Bớt lên mạng, cuộc sống dễ chịu hơn?

20/02/2025 - 11:36

PNO - Ai cũng có nhu cầu được khen ngợi, được là phiên bản tốt nhất của chính mình và hoàn hảo trong mắt người khác.

Trên mạng xã hội, ai cũng có thể trở thành phiên bản hoàn hảo hơn (ảnh: Getty Images)
Trên mạng xã hội, ai cũng có thể trở thành phiên bản hoàn hảo hơn (ảnh: Getty Images)

Thời mạng xã hội mới ra đời, một anh bạn tôi cũng "sắm" một tài khoản Facebook nhưng tới nay vẫn chẳng mấy khi dùng tới. Lý do là anh không thấy mạng xã hội thú vị như cuộc sống thật bên ngoài nên ít khi online. Cần gì anh gọi điện hay hẹn gặp trực tiếp. Tuy bạn bè chọc anh "không biết đu trend" nhưng không ai dám chê anh "tối cổ" vì kiến thức đông tây kim cổ gì anh cũng rành. Dù không chơi mạng xã hội nhưng anh luôn tự tin với cách tiếp cận thông tin trên những kênh khác.

Dạo mới chơi mạng xã hội, tôi bị cuốn vào nhiều trang, nhóm khác nhau. Nhóm chuyên về đời sống hôn nhân gia đình toàn bài viết sắc sảo, thâm thuý. Đọc nhiều câu chuyện thú vị của người khác cũng rút ra được những bài học kinh nghiệm cho mình. Nhưng càng đọc nhiều, càng thấy cuộc sống phức tạp, rối rắm và nhiều bi kịch trong khi ngoài kia vẫn đầy ắp những chuyện tình đẹp như phim, những cuộc hôn nhân viên mãn. Tôi đâm... ngán, và rời khỏi các trang, nhóm ấy. Chỉ giữ lại những trang có nội dung nhân văn, ý nghĩa tích cực.

Có lần tham gia một trang chuyên về bếp núc, tôi như bị hút hồn bởi các "ảo thuật gia" trong bếp vừa xinh đẹp vừa tài năng. Các bài đăng của họ không chỉ phô diễn những tuyệt kỹ bếp núc mà còn tiết lộ những lý lịch trích ngang "khủng" khi không chỉ giỏi nấu ăn, làm bánh, cắm hoa, trang trí nhà cửa mà họ còn là những nhân vật tiếng tăm ngoài xã hội. Thế nhưng, từ chỗ ngưỡng mộ, học hỏi được vài chiêu nội trợ hữu ích trên trang ấy, tôi dần thấy mình thấp kém, vụng về. Trong khi ở nhà, những món ăn đơn giản mà tôi thực hiện 3 bữa mỗi ngày vẫn đủ khiến chồng con no bụng và hài lòng. Vài lọ hoa mộc mạc tôi hay chưng trong nhà chẳng là gì nếu so với "trình" cắm hoa của các "nghệ nhân" trên trang nọ nhưng vẫn khiến khách đến chơi khen ngợi tinh thần vui sống và nỗ lực đưa thiên nhiên vào nhà của tôi.

Không ít lần, tôi trở thành khán giả bất đắc dĩ trước những màn khoe khéo của người quen, bạn bè về những thành tựu của chồng, con mình. Nếu chồng họ không phải là "bậc anh tài", làm sếp to sếp nhỏ ở một cơ quan nào đó thì cũng là một ông/anh chồng ga-lăng, cưng chiều vợ hết cỡ qua những chuyến du lịch xa hoa hay những món quà đắt tiền tặng vợ. Còn chuyện flex (khoe) con, nếu không phải mấy tờ giấy khen cho thành tích học tập thì cũng là thông tin con nhà ai đó trúng tuyển trường chuyên, lớp chọn. Hoặc con cái đã ra trường thì xin được việc làm xịn sò, thu nhập lý tưởng... Công bằng mà nói, hoàn cảnh của mình cũng không đến nỗi nào, nhưng xem những thông tin như vậy, không dưng tôi đâm ra so sánh, đôi lúc thấy tự ti.

Một bức ảnh truyền cảm hứng trên mạng xã hội (ảnh: Facebook)
Một bức ảnh truyền cảm hứng trên mạng xã hội (ảnh: Facebook)

Khi bày biện mọi thứ trên Facebook, chẳng ai muốn nhận "gạch đá" hay những lời dè bỉu nên các "chủ thớt" thường trau chuốt để bài đăng trở nên long lanh, đẹp đẽ nhất có thể. Không khó bắt gặp trong sự chỉn chu ấy niềm tự hào và không ít khi cả sự khoa trương, khoe mẽ. Ai cũng có nhu cầu được khen ngợi, được là phiên bản tốt nhất của chính mình và hoàn hảo trong mắt người khác. Tuy nhiên, điều này vô tình tạo ra sự tự ti, tâm lý thấp kém hơn ở những người không được như họ (ít nhất là trong lĩnh vực mà họ đang thể hiện) dù ai cũng có thế mạnh nào đó.

Công bằng mà nói, mạng xã hội không thiếu những bài viết tích cực, hình ảnh gây xúc động hoặc những tấm gương sống đẹp, những nhân vật truyền cảm hứng khiến người xem thấy cuộc sống này tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, con người ta dễ bị tác động bởi những điều tiêu cực hơn cũng như những cảm xúc tiêu cực thường khiến họ nhớ lâu hơn.

Để cuộc sống trở lại cân bằng, tinh thần "bình ổn", có người chọn tách mình khỏi thế giới mạng như anh bạn ở đầu bài viết. Tuy nhiên, nói "không" với mạng xã hội cũng là một thái độ cực đoan, trong khi cùng với sự tiến triển của xã hội, các phương tiện thông tin dựa trên nền tảng kỹ thuật số là một yếu tố không thể tách rời.

Bớt dùng mạng xã hội, cuộc sống có dễ chịu hơn? Chưa chắc! Người bình thường xem mạng xã hội như cái lẩu thập cẩm hay tệ hơn là mớ hổ lốn, thượng vàng hạ cám gì cũng có. Nhưng với người bản lĩnh, biết gạn đục khơi trong, đó lại là cả kho tàng nếu biết cách khai thác. Chốn ấy vui hay buồn, tích cực hay tiêu cực, hữu ích hay vô dụng... đều do ta quyết định cả thôi!

Nguyễn Yến Nhi

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI