Bù đắp cho họ là lời tri ân sâu sắc nhất

27/02/2022 - 08:12

PNO - Khi đọc Lời thề Hippocrates, họ đã gắn đời mình với sức khỏe và sự bình yên của người khác.

Tháng Giêng, giữa lúc gửi những tiếng cám ơn và sự cảm kích dành cho đội ngũ y bác sĩ trên cả nước, khi COVID-19 đã có phần giảm đi sự khốc liệt so với đợt dịch thứ tư tại TPHCM, tôi bỗng khựng người trước câu nói của bác sĩ Ngô Đức Hùng - Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai: “Những gì mà tôi chứng kiến trong một năm, có lẽ nó đủ đau thương cho cả một đời người”.

Giấc ngủ trọn vẹn là điều xa xỉ đối với các y bác sĩ trong cuộc chiến với COVID-19 (ảnh:TTXVN)
Giấc ngủ trọn vẹn là điều xa xỉ đối với các y bác sĩ trong cuộc chiến với COVID-19 - Ảnh:TTXVN

Mỗi chúng ta, dù mất người thân hay không, cũng đều phải chịu đựng nỗi đau do COVID-19 gây ra, ít hoặc nhiều và ở hình thái này hay hình thái khác. Và chúng ta luôn nhắc đến sự vất vả, tấm lòng của y bác sĩ trong bối cảnh đó. Nhưng có một điều khác đến với họ mà không nhiều người nghĩ đến: Họ có đau không, cái đau không thuộc về thể xác ấy?

Nhiều bác sĩ, y tá, điều dưỡng cho biết, dù là giữa những ngày dịch căng thẳng nhất hay hiện tại, họ vẫn phải nhờ đến sự hỗ trợ của thuốc ngủ mới có thể chợp mắt. Là y bác sĩ, hơn ai hết họ hiểu tác hại của điều ấy nếu kéo dài. Nhưng cường độ làm việc quá sức, cộng với việc chứng kiến quá nhiều người trở về nhà trong hũ tro cốt lạnh lẽo, mặc cảm vì trở thành nguồn lây nhiễm chết chóc đối với người thân… khiến họ trở thành “con bệnh” trong chính không gian mà họ là người chữa trị. Chúng ta đã chứng kiến một kết quả đau lòng đối với lực lượng y tế không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới: tỷ lệ trầm cảm, rối loạn tâm thần, thậm chí có ý nghĩ tự tử tăng đột biến. 

Kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Occupational Medicine của Nhóm nghiên cứu từ King's College London, khảo sát hơn 700 bác sĩ và y tá làm việc tại các đơn vị hồi sức tích cực (ICU) ở 6 bệnh viện tại Anh cho thấy, gần một nửa nhân viên ICU có các triệu chứng sang chấn tâm lý PTSD (39,5%), trầm cảm (6,3%)… và gần 13,4% nhân viên cảm thấy muốn chết hoặc có hành vi tự ngược đãi bản thân. Người đứng đầu nghiên cứu, Giáo sư Neil Greenberg thuộc Viện Tâm thần, Tâm lý và Khoa học Thần kinh, King's College London, cho biết: "Tỷ lệ sang chấn tâm lý chúng tôi ghi nhận cao gấp 9 lần mức trung bình trong cộng đồng và gấp đôi các cựu chiến binh gần đây". 

Chưa có cuộc nghiên cứu nào diễn ra ở Việt Nam về sức khỏe tâm thần đối với lực lượng y tế, nhưng chúng ta đâu cần điều đó thì mới hiểu được, bởi lựa chọn gia đình hay bệnh viện là điều bất kỳ gương mặt ở tuyến đầu nào cũng gặp phải trong suốt hai năm qua. Việc người mẹ phải để những đứa trẻ của mình tự chăm sóc nhau hoặc được gửi nhờ nhà người thân, hay không thể biết cha mẹ già của mình ra sao thật khó để nói rằng không hình thành nên vết thương trong lòng. Có người, đau đớn vì không chỉ mắc kẹt trong cảm giác chính mình bỏ rơi cha mẹ mình, mà còn nghe tin mẹ già không còn qua đồng nghiệp, chỉ kịp nhìn thấy mẹ lần cuối trong chiếc túi đựng xác nằm trong chiếc xe đông lạnh. Cảm giác đó, ám ảnh khôn nguôi bất kỳ ai biết chuyện, huống gì người trong cuộc…

