BS Trí Đoàn: Không nên cho dầu ăn vào bột, cháo ăn dặm của con

19/08/2016 - 12:19

PNO - BS Trí Đoàn cho rằng, cho thêm dầu ăn vào bột cháo của trẻ ăn dặm là một việc làm không cần thiết, thậm chí còn có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ.

Vốn là một “tượng đài” được các mẹ bỉm sữa cực kì hâm mộ và tin tưởng, BS Trí Đoàn từng giúp rất nhiều cha mẹ trút đi bao gánh nặng của những “truyền thuyết” lạc hậu khi nuôi con nhỏ và chăm con ốm của cha mẹ Việt như: “truyền thuyết” con còi xương, “truyền thuyết” con sốt, dùng thuốc kháng sinh, nằm điều hòa… Mới đây trong cuốn sách "Để con được ốm" mà BS Trí Đoàn là đồng tác giả, bác sĩ đã làm rõ những sai lầm và hiểu nhầm mà gần như bố mẹ nào cũng mắc phải khi cho con ăn dặm.

Ăn dặm là một hành trình quan trọng không chỉ giúp bé bổ sung dinh dưỡng phát triển thể chất mà còn giúp bé học hỏi, rèn luyện, khám phá thêm nhiều kĩ năng có ý nghĩa. Tuy nhiên, rất nhiều cha mẹ vẫn mắc những lỗi cơ bản khi cho con ăn dặm. 
 

BS Tri Doan: Khong nen cho dau an vao bot, chao an dam cua con
(Ảnh minh họa).

Một trong những sai lầm mà hầu như cha mẹ nào cũng gặp khi cho con ăn dặm được BS Trí Đoàn “sửa sai” là lời khuyên nên cho 1 – 2 thìa dầu ăn vào bát cháo/bột của trẻ để cung cấp thêm chất béo, cũng như giúp hòa tan các vitamin cho trong thức ăn cho trẻ. Tuy nhiên, theo BS Trí Đoàn điều này là không nên bởi vì, chất béo làm giảm co bóp của bao tử, giảm tống xuất thức ăn từ bao tử xuống ruột. Do đó, trẻ ăn nhiều chất béo thì đầy bụng, lâu tiêu, trướng bụng, trong khi ăn rau củ quả thì rất dễ tiêu. BS khuyên, bố mẹ nên cho trẻ ăn uống đa dạng, chất béo có trong các loại thực phẩm khác nhau và với lượng đó là đủ để trẻ dung nạp các loại vitamin tan trong dầu, mỡ vào cơ thể.

BS Tri Doan: Khong nen cho dau an vao bot, chao an dam cua con
BS Trí Đoàn và chị Uyên Bùi - đồng tác giả cuốn sách "Để con được ốm".

Trẻ ngay từ độ tuổi ăn dặm cần được bố mẹ cho ăn các chất béo lành mạnh. Hiện nay, không quá khó để các bố mẹ có thể tìm thấy ở siêu thị hay các cửa hàng bán đồ trẻ em các thực phẩm được dán nhãn "ít béo" như phô mai, sữa, bánh, sữa chua, hay thậm chí cả khoai tây chiên. Một câu hỏi đặt ra là, có nên áp dụng một chế độ ăn "ít chất béo" với trẻ sơ sinh hay không? Câu trả lời tuyệt đối là "Không"!

Chất béo đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự tăng trưởng của bé, đặc biệt trong những năm đầu đời. Chất béo có rất nhiều ở trong sữa mẹ và sữa bột - nguồn dinh dưỡng chủ yếu của trẻ dưới một tuổi. Khi trẻ bắt đầu tập ăn dặm vào khoảng 6 tháng tuổi, nguồn chất béo không bão hòa, hay các axit béo thiết yếu có trong các thực phẩm như quả bơ, cá hồi... chính là sự lựa chọn tuyệt vời cho bé.

Nhiều lời khuyên của các chuyên gia cho rằng, trẻ nên được ăn các nguồn sản phẩm giàu chất béo như phô mai, sữa chua, thậm chí cho thêm một lượng dầu ăn (như dầu gấc, dầu oliu...) nhất định vào món ăn dặm chính của trẻ cho đến khi trẻ được 2 tuổi. Tuy nhiên hiện chưa có bất cứ chứng cứ khoa học nào xác thực lời khuyên như vậy là có căn cứ và xác đáng. 

Điều quan trọng nhất mà bố mẹ cần lưu ý khi cho con ăn dặm, đó là để con tập làm quen với nhiều loại hương vị, thực phẩm khác nhau, bởi vì, ăn uống đa dạng và có kiểm soát mới là điều giúp bé xây dựng một nền tảng sức khỏe tốt nhất ngay từ những năm tháng đầu đời.

Trong lần phát hành tái bản có chỉnh sửa, cuốn sách “Để con được ốm” đã được bổ sung, cập nhật thêm một vài thông tin về những điều mà độc giả đã phản hồi và thấy hợp lý để đưa thêm vào trong sách, trong đó, chủ yếu là về vấn đề ăn dặm của trẻ và các khái niệm về bệnh lý. Và quá trình này sẽ tiếp tục được thực hiện khi các độc giả phản hồi, đặt ra nhiều câu hỏi thường được quan tâm thì sẽ tiếp tục được cân nhắc để đưa vào nội dung cho những lần tái bản tiếp theo. Điều này được thực hiện theo đúng với tinh thần của “Uptodate”.

Bác sỹ Trí Đoàn đã giải đáp rất nhiều những hiểu nhầm về việc cho trẻ ăn dặm của ông bà, bố mẹ, những người chăm sóc trẻ. Từ vấn đề như “ăn thô có sớm KHÔNG hại cho dạ dày của trẻ”, “không nên nêm muối/gia vị vào thức ăn của trẻ”, giải oan cho “nước hầm xương về việc là trẻ bị còi xương”, “nước mía luộc không giúp trẻ tăng cân nhanh” cho đến giải thích cặn kẽ về sự nhầm lẫn giữa “ói do phản xạ và trào ngược dạ dày thực quản”.

 Hoài An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI