Phóng viên: Thưa ông, trước thực tế học phí đại học ngày càng tăng, mức vay tối đa cho học sinh, sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội có gì thay đổi?
Ông Trần Văn Tiên: Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tín dụng đối với học sinh (HS), sinh viên (SV) có hoàn cảnh khó khăn theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 và Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg ngày 23/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Kể từ ngày 19/5/2022, mức vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/HSSV, tương đương 40 triệu đồng/HSSV/năm học 10 tháng. Lãi suất (LS) vay là 6,6%/năm (0,55%/tháng), LS nợ quá hạn được tính bằng 130% LS khi cho vay. Nếu SV đủ điều kiện vay cả 4 năm học thì số tiền vay tối đa là 160 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi học tập tại thành phố lớn như TPHCM thì ngoài chi phí dành cho phương tiện học tập, hoạt động nghiên cứu khoa học, ngoại khóa, các chi phí học tập khác thì HSSV còn phải lo chi phí sinh hoạt như ăn, ở, đi lại… Do đó, HSSV phải xác định chính sách cho vay chỉ đáp ứng một phần chi phí cho quá trình học tập.
* Thời hạn trả nợ vay cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Người vay và ngân hàng thỏa thuận thời hạn trả nợ. Cụ thể: với chương trình đào tạo có thời gian đến 1 năm thì thời gian trả nợ tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay. Đối với chương trình đào tạo trên 1 năm, thời gian trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay. Thời hạn phát tiền vay tính từ ngày người vay nhận món vay đầu tiên cho đến ngày HSSV kết thúc khóa học. Người vay phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên khi HSSV có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày HSSV kết thúc khóa học. Kỳ hạn trả nợ tối đa là 6 tháng/lần.
Ví dụ: SV nhận tiền vay vào tháng đầu tiên của năm thứ nhất, 4 năm sau hoàn thành khóa học thì thời hạn trả nợ tối đa là 5 năm sau đó. Đến hạn trả nợ cuối cùng, nếu người vay có khó khăn khách quan chưa trả được nợ thì viết giấy đề nghị gia hạn nợ gửi tổ tiết kiệm và vay vốn hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội để được xem xét cho gia hạn nợ.
* Ông có thể cho biết đối tượng HSSV nào được vay vốn hỗ trợ học tập?
- HSSV có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Cụ thể gồm: HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động. HSSV là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: hộ nghèo; hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật; gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú.
|
Thí sinh trúng tuyển Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM năm 2023 làm thủ tục nhập học - Ảnh: T.T. |
Bộ đội xuất ngũ theo học tại các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng và cơ sở dạy nghề khác quy định tại Quyết định 121/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Lao động nông thôn học nghề tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề của các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội, các cơ sở đào tạo nghề khác theo quy định tại Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Người lao động bị thu hồi đất theo Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất tham gia đào tạo nghề được vay vốn một lần theo quy định của chính sách tín dụng đối với HSSV.
HSSV y khoa có hoàn cảnh khó khăn đã tốt nghiệp (không quá 12 tháng) các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành y được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, trong thời gian thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh theo Quyết định số 09/2016/QĐ-TTg ngày 2/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ được vay vốn theo quy định của chính sách tín dụng đối với HSSV.
* Ông có nghĩ HSSV đã biết đến nguồn vốn vay này một cách rộng rãi?
- Triển khai từ năm 1997, tín dụng đối với HSSV đã được các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề thường xuyên cập nhật, tuyên truyền. Do vậy, HSSV thuộc đối tượng, có nhu cầu và đủ điều kiện sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi này. Nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội cũng luôn bảo đảm đầy đủ để cho vay. Ngân hàng Chính sách xã hội thường xuyên tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể, các tổ tiết kiệm và vay vốn tuyên truyền giúp người dân hiểu về chính sách cho vay HSSV. Tạo điều kiện tốt nhất để các gia đình có nhu cầu và đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi này một cách nhanh chóng nhất.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều HSSV và ngay cả người thân của HSSV vẫn chưa hiểu rõ chính sách nhân văn của chương trình này. HSSV theo học các chương trình đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp… tốn nhiều thời gian cũng như chi phí học tập, sinh hoạt nhưng mức vay tối đa theo quy định hiện nay còn thấp, không đủ để trang trải chi phí trong quá trình học tập nên thường tìm nguồn hỗ trợ khác để đáp ứng tốt hơn.
* Theo ông, cần có giải pháp gì để HSSV tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn vay?
- Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm bắt thông tin.
Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng phương thức cho vay thông qua hộ gia đình trên cơ sở thiết lập các tổ tiết kiệm và vay vốn ở khu phố, ấp có sự quản lý, giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội. Do đó, cần không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn để phát huy vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, giúp đỡ gia đình HSSV tiếp cận nguồn vốn, đôn đốc, nhắc nhở họ nâng cao trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng theo đúng kỳ hạn đã cam kết.
Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính cần chú trọng hơn đến những chương trình đào tạo, tạo thêm nhiều việc làm, phát triển cơ sở sản xuất để tạo cơ hội việc làm cho HSSV khi ra trường, có thu nhập ổn định, an tâm sử dụng vốn vay trong quá trình học tập.
* Xin cảm ơn ông.
Nhiều ngân hàng có nhiều gói vay lãi suất thấp dành cho sinh viên Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang có gói vay dành cho SV với LS cho vay bằng LS huy động cá nhân 12 tháng cộng với biên độ 0,5%/năm, dao động khoảng 8,7%/năm. Nếu chọn vay tối đa 3 năm, sẽ được ân hạn gốc là 12 tháng, được vay 100% số tiền nộp học phí nhưng không vượt quá 100 triệu đồng/SV. Nếu vay tối đa 10 năm sẽ không được ân hạn gốc, được vay 80% số tiền nộp học phí nhưng không quá 300 triệu đồng/SV. Đối tượng được vay là SV năm thứ nhất của các trường đại học kinh tế thuộc diện xét thẳng và sử dụng kết quả thi THPT có điểm trung bình trúng tuyển vào trường đạt 8,6 điểm/môn trở lên, có xác nhận của nhà trường. Không áp dụng cho SV nộp học phí học lại môn. SV hoặc người thân (cha, mẹ, anh, chị, em ruột) đều có thể đứng ra vay. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) có gói vay tín chấp hỗ trợ SV nhập học với số tiền là 1.250.000 đồng/tháng, LS 0,65%. Thời hạn vay tính từ thời điểm gia đình được giải ngân khoản vay đầu tiên cho đến ngày kết thúc khóa học. Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho SV vay tối đa 500 triệu đồng, thời hạn vay 60 tháng, LS 0,5%/tháng. Ngân hàng Shinhan Việt Nam có chương trình trả góp học phí 0% dành cho phụ huynh HSSV tại các trường mầm non, tiểu học, trung học song ngữ và quốc tế cũng như tại các trường đại học thông qua thẻ tín dụng Shinhan với các ưu đãi: 0% lãi suất, miễn chứng minh tài chính, miễn phí mở thẻ và phí thường niên. Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) có chương trình “Vay vốn SV cùng TPBank Fico”. SV được phê duyệt khoản vay online với số tiền 20 triệu đồng, LS 1,32%/tháng. Thủ tục đơn giản chỉ cần chụp chứng minh nhân dân/căn cước công dân và giấy phép lái xe, nhưng để tăng tỉ lệ duyệt vay, SV có thể bổ sung bảng điểm. Thanh Hoa |
Trang Thư (thực hiện)