 Cho đến bây giờ, khi họ đã có thể trở về nhà, ngồi bên cạnh cha mẹ, chồng con trong bữa cơm mỗi ngày, chúng ta có từng tự hỏi rằng liệu vết thương trong tâm trí họ đã lành? Chỉ có họ mới biết điều đó. Có một thực tế là, như bác sĩ Ngô Đức Hùng tiết lộ, nếu có khóc, các y bác sĩ sẽ chọn một góc khuất để làm điều đó vì không muốn ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần của đồng nghiệp và người xung quanh. Vì dịch bệnh vẫn đang còn đó, họ đành chọn cách tự chữa cho chính mình trong cuộc chiến nội tâm mà sự khốc liệt không hề ít hơn cuộc chiến với virus.

Thế nhưng, nếu cuộc chiến đó lại đến lần nữa, dù đã từng thấy mình mắc kẹt ra sao, chắc chắn rằng họ vẫn sẽ tiếp tục lao vào điểm nóng. Họ, cho đến bây giờ, chưa một ai hối tiếc vì đã chọn căn phòng nặng mùi ête của bệnh viện thay vì ngôi nhà của mình. Khi đọc Lời thề Hippocrates, họ xem đời mình gắn với sức khỏe và sự bình yên của người khác. Họ sẽ tiếp tục đi, vì đó là ý nghĩa của đời họ, như đã không chút ngần ngại lên đường trong suốt 2 năm qua.

Thế nên, làm sao mà không cay mắt khi giữa những lời tri ân, vẫn còn đó những câu chuyện về các chế độ bèo bọt, bệnh viện nợ lương, nhiều người phải vay mượn người thân để có tiền tiêu vặt trong những tháng xông vào các điểm nóng… Cho đến hiện tại, khi những bó hoa đỏ thắm di chuyển trên khắp những nẻo đường để mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam, việc tăng phụ cấp cho lực lượng y bác sĩ vẫn còn đang ở giai đoạn… hoàn thiện. Như nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV Bùi Sỹ Lợi nhận định, hệ thống pháp luật hiện nay chưa lường hết được chính sách đãi ngộ cho ngành y tế như qua đại dịch COVID-19.

Mọi thứ sẽ khác, có thể tin vào điều đó khi Bộ Chính trị đã đồng ý với chủ trương tăng phụ cấp đối với lực lượng y tế, trong đó tăng phụ cấp lên 100% đối với nhân viên đã được bổ nhiệm chức danh nghề viên chức y tế và thường xuyên làm việc ở y tế dự phòng, các trạm y tế… Chúng ta không thể quay lại giai đoạn khốc liệt đã qua để đưa ra những lựa chọn lần nữa, nhưng chúng ta có thể sửa sai, bù đắp ở những ngày sau này. COVID-19 chỉ có thể bị đẩy lùi khi tường thành chắn virus SARS-CoV-2 đủ mạnh, kiên cố. Đó là lực lượng y tế. Và điều kiện cần cho sự mạnh mẽ đó đến từ những chính sách, chủ trương, sự thấu hiểu của từng cá nhân trong xã hội.

Không phải đợi đến khi COVID-19 xuất hiện chúng ta mới thấy biết ơn những người con của ngành y. Nhưng, từ COVID-19, sự biết ơn đó thật sự không thể đong đếm. Nếu có thể, xin được gửi đến các y bác sĩ đóa hoa thắm nhất ngày hôm nay, dù chính họ đã là đóa hoa thắm nhất hành tinh này, không chỉ vì người thân chúng ta đã được họ cứu sống hay vì chúng ta đã phần nào được quay về cuộc sống trước đó, mà còn vì những nỗi đau tinh thần mà họ đã gánh chịu, một mình.

Võ Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI