“Níu” cho Sở Thùng không về ngày cũ

17/04/2020 - 08:04

PNO - Hơn 9g sáng 15/4, hẻm 332 Phan Văn Trị, khu phố 7, P.11, Q.Bình Thạnh đã lố nhố người già, trẻ nhỏ đứng ngồi dưới các tán cây, nhẫn nại, đợi chờ.

Hơn 9g sáng 15/4, hẻm 332 Phan Văn Trị, khu phố 7, P.11, Q.Bình Thạnh đã lố nhố người già, trẻ nhỏ đứng ngồi dưới các tán cây. Mỗi người một khoảnh không gian, nhẫn nại, đợi chờ.

Hai chiếc bàn tròn xếp sẵn, sạch bong, trên bàn bày một thùng khẩu trang y tế. Cạnh đó là thùng trà đá. Vài phút lại có người mới đến. Họ đến bằng xe máy, xe lăn, đi bộ hoặc chống gậy, dáng vẻ gấp gáp, như sợ mình đến muộn. Người nào cũng đội nón, bịt khẩu trang kín mít, nhưng họ nhận ra nhau và gật đầu chào nhau. Hôm nay đã là ngày thứ 15 họ đồng hành theo các xe cơm từ thiện của Hội Phụ nữ P.11 đi khắp các hẻm ở khu Sở Thùng. Thỉnh thoảng có người lại ngước đôi mắt chân chim nhìn về đầu hẻm… 

“Cô ơi, hổng biết ngày mai tôi bán vé số lại được chưa? Giờ này rồi mà chưa nghe đại lý nói gì!” - trên chiếc xe máy ba bánh, bà Hải hỏi bà Nguyễn Thị Kim Hoàng, chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 7. Câu hỏi của bà Hải cũng là của mọi người khiến họ lao xao: “Ừ, mai bán vé số được chưa? Mai còn bị cách ly không? Đi giúp việc nhà giờ cũng không có việc, không biết ngày mai ra sao nữa…”. 

Bà Nguyễn Thị Hai và mẹ con bà Bạch Tuyết vui bên hộp cơm trưa nóng hổi
Bà Nguyễn Thị Hai và mẹ con bà Bạch Tuyết vui bên hộp cơm trưa nóng hổi

Đưa chai nước cho đứa con trai tật nguyền, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, ở chung cư tái định cư Chu Văn An, thở dài: “Không biết bao giờ mới hết cách ly. Hổm rày, chẳng ai dám đưa áo quần tôi sửa. Ông chồng ngồi vỉa hè cả ngày dán đế, sửa quai chỉ được một hai đôi giày, kiếm được hai mươi ngàn đã là may. Không có quà mấy cô phụ nữ phường cho bữa trước, chắc bữa nay đói thiệt”. Những người đàn bà cùng ngồi chờ gật gù. 

Đúng 10g, chiếc ô tô màu đen bảy chỗ lăn bánh vào hẻm. “Tới rồi, tới rồi!” - mọi người lao xao. Đội thiện nguyện và cán bộ Hội bắt đầu bày biện. Mọi người nối nhau xếp thành hai hàng dài, giãn cách. 

Một người hỏi người đàn ông đen đúa tay đầy hình xăm ở hàng bên cạnh: “Sao coi mặt ông bữa nay tái mét vậy hả?”. “Sáng giờ nhịn đói, đi vác rác sớm” - người đàn ông đen đúa cười méo xệch.

Từng đôi tay nhăn nheo, gầy guộc đã gắn chặt đời mình cùng rác chìa ra nhận cơm. Lại có những đôi tay bán vé số, giúp việc nhà, trước đó vốn chỉ quen xòe bài, chích choác… Nhận cơm xong, hai người đi nhanh về phía chiếc xe chở rác của mình gần đó. Rồi hai chiếc xe cùng nổ máy. Cơm trên bàn vơi hơn một nửa, hai hàng người dần thu ngắn lại…

Dưới tán cây, nơi những chiếc xe máy cũ kỹ xếp hàng, bà Nguyễn Thị Hai tay run vừa mở hộp cơm rồi lẩm nhẩm: “Nay mấy cổ cho ăn gì ta”. Con trai bà Bạch Tuyết ngúc ngắc đầu nhìn vào hộp cơm rồi reo lên: “Bí, bí, bí… đỏ hầm thịt” khiến nhiều người bật cười thành tiếng. Một người đàn bà thân hình tong teo nói với bà Hai: “Tôi thấy cơm còn nhiều kìa, sao bà không xin thêm hộp nữa cho thằng nhỏ, trưa đi làm về có cái nó ăn?”. Bà Hai kéo cái nón lá xuống, đưa tay quệt mồ hôi, lắc đầu: “Thôi! Tới hơn 1g trưa nó mới về. Tôi thấy hình như có mấy nhà trong xóm rác chưa ra”.

Quả thật có nhiều người chưa ra và không thể ra lấy cơm vì đau bệnh, tàn tật hoặc công việc chưa xong… 

Hơn 10g30, trời oi bức hơn. Những hộp cơm trên bàn cùng thùng khẩu trang cũng hết sạch. Mọi người chào nhau rồi tản ra. Bà Kim Hoàng cùng các nữ doanh nhân công giáo, đơn vị tài trợ bữa ăn nổ xe máy mang hơn chục phần cơm vào khu xóm rác. 15 ngày giãn cách, họ đã đồng hành cùng nhau, ghé thăm từng mảnh đời, để không ai ở Sở Thùng bị đói, phải đi làm những việc không chính đáng như đã từng. Nhiều ngôi nhà họ ghé qua từng là con nợ không lối thoát của Cu Đĩ (một trùm xã hội đen từng một thời tác oai tác quái ở Sở Thùng) và đồng bọn. 

Chỉ trong khu phố 7, P.11, Q.Bình Thạnh, ngay ngày đầu ngưng phát hành vé số và thực hiện giãn cách xã hội đã có hơn 200 gia đình trên khoảng 1.000 gia đình có người mất việc. Câu hỏi đặt ra là “trong 15 ngày cách ly xã hội cuộc sống của gia đình họ sẽ ra sao?” khiến chính quyền và các đoàn thể phải tìm cách thực hiện và duy trì những hoạt động thiện nguyện. 

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI