa ăn

Nhiều năm làm công tác quản lý bán trú, Phó hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn quận 3 cho hay, hiện nay việc tổ chức bán trú cho học sinh luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro đòi hỏi nhà trường phải thực sự chú trọng kiểm tra, giám sát. Chỉ cần "buông" một chút là có thể "có chuyện ngay".

Nhiều trường học tại TPHCM phối hợp với các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp cho học sinh bán trú
Nhiều trường học tại TPHCM phối hợp với các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp phục vụ học sinh bán trú

Nhớ lại cách đây nhiều năm khi trường mới tổ chức bán trú, chuyển từ bếp ăn tại chỗ sang suất ăn công nghiệp, Hiệu phó này chia sẻ, chỉ trong 2 tháng nhiều học sinh "gầy đi thấy rõ", đến mức phụ huynh phải than phiền. Nhiều em cho hay, đồ ăn nấu không hợp khẩu vị nên ăn không được, thậm chí nhiều em phải mua mì gói ở căng tin để ăn.

"Ngay lập tức nhà trường làm việc với đơn vị cung cấp bữa ăn, yêu cầu họ điều chỉnh, chấn chỉnh. Hàng ngày, trường ghi nhận ý kiến của học sinh, thông tin liên tục, kịp thời đến đơn vị, từ đó có sự điều chỉnh không chỉ về chất lượng món ăn mà còn tăng cường kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm"- Phó hiệu trưởng này kể.

Bà cho biết thêm, hiện trường đang phối hợp với một đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp cho học sinh. Để biết học sinh ăn thế nào, chất lượng món ăn ra sao thì ban giám hiệu phải ăn cùng học sinh, trò chuyện với học sinh, ghi nhận phản hồi của học sinh. Tôi thường xuyên nêu ý kiến góp ý với đơn vị cung cấp, yêu cầu họ công khai mọi khâu trong tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. Ví dụ, gạo nấu cho học sinh phải đảm bảo loại gạo ngon, cơm nấu ra mềm chứ không khô, không quá nhão; thực phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo các quy chuẩn theo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Giám sát bếp ăn từ tờ mờ sáng

Trường tiểu học Nguyễn Trường Tộ (quận 4) vừa tổ chức đoàn kiểm tra thực tế đột xuất đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú cho 442 học sinh nhà trường, nhằm giám sát quy trình tổ chức, chế biến món ăn của đơn vị để tăng cường hiệu quả công tác tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. 

Thầy Phan Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường - thông tin, đây là công việc thường niên được nhà trường tổ chức hàng năm. Đoàn kiểm tra gồm ban giám hiệu, ban đại diện cha mẹ học sinh, tổ trưởng văn phòng trực tiếp quản lý bán trú, nhân viên y tế, thực hiện giám sát tất cả các khâu từ quy trình chế biến thực phẩm, vệ sinh khay mâm, giám sát thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm...

"Tiêu chí đầu tiên khi lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn là công ty phải có thương hiệu, uy tín với đầy đủ các giấy chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng quy định chứ không phải là các đơn vị nhỏ lẻ. Bếp ăn công nghiệp rất lớn, mỗi ngày phục vụ hàng chục ngàn, thậm chí cả trăm ngàn suất ăn, vì thế khâu kiểm soát nguyên liệu đầu vào, chế biến món ăn được nhà trường quan tâm nhất. Để giám sát được tất cả các khâu này, đoàn phải đi từ tờ mờ sáng" - thầy Tuấn chia sẻ.

Ngoài giám sát trực tiếp tại bếp ăn, Hiệu trưởng này cho biết thêm nhà trường còn tăng cường nhiều kênh giám sát từ phụ huynh, học sinh để phối hợp cùng nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh. Dựa trên bộ thực đơn dinh dưỡng được Sở GD-ĐT TPHCM hướng dẫn, nhà trường sẽ thiết kế, đặt hàng với đơn vị cung cấp suất ăn các món ăn, đảm bảo mỗi khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng, không trùng lắp...

"Cái khó ở đây là với số tiền 30.000 đồng/suất ăn cho cả bữa ăn trưa (23.000 đồng) và ăn xế (7.000 đồng), nhà trường phải cố gắng co kéo, làm sao mỗi bữa ăn của học sinh đảm bảo dinh dưỡng, thay đổi mỗi ngày để các em ăn ngon miệng song phải đảm bảo nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm từ nguyên liệu đầu vào"- thầy Tuấn bày tỏ.

Phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Trường Tộ cùng ban giám hiệu trường giám sát bếp ăn công nghiệp
Phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Trường Tộ cùng ban giám hiệu trường giám sát bếp ăn công nghiệp

Tương tự, cô Nguyễn Thị Hồng Yến - Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Văn Trị (quận 1) cho biết, với việc tổ chức suất ăn công nghiệp cho hơn 500 học sinh, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm càng được nhà trường chú trọng, siết chặt.

"Trên thực tế, khi tổ chức bếp ăn tại trường phụ huynh học sinh cũng như nhà trường vẫn có sự an tâm hơn khi được trực tiếp chọn lựa từng mớ rau, con cá. Vì thế, nhà trường phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức kiểm tra đột xuất đơn vị cung cấp bữa ăn cho trường. Ngay từ 3g30 sáng, đoàn đã đi giám sát từ khâu nguyên liệu đầu vào cho đến khâu chế biến, khay mâm đựng thức ăn, công tác tổ chức có đảm bảo các yếu tố bếp ăn một chiều theo quy định hay không... Qua đó có sự góp ý đơn vị điều chỉnh"- cô Nguyễn Thị Hồng Yến chia sẻ.

Theo cô Yến, hiện nay chi phí bữa ăn bán trú của học sinh nhà trường là 35.000 đồng bao gồm bữa chính (27.000 đồng) và bữa xế (8.000 đồng). Chi phí ở mức vừa phải, để vừa đảm bảo dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhà trường tính toán nhiều yếu tố, lắng nghe ý kiến của học sinh và cân đối trên bộ thực đơn dinh dưỡng.

"Bộ phận tổ chức bán trú của trường như bảo mẫu, phục vụ, nhân viên y tế thường xuyên được tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi trao quyền cho một đơn vị tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh tức là nhà trường đang trao sức khỏe, thậm chí là an toàn của học sinh cho đơn vị. Thế nhưng, trách nhiệm khi tổ chức trước hết lại thuộc về nhà trường. Do đó, càng lo thì mọi khâu càng phải được giám sát nghiêm ngặt" - cô Nguyễn Thị Hồng Yến nhấn mạnh. 

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI