edf40wrjww2tblPage:Content
Kết quả thử nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (Đà Nẵng) cho thấy gói bột lạ gồm các chất: SiO2: 74,2%; hàm lượng một số kim loại: Cd: 0,77 mg/kg, Pb: 7,27 mg/kg, As: 4,59 mg/kg, Hg: 0,66 mg/kg.
Căn cứ vào tài liệu khoa học và y học, Sở Y tế Quảng Nam cho rằng chất SiO2 (dioxyt Silic) là thành phần chính trong cát, thủy tinh, đá granit, đá thạch anh… không độc hại lắm nếu ta tiếp nhận qua đường thực quản. Nhưng nếu hít phải bụi SiO2 (còn gọi là bụi silic) qua đường hô hấp với kích thước hạt bụi nhỏ, nhất là bụi nhỏ hơn 5 micromet (bụi phát sinh trong quá trình nung luyện cát thành thủy tinh hay quá trình khoan đá, xay nghiền đá) thì sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Phích nước xuất xứ Trung Quốc có chứa gói “bột lạ”
“Bụi silic tích tụ trong phổi với lượng nhiều và lâu ngày sẽ gây nên bệnh bụi phổi silic rất nguy hiểm đến sức khỏe. Đây là bệnh mạn tính của phổi, tiến triển xơ hóa phổi dần dần, làm bệnh nhân ngày càng khó thở do suy hô hấp và cuối cùng tử vong. Hiện chưa có phương pháp điều trị có hiệu quả”, công văn của Sở Y tế Quảng Nam nêu rõ.
Còn chất Cd (Cadimi) là kim loại được sử dụng trong công nghiệp luyện kim, chế tạo đồ nhựa; hợp chất cadimi được sử dụng để sản xuất pin. Nguồn tự nhiên gây ô nhiễm cadimi do bụi núi lửa, bụi vũ trụ, cháy rừng. Nguồn nhân tạo là từ công nghiệp luyện kim, mạ sơn, chất dẻo… Cadimi xâm nhập vào cơ thể người qua con đường hô hấp, thực phẩm. Cadimi là một loại kim loại có độc tính. Sau khi xâm nhập vào cơ thể được tích tụ ở thận và xương, gây nhiễu hoạt động của một số enzym, gây tăng huyết áp, ung thư phổi, thủng vách ngăn mũi, làm rối loạn chức năng thận, phá hủy tủy xương, gây ảnh hưởng đến nội tiết, máu, tim mạch.
Đối với chất Pb (Chì) là kim loại có độc tính cao đối với sức khỏe con người. Chì gây độc cho hệ thần kinh trung ương và thần kinh ngoại biên, tác động lên hệ enzym có nhóm hoạt động chứa hydro. Chì tích tụ ở xương, kìm hãm quá trình chuyển hóa canxi bằng cách kìm hãm sự chuyển hóa vitamin D.
Mức độ nhiễm độc chì tùy thuộc vào khối lượng chì và thời gian tiếp thu chì vào cơ thể. Còn hấp thu lượng nhỏ chì hằng ngày trong thời gian dài sẽ bị nhiễm độc chì mạn tính. Còn hấp thu lượng lớn chì vào cơ thể trong thời gian ngắn sẽ bị nhiễm độc cấp. Người bị nhiễm độc chì sẽ bị rối loạn bộ phận tạo huyết (tủy xương). Tùy theo mức độ nhiễm độc có thể bị đau bụng, đau khớp, viêm thận, cao huyết áp, tai biến não; nhiễm độc nặng có thể tử vong. Đặc tính nổi bật là sau khi xâm nhập vào cơ thể, chì ít bị đào thải mà tích tụ theo thời gian rồi mới gây độc. Chì xâm nhập vào cơ thể con người qua nước uống, không khí và thức ăn bị nhiễm chì.
Gói “bột lạ” được phát hiện trong bình phích nước tại xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước, Quảng Nam
Đối với thành phần As (Asen) là kim loại tồn tại ở dạng hợp chất vô cơ và hữu cơ. Trong tự nhiên Asen tồn tại trong các khoáng chất. Asen có độc tính cao, với nồng độ thấp thì kích thích sinh trưởng, nồng độ cao gây độc cho động vật, thực vật.
Asen gây tác hại cho sức khỏe con người, gây ra nhiều căn bệnh khác nếu bị nhiễm độc. Các ảnh hưởng chính đối với sức khỏe con người, làm keo tụ protein do tạo phức với asen III và phá hủy quá trình photpho hóa; gây ra các loại ung thư: biểu mô da, phổi, phế quán, xoang… Asen chỉ gây độc cho sức khỏe con người khi hít thở khói bụi hoặc ăn uống phải đồ ăn thức uống có chứa Asen.
Đối với chất Hg (thủy ngân), đây là một kim loại dạng lỏng khi ở nhiệt độ thường, tính độc phụ thuộc vào dạng hóa học của nó. Thủy ngân nguyên tố dạng lỏng là ít độc. Nhưng thủy ngân dễ bay hơi ở nhiệt độ thường nên nếu hít phải sẽ rất độc. Các hợp chất và muối của thủy ngân là rất độc gây tổn thương não và gan khi con người tiếp xúc, hít thở hay ăn phải.
Thủy ngân có khả năng phản ứng với axit amin chứa lưu huỳnh, các hemoglobin, abumi; có khả năng liên kết màng tế bào, làm thay đổi hàm lượng kali, thay đổi cân bằng axit bazơ của các mô, làm thiếu hụt năng lượng cung cấp cho tế bào thần kinh. Trẻ em bị ngộ độc thủy ngân sẽ bị liệt, co giật.
Metyl thủy ngân là dạng rất độc, nó làm rối loạn nhiễm sắc thể và ngăn cản quá trình phân chia tế bào gây khuyết tật đối với các thai nhi, hoặc gây tử vong khi nhiễm độc Metyl thủy ngân.
Thủy ngân đưa vào môi trường từ các chất thải, bụi khói của các nhà máy luyện kim, sản xuất đèn huỳnh quang, nhiệt kế, thuốc bảo vệ thực vật, bột giấy… Tiếp xúc với thủy ngân cần phải cẩn thận để tránh phải hít khói bụi có hơi thủy ngân. Các đồ chứa thủy ngân phải đậy nắp chặt để tránh rò rỉ và bay hơi.
Sau khi phân tích các chất có trong gói “bột lạ”, Sở y tế Quảng Nam đã khuyến cáo người dân có các phích nước trên không mở gói cát, không ngửi, hít gói cát và không làm rơi vãi cát ra bên ngoài. Các gói cát đã tháo ra khỏi phích nước nên xử lý như với rác thải nguy hại.
Ngoài ra, theo Sở y tế Quảng Nam, nếu sử dụng phích đựng nước ăn uống nên lấy mẫu nước đựng trong phích sau 24 giờ đem phân tích lại các yếu tố kim loại xem có vượt mức giới hạn cho phép hay không; nếu vượt mức tiêu chuẩn cho phép thì phải cấm lưu hành loại phích nước này.
Theo bà Nguyễn Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, đây chỉ khuyến cáo của Sở Y tế, còn việc xét nghiệm thì Sở không thực hiện mà đề nghị Sở Công thương và các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện.
Như Dân trí đã đưa tin, chiều ngày 16/8, tại hội trường xã Tiên Phong (huyện Tiên Phước, Quảng Nam), Bưu điện Trà Tiên (huyện Tiên Phước) đã tổ chức hội nghị giới thiệu bảo hiểm nhân thọ bưu điện; sau đó có 13 người đăng ký để mua bảo hiểm nhân thọ bưu điện và được tặng cho một phích nước loại 0,5 lít nước có vỏ bóng được mọi kim loại ionx, có chiều cao khoảng 25cm, vỏ ngoài bình toàn là chữ Trung Quốc không ghi nơi sản xuất, cũng như nhãn phụ tiếng Việt.
Khi người dân sử dụng vô tình phát hiện dưới đáy bình có chứa một gói nilon chứa một gói “bột lạ” dạng hạt cát mịn, có màu đen sẫm, hơi trong bình bay ra có mùi khét, khi ngửi có cảm giác khó thở, xây xẩm... Sau đó họ đã báo cơ quan chức năng và gởi các gói “bột lạ” này đi xét nghiệm.
Theo CÔNG BÍNH (Dân Trí)