"Breakfast at Tiffany’s": Biểu tượng kinh điển của phái đẹp

11/03/2023 - 06:16

PNO - Hình ảnh Audrey Hepburn diện bộ váy đen hở vai, mang đôi găng tay dài quá khuỷu, đeo chuỗi ngọc trai trắng và chiếc kính đen to bản đã trở thành huyền thoại của Hollywood.

Nếu bạn muốn tìm một bộ phim nhẹ nhàng, đậm chất cổ điển và tôn vinh vẻ thanh lịch của phái nữ, chắc chắn Breakfast at Tiffany’s (Bữa sáng ở Tiffany's) là sự lựa chọn tuyệt vời. Ra đời từ năm 1961, tác phẩm có Audrey Hepburn đóng chính đến nay vẫn được xếp vào hàng kinh điển ở Hollywood. Dù tuổi đời hơn 60 năm, bộ phim vẫn mang những nét đẹp tao nhã có thể hấp dẫn bất kỳ khán giả nào.

Breakfast at Tiffany's được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Truman Capote. Phim mở đầu vào buổi sáng, khi mặt trời mọc, nhân vật chính Holly Golightly (Hepburn) trong bộ váy dạ hội thời trang cao cấp của Givenchy, xuống taxi trước cửa hàng Tiffany & Co. Trong khi phần còn lại của thành phố mới bắt đầu ngày mới, có vẻ như cô đang trên đường về nhà sau khi ra ngoài cả đêm.

Holly mở chiếc túi giấy đang cầm, lấy ra chiếc bánh ngọt và tách cà phê. Cô ăn sáng ngay trên vỉa hè, nhìn vào cửa sổ của cửa hàng xa xỉ bậc nhất nước Mỹ. Cảnh quay kinh điển này đã chứa trọn hàm ý về chủ đề phim: giấc mơ về cuộc sống thượng lưu mà những người như Holly chỉ có thể nhìn ngắm từ xa. Hình ảnh của cô gái khi đó vừa thanh lịch vừa duyên dáng nhưng vẫn có chút gì đó thật đáng thương.

Ảo mộng về thế giới phù hoa

Dần dần theo mạch phim, chúng ta bước vào thế giới vật chất lẫn nội tâm của Holly. Nàng sống trong một căn phòng nhỏ bề bộn, lại chẳng có nghề nghiệp rõ ràng. Nàng tham dự các bữa tiệc, thắp sáng căn phòng bằng sự quyến rũ của mình.

Chú mèo cũng rất được yêu thích trong phim
Chú mèo cũng rất được yêu thích trong phim

Từng có giả thuyết rằng Holly Golightly là gái điếm nhưng Truman Capote cho rằng cô giống một geisha của Mỹ hơn. Nàng chỉ tháp tùng những người đàn ông giàu có đến các bữa tiệc chứ không “tới Z” để đổi lấy tiền. Holly đam mê sự tự do, xem mình như một con thú hoang với tính cách bốc đồng và cũng dễ bị tổn thương. Nàng hay có những phản ứng thái quá như đập đồ đạc và ném đi chú mèo dễ thương mình đang nuôi.

Xem đến đây, hẳn nhiều người tự hỏi giấc mơ lớn nhất của Holly là gì. Câu trả lời thật đơn giản: nàng chỉ muốn kiếm một gã chồng giàu có để có thể sống trong nhung lụa và mua những món đồ xa xỉ. Nàng phớt lờ tình cảm của chàng nhà văn nghèo hàng xóm Paul Varjak (George Peppard) để mồi chài những đại gia trong tầm ngắm.

Về sau, người xem được biết về xuất thân của Holly: một cô gái ở vùng nông thôn có gia cảnh chẳng mấy tự hào. Nàng đã bỏ không ít công sức để cố len lỏi vào thế giới thượng lưu. Bất chấp gu thời trang tuyệt vời và dáng vẻ tao nhã trời ban, con đường vươn lên của nàng vẫn thật xa xăm.

Paul Varjak là mảnh ghép còn lại trong câu chuyện. Anh là chàng nhà văn chật vật trong sự nghiệp, có thể nói là thuộc thành phần nghệ sĩ nghèo khó trong xã hội. Paul cũng chẳng phải người đàng hoàng khi sống dựa vào một phụ nữ giàu đã có chồng. Bà ta để lại tiền cho anh sau những lần họ gần gũi nhau. Duyên số đưa đẩy Paul gặp gỡ Holly và nhanh chóng phải lòng nàng.

Trailer phim Breakfast at Tiffany’s :

 

Con đường trở thành kinh điển

Breakfast at Tiffany's kể câu chuyện quen thuộc về cô gái quê theo đuổi cuộc sống phù hoa mà chẳng nhận ra người thương thật sự đang ở bên cạnh. Với cốt truyện tương đối đơn giản, tác phẩm vẫn trở thành kinh điển nhờ diễn xuất tuyệt vời và sự độc đáo về thời trang.

Vai diễn Holly Golightly lúc đầu được đo ni đóng giày cho Marilyn Monroe - quả bom sex của điện ảnh thế giới. Tác giả Truman Capote khẳng định Marilyn luôn là sự lựa chọn hàng đầu của ông cho vai diễn. Nhưng rồi minh tinh từ chối dự án vì không muốn thể hiện một nhân vật có những hoạt động thiếu lành mạnh về đêm. Khi hãng Paramount chọn Audrey Hepburn, Capote hoàn toàn không hài lòng và còn cho rằng mình bị lừa.

Có thể hiểu cho suy nghĩ của Capote bởi Audrey Hepburn khá tương phản với Marilyn Monroe. Trong khi Marilyn sở hữu vẻ đẹp căng mọng quyến rũ, Audrey lại có vóc người nhỏ nhắn. Tuy nhiên, một ngôi sao đẳng cấp - mà sau này được bầu vào top 3 nữ diễn viên vĩ đại nhất Hollywood - thừa biết phải làm gì để chinh phục khán giả.

Bằng tài nghệ, Audrey Hepburn hóa thân trọn vẹn nàng Holly vừa hoang dại vừa tao nhã, vừa ngây thơ, vừa khôn khéo, tưởng chừng kiên định với mục tiêu nhưng lòng đầy bất an. Cô muốn trốn thoát khỏi những cái lồng nhưng chẳng hay biết cái lồng đó do chính mình tạo ra. Tâm tư của Holly biến đổi thất thường đến nỗi người xem khó kịp nắm bắt nhưng chính sự tùy hứng đó lại làm nên vẻ đẹp đặc trưng của phụ nữ. Có lẽ nếu không phải Audrey Hepburn thì ít người có thể chuyển tải được sự phức tạp đó lên màn ảnh.

Bên cạnh Hepburn, George Peppard cũng ghi dấu ấn về mặt diễn xuất. Với vẻ đẹp nam tính và nét diễn chân thật, tài tử cuốn hút ngay từ đầu và dễ khiến người xem đồng cảm với chuyện tình của anh. Buddy Ebsen cũng có những khoảnh khắc ấn tượng trong vai người chồng bất hạnh của Holly. 

Nhắc đến Breakfast at Tiffany's, không thể bỏ qua khâu phục trang đã biến bộ phim trở thành huyền thoại. Chỉ với cảnh quay đầu tiên, Holly Golightly đã trở thành biểu tượng thời trang của phái đẹp. Bộ đầm đen cô mặc do nhà thiết kế Hubert de Givenchy phụ trách, tôn dáng vẻ sang trọng và mang nét bí ẩn. Kết hợp hoàn hảo cùng nó là phụ kiện ngọc trai tạo thêm sự quý phái, chiếc mũ rộng vành và cặp kính đen to bản được đặt vừa vặn lên gương mặt Audrey Hepburn. Xuyên suốt bộ phim, minh tinh còn diện nhiều trang phục bắt mắt khác như áo sweater dài tay, áo măng tô hay chiếc áo khoác bằng len cao cấp.

Trang phục kinh điển của Audrey Hepburn
Trang phục kinh điển của Audrey Hepburn

Sức lan truyền về mặt thời trang của phim đôi khi làm lu mờ vai trò của đạo diễn Blake Edwards. Điều này hơi đáng tiếc vì nhà làm phim sinh năm 1922 cũng có những sáng tạo đáng kể làm nên thành công cho tác phẩm. Thay vì giữ nguyên nét bi kịch của truyện gốc, Edwards pha thêm chất hài lãng mạn và tạo ra một cái kết có hậu. Cuối phim, Holly đã nhận ra tình yêu đích thực và nhận nụ hôn say đắm từ Paul - người đàn ông luôn yêu cô mà cuối cùng cô cũng có thể yêu lại. Trong tiểu thuyết, kết cục của Holly vẫn bỏ ngỏ và chúng ta không biết liệu cô có tìm được hạnh phúc.

Với bộ phim có nhiều cảnh quay trong nhà, Blake Edwards cũng có những cách xử lý để tác phẩm hấp dẫn về mặt thị giác. Màu sắc được kết hợp một cách hài hòa để làm bật lên không khí của những thành phố sôi động nước Mỹ. 2 cảnh đầu và cuối phim được dàn dựng với sự đối lập về hình ảnh. Ở cảnh đầu, Holly diện đồ sang trọng, đứng bên cửa hàng tráng lệ nhưng lòng đầy ngổn ngang. Ở cuối phim, cô và Paul trong cơn mưa tầm tã, đầu tóc rũ rượi nhưng đã tìm được hạnh phúc đích thực. Chú mèo cũng là điểm nhấn ở cảnh quay này và được rất nhiều khán giả yêu thích.

Ngay từ khi ra mắt, Breakfast at Tiffany's đã được đón nhận nồng nhiệt với doanh thu hơn 5 lần kinh phí. Bộ phim nhận 5 đề cử Oscar, trong đó có giải nữ chính cho Hepburn. Tác phẩm trở thành nguồn cảm hứng dạt dào về thời trang và phong cách trong nhiều năm sau đó. Đến năm 2012, phim được Thư viện Quốc hội Mỹ bảo quản vì giá trị đặc biệt về mặt văn hóa, lịch sử hoặc thẩm mỹ. Đậm chất nữ tính và tràn đầy sự mỹ miều, đến nay Breakfast at Tiffany's vẫn giữ nguyên giá trị như một tác phẩm bất hủ, đặc biệt với khán giả nữ. 

Ân Nguyễn

Ảnh: Internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI