Bột Talc có trong sản phẩm Johnson & Johnson không an toàn tuyệt đối?

28/02/2016 - 10:11

PNO - Công ty Johnson & Johnson phải trả 72 triệu phạt và bồi thường cho gia đình nạn nhân từng là khách hàng sử dụng phấn rôm của hãng này suốt 35 năm.

Bot Talc co trong san pham Johnson & Johnson khong an toan tuyet doi?
Anh Salter và mẹ mình, bà Jacqueline Fox - Ảnh: STL TODAY

Tòa án Thành phố ST Louis bang Missouri (Mỹ) ngày 24/2 đã ra phán quyết lịch sử, buộc Công ty Johnson & Johnson phải trả 72 triệu phạt và bồi thường cho gia đình nạn nhân từng là khách hàng sử dụng phấn rôm của hãng này trong suốt 35 năm. Thông tin gây chấn động vì thương hiệu này đem đến những sản phẩm không thể thiếu nhiều thập niên qua.

Nạn nhân là bà Jacqueline Fox, qua đời năm 2015 ở tuổi 62, sau hai năm phát hiện mắc bệnh ung thư (UT) buồng trứng. 72 triệu USD mà Johnson & Johnson phải trả gồm 10 triệu bồi thường cho gia đình bà Jacqueline, 62 triệu USD tương ứng với số tuổi của nạn nhân. Một nửa số tiền 62 triệu USD sẽ được chuyển đến quỹ bồi thường nạn nhân tội ác ở Missouri.

Người phát ngôn Carol Goodrich của hãng này cho biết: “Không có trách nhiệm nào cao nhất bằng việc bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Chúng tôi rất tiếc khi nhận phán quyết này. Chúng tôi chia sẻ với những gì gia đình bà Jacqueline trải qua nhưng chúng tôi tin chắc mức độ an toàn của bột Talc mà mình sử dụng”.

Mặt khác, trong kết luận của tòa án, Johnson & Johnson không quan tâm đến việc cảnh báo người dùng về nguy cơ gây hại của bột Talc và cố ý ém nhẹm những mối lo mà các nhà khoa học đã đề cập. Luật sư Jim Onder, nhiều năm kinh nghiệm tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tiết lộ: “Tài liệu nội bộ của công ty này cho thấy rõ họ biết nguy cơ bột Talc có thể gây UT buồng trứng nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến. Hồ sơ còn nhiều chứng cứ chỉ ra, công ty này sẵn sàng đối mặt với kiện tụng liên quan đến sản phẩm của mình suốt 30 năm qua. Ban lãnh đạo công ty sau đó còn mở rộng thị trường sang cộng đồng người da màu”.

Theo luật sư Jere Beasley, một trong những luật sư bảo vệ bà Jacqueline Fox, bà Jacqueline là trường hợp đầu tiên trong nhóm gần 60 nạn nhân - nguyên đơn mà công ty luật của anh phụ trách tư vấn, hỗ trợ. Thời gian tới, họ tiến hành các vụ kiện tương tự. Riêng bang Missouri hiện có khoảng 1.000 nguyên đơn, ở các bang khác cũng có hàng trăm vụ kiện liên quan đến vấn đề sức khỏe bị cho là do sản phẩm của Johnson & Johnson gây ra. Luật sư Jere Beasley cùng các cộng sự của mình tuyên bố, họ có đủ bằng chứng về việc, mỗi năm khoảng 1.500 người chết vì những chứng bệnh liên quan đến bột Talc.

Anh Salter, 46 tuổi, con trai của bà Jacqueline Fox không nghĩ gia đình nhận khoản tiền bồi thường lớn như thế. Anh nói: “Vì sao họ không nỗ lực hạn chế rủi ro đối với người dùng bằng cách ghi dòng chữ cảnh báo và hướng dẫn sử dụng thích hợp? Còn bao nhiêu phụ nữ phải khổ sở như mẹ tôi đã từng?”.

Bot Talc co trong san pham Johnson & Johnson khong an toan tuyet doi?
Một nhóm nhà hoạt động xã hội bảo vệ quyền lợi phụ nữ, yêu cầu Johnson & Johnson có trách nhiệm với các sản phẩm của mình - Ảnh: DRUGWATCH

Theo Salter, mẹ anh theo vụ kiện cho đến lúc bà mất không phải vì tiền mà vì sự an toàn của những người tiêu dùng khác. Anh tiếp bước mẹ mình cũng vì muốn cảnh báo mọi người. Hiệp hội Ung thư Mỹ ước tính, khoảng 22.000 phụ nữ nước này bị chẩn đoán UT buồng trứng trong năm nay dựa vào theo dõi các kết quả khám sức khỏe. Song song đó là hơn 14.000 người không qua khỏi vì chứng bệnh này, cũng trong năm nay.

Điểm mấu chốt giúp gia đình nạn nhân thắng vụ kiện lịch sử này chính là lập luận chứng minh bột Talc có trong sản phẩm phấn rôm Johnson & Johnson là nguyên nhân gây ra UT buồng trứng. Talc là khoáng chất được nghiền mịn thành bột Talc, có khả năng hấp thu độ ẩm, dầu, hương liệu, ứng dụng cho sản phẩm hóa mỹ phẩm, trong đó có phấn thơm, phấn rôm, giúp tạo sự khô thoáng các vùng da dễ bức bí.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dẫn chứng về hậu quả của bột Talc với sức khỏe người dùng, buộc các nhà khoa học phải thực hiện các cuộc nghiên cứu độc lập. Kết quả cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi, những quan điểm trái chiều nhưng nổi bật lên là bột Talc vẫn không phải nguyên liệu an toàn tuyệt đối.

Hiệp hội Ung thư Mỹ đăng trên trang web của mình: “Ở thời điểm hiện tại có khá ít chứng cứ chỉ ra mối liên hệ giữa bột Talc với bất cứ chứng UT nào”. Trong khi đó, Cơ quan quốc tế nghiên cứu về UT (IARC) trực thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dựa vào 20 nghiên cứu do các cơ quan, tổ chức có chuyên môn cao thực hiện đã rút ra kết luận: “Sử dụng bột Talc có khả năng dẫn đến UT ở người”. IARC xếp bột Talc vào danh sách nguyên liệu có tiềm năng gây UT.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI