BS Nguyễn Trung Cấp: Bệnh nhân COVID-19 có phản ứng viêm quá mức cao hơn các đợt dịch trước

08/06/2021 - 20:31

PNO - Đây là nhận định của bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, về đợt dịch lần này.

 

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp đánh giá, số lượng bệnh nhân COVID-19 lần này lớn và bệnh nhân có phản ứng viêm mạnh mẽ hơn

 Phóng viên: Xin ông cho biết đợt dịch lần này có gì khác so với những đợt dịch lần trước?

BS Nguyễn Trung Cấp: Thứ nhất, số lượng bệnh nhân rất lớn tạo ra sức ép lớn với hệ thống điều trị. Chủng virus lần này phát hiện lần đầu ở Ấn Độ, có vẻ có diễn biến lâm sàng nhanh hơn trước. Phản ứng viêm quá mức cũng cao hơn những lần trước. Chính vì vậy, các biện pháp kỹ thuật để can thiệp cũng phải nhiều hơn. Đây là gánh nặng lớn với hệ thống hồi sức cấp cứu.

* Tại Việt Nam, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, có xuất hiện đột biến so với các chủng virus lần đầu phát hiện ở Ấn Độ. Điều này có ảnh hưởng tới việc điều trị?

- Về mặt di truyền học, virus luôn có sự biến đổi, khi 1 người nhiễm 2 biến chủng khác nhau thì có thể kết hợp yếu tố di truyền của 2 chủng đó thành 1 chủng mới. Tuy nhiên về mặt lâm sàng, chúng tôi chưa nhận thấy điểm khác biệt nhiều đột biến ghi nhận ở Việt Nam so với chủng Ấn Độ nguyên gốc nên vẫn có thể áp dụng phương pháp điều trị cũ.

* Xin ông cho biết tình hình điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng hiện ra sao?

- Lần này, số lượng bệnh nhân tại Việt Nam lớn, số bệnh nhân nặng cao hơn. Đặc điểm của chủng virus này, tỷ lệ bệnh nhân có phản ứng viêm mạnh mẽ cao nên có các biện pháp kỹ thuật nhiều hơn như là lọc máu…

Tại Bắc Ninh, chúng tôi đã nâng cao năng lực điều trị của tuyến ban đầu với mục tiêu nếu điều trị tốt tuyến ban đầu thì sẽ giảm bớt ca bệnh nặng, từ đó giảm sức ép với bệnh viện tỉnh và các tuyến trên, chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Về vấn đề quá tải bệnh viện như nhiều người lo ngại, chúng tôi đã xây dựng chiến lược, kịch bản cho 3.000 bệnh nhân COVID-19, các đơn vị dự kiến triển khai đều đảm bảo tốt yếu tố hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật và con người. Tại Bắc Giang, theo được biết thông qua đồng nghiệp, tình hình hiện tại chưa vượt quá khả năng điều trị.

* Ở nhiều nước trên thế giới đang áp dụng chữa các bệnh nhân CÒVID-19 tại nhà, Việt Nam có phải áp dụng như vậy hay không?

- Với những nước có lượng bệnh nhân lớn, dịch đã lưu hành rộng trong cộng đồng thì sẽ áp dụng chiến lược điều trị tại nhà, nếu nặng mới đến bệnh viện. Nhưng tại Việt Nam, may mắn chúng ta đang kiểm soát được dịch ngoài cộng đồng, số lượng bệnh nhân chưa vượt quá khả năng điều trị nên chúng ta ưu tiên chiến lược điều trị tất cả bệnh nhân tại bệnh viện. Với các bệnh nhân COVID-19, đa phần tuần đầu có biểu hiện nhẹ và một số có biểu hiện nặng ở tuần thứ 2.

Nếu áp dụng giống như nước ngoài, những trường hợp nhẹ, diễn biến nhẹ điều trị ở nhà thì có thể dẫn tới nguy cơ là lây nhiễm cho những người trong gia đình. Trong khi đó, mô hình gia đình của Việt Nam phổ biến có 3 – 4 thế hệ cùng chung sống, có người già, trẻ nhỏ, người có bệnh nền. Nếu để lây rất nguy hiểm. Việc điều trị tại nhà cũng khó để phát hiện sự thay đổi bệnh lý sớm, nếu để rất nặng mới vào viện thì khả năng điều trị thấp hơn.

* Xin cảm ơn ông 

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI