Brexit thất bại vì bà Theresa May?

27/03/2019 - 21:07

PNO - Quốc hội Anh đã bỏ phiếu giành quyền kiểm soát quá trình lên kế hoạch rời Liên minh châu Âu (EU) từ Thủ tướng Theresa May, sau những bế tắc chính trị dai dẳng.

Mọi người gọi đây là thất bại của Thủ tướng Anh Theresa May, đổ hết những vấn đề tồn đọng, những trở ngại khiến Brexit không được suôn sẻ lên bà. Nhưng nếu lần ngược lại, bà May không phải là nguyên nhân dẫn đến một nước Anh có quá nhiều mâu thuẫn như hiện tại.

Chỉ vài ngày trước khi Quốc hội Anh bỏ phiếu giành quyền kiểm soát quá trình Brexit, bà May vẫn nỗ lực tổ chức các cuộc đàm phán giải quyết khủng hoảng với nhiều cộng sự, nhưng không thành công.

Mâu thuẫn “Brexit cứng” và “Brexit mềm” không thể chốt lại bởi một lựa chọn phải hay trái, vì thực tế, sẽ không thể có Brexit thuận lợi, nếu không có vùng đệm chuyển giao. Bà May từng định hướng đưa Anh rời khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan của EU. Nhưng giới kinh doanh cho rằng, như thế không có lợi cho các doanh nghiệp lẫn nền kinh tế Anh.

Để dung hòa, bà May muốn tạo ra một khu vực thương mại tự do hàng hóa với EU, để bảo vệ các chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực sản xuất, song song duy trì sự linh hoạt cho ngành dịch vụ vốn chiếm ưu thế tại nước Anh. Nhưng nhiều thành viên nội các nhất quyết chối từ đề xuất trên.

Brexit that bai vi ba Theresa May?
Thủ tướng Anh Theresa May luôn phải nỗ lực chèo lái tiến trình Brexit

Ngày 27/3, Hạ viện Anh sẽ bỏ phiếu về các lựa chọn khác, thay thế thỏa thuận Brexit. “Mô hình Na Uy” có thể là cách Hạ viện sẽ cân nhắc, tức là vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với EU, nhưng không phải là thành viên của khối. Thực tế, ý tưởng này cũng chưa đủ để gọi là “Brexit cứng”.

Còn nhớ, ngày 8/6/2017, tổng tuyển cử sớm diễn ra, được cho là quyết định đón đầu của bà May, bởi chỉ vài ngày sau đó, Chính phủ Anh phải bước vào cuộc đàm phán rời EU. Thế nhưng, chính bà May cũng không ngờ mọi thứ lại thay đổi nhanh đến thế. Nước Anh liên tiếp bị tấn công khủng bố, khiến bà Theresa May mất uy tín.

Nhiều người cho rằng, bà May đã không lắng nghe ý kiến dừng Brexit. Nhưng thực chất, đây chẳng phải là yêu cầu dễ dàng. Tháng 10/2018, gần 700.000 người Anh xuống đường tuần hành, yêu cầu Chính phủ Anh dừng tiến trình Brexit. Ba năm trước đó, chỉ 2 ngày sau khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân ở lại hay rời EU, hơn 2,7 triệu người Anh đã ký tên vào đơn thỉnh nguyện gửi Quốc hội, đề nghị tổ chức lại cuộc trưng cầu ý dân. Một diễn biến đảo chiều bất ngờ như thế, ở thời điểm nhạy cảm như thế, bà May chẳng dám tin số đông sẽ không đổi ý.

Khi nhận chức thủ tướng, bà May đã bị buộc vào thế phải “dọn dẹp hậu quả” mà những chính trị gia khởi xướng Brexit để lại. Cựu Thị trưởng London - Boris Johnson chính là người dẫn đầu đám đông yêu cầu Anh rời EU, nhưng cũng chính ông bỏ cuộc, không dám nhận vị trí thủ tướng, lèo lái những cuộc đàm phán để Anh có thể bước ra khỏi EU một cách lành lặn. Nước Anh không phải chia rẽ vì Brexit hay vì Thủ tướng Theresa May. Họ đã chia rẽ từ lúc yêu cầu thực hiện cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 6/2016 và bi kịch là cuộc trưng cầu ý dân ấy đã diễn ra theo mong muốn của họ. 

Anh Thông 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI