Bớt xén tiền ăn, tiền thưởng vận động viên là vấn đề nhức nhối của ngành thể thao

05/06/2024 - 16:22

PNO - Bộ trưởng Bộ VH-TTDL cho hay, bớt xén tiền ăn, tiền thưởng là vấn đề nhức nhối của ngành nhưng chỉ là 2 trường hợp cá biệt.

Bộ trưởng Bộ VH-TTDL nói về các vấn đề phát triển thể thao thành tích cao
Bộ trưởng Bộ VH-TTDL nói về các vấn đề phát triển thể thao thành tích cao được dư luận xã hội quan tâm

Mặt trái của thể thao thành tích cao

Chiều 5/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp, ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TTDL). Bà chỉ ra, thời gian qua có nhiều vụ việc lùm xum liên quan tới thể thao thành tích cao, trong đó có hiện tượng bớt xén tiền thưởng, tiền ăn.

Những vụ việc trên thể hiện mặt trái của thể thao thành tích cao, phản ánh hiện thực rằng, chế độ đãi ngộ cho đối tượng này chưa thực sự phù hợp, cơ chế quản lý không thực sự hiệu quả. Điều này kéo theo hậu quả, thể thao thành tích cao của Việt Nam không thể phát triển trong môi trường công bằng, minh bạch. ĐBQH tỉnh Quảng Bình đề nghị Bộ trưởng có giải pháp cho vấn đề trên.

Trả lời ĐBQH, Bộ trưởng Bộ VH-TTDL cho biết đây là vấn đề nhức nhối của ngành, dù chỉ là 2 trường hợp cá biệt. Đó là vụ việc tiền ăn của vận động viên bóng bàn của đoàn thể thao Hà Nội và tiền của vận động viên thể dục dụng cụ mà chủ yếu liên quan đến Trung tâm thể thao Hà Nội.

Ngay sau khi phát hiện ra vấn đề, Bộ VH-TTDL đã kiên quyết xử lý, làm nghiêm quy định, không bao che, dung túng, không có ngoại lệ. Bộ đã kỷ luật bằng phương pháp hành chính và cung cấp hồ sơ, tài liệu cho cơ quan chức năng khác để xem xét theo quy định pháp luật.

Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là lời cảnh tỉnh cho công tác huấn luyện. Ông cũng thừa nhận, phía Bộ VH-TTDL cũng cần kiểm điểm lại: “Chúng tôi là cấp trên, cũng không thể biết được sự việc xảy ra ở đơn vị nhỏ, nhưng chậm nắm vấn đề”.

Theo ông, ban đầu, khi lập quỹ có thể có mục tích tốt đẹp để các vận động viên thăm hỏi khi ốm đau, ma chay, cưới hỏi... Mặc dù trái phép với quy định nhưng trên tinh thần tự nguyện, tự quản thì quỹ này không có tiêu cực. Vừa qua, có việc lạm dụng quỹ này dẫn tới tiêu cực.

Bộ VH-TTDL đã cho rà soát lại, ngăn chặn tình trạng này bằng các giải pháp như: hoàn thiện quy định quản lý đội tuyển, nêu rõ từng điều khoản từ quản lý tới tập luyện; xử lý nghiêm vi phạm; kiểm tra toàn diện, thay vì tập trung vào chất lượng đào tạo như trước...

Bên cạnh đó, các đơn vị phải công khai minh bạch chế độ tiền ăn, tiền thưởng ngay từ đầu và nghiêm cấm thành lập quỹ.

Kinh tế thể thao vẫn khuyết và tật!

Nêu thực trạng đa số các vận động viên đều chung nỗi lo là làm gì sau khi giã từ sự nghiệp vì thời gian thi đấu đỉnh cao thường ngắn, chỉ số ít làm việc liên quan tới thể thao nên nhiều vận động viên từ bỏ đam mê, ĐBQH Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) đặt câu hỏi về giải pháp lâu dài để đảm bảo tương lai cho vận động viên, đặc biệt là vận động viên gặp chấn thương?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến thể thao với các nghị quyết, chiến lược, đề án thực hiện. Theo đó, Chính phủ ban hành 8 chính sách để hỗ trợ vận động viên thể thao thành tích cao, đào tạo ưu tiên giải quyết việc làm, tiền thưởng… từ đó động viên đội ngũ thể thao thành tích cao.

Tuy nhiên, ông nhìn nhận có thực trạng như ĐBQH nêu khi giải quyết việc làm có tính căn cơ cho vận động viên còn khó khăn. Bộ đang đề xuất Chính phủ đánh giá tổng thể các chính sách vừa qua, tạo thuận lợi nhất cho vận động viên yên tâm thi đấu, làm việc theo đúng sở trường lâu dài, bao gồm chính sách tiền lương, nhà ở và đào tạo nghề sau quá trình thi đấu.

Chất vấn Bộ trưởng, ĐBQH Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) thẳng thắn nói: “Câu trả lời của Bộ trưởng về thể thao thành tích cao vẫn là “sẽ nghiên cứu rà soát, sẽ ban hành... giống người có thẩm quyền ở các nhiệm kỳ khác trả lời”. Ông đề nghị Bộ trưởng làm rõ “sẽ làm” là bao giờ?

ĐBQH cũng trao đổi 2 vấn đề có tính dài hạn và ngắn hạn. Thứ nhất, về dài hạn, các nước trên thế giới giải quyết thu nhập và tiền lương cho vận động viên không dựa trên ngân sách quốc gia. Họ phát triển kinh tế thể thao. Tuy nhiên, kinh tế thể thao của Việt Nam, theo ông, vẫn là “khuyết và tật”. Trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa - trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư tại Kỳ họp này - cũng không thấy bóng dáng của vấn đề kinh tế thể thao.

Về ngắn hạn, ĐBQH nêu tồn đọng tại Khu liên hiệp thể thao quốc gia. Sau 5 năm được thanh kiểm tra, khu vực này không những không khắc phục được khó khăn mà lại càng chồng chất hơn. Trong khi khu vực này không phục vụ được nhu cầu tập luyện của vận động viên. ĐBQH đề nghị Bộ trưởng nêu rõ hướng giải quyết, thời gian xử lý với Khu liên hiệp thể thao quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, kinh tế thể thao đã có đề cập nhưng hiện nay vẫn chưa làm được, phải tiếp tục tập trung nghiên cứu. Ví như việc thành lập các trường đua chó, đua ngựa cũng là kinh tế thể thao, được giao cho ngành khác nhưng tới nay chưa làm được. Với chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, ông lý giải đây chỉ là nội dung xin chủ trương, khi được Quốc hội thông qua sẽ thiết kế nội dung cụ thể.

Về Khu liên hiệp thể thao Mỹ Đình, sau kết luận Thủ tướng Chính phủ năm 2021, Bộ VH-TTDL đang nỗ lực rà soát, tập trung khắc phục. Bộ đang cho rà soát quy hoạch, xử lý các vấn đề tồn đọng, giải quyết nợ thuế đất... để đưa vào sử dụng theo hướng “đầu tư công, quản trị tư” để chống lãng phí.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI