Tiểu thương khó nhập hàng trực tiếp từ nhà vườn
Bà Trần Thị Ngọc Châu - Giám đốc Công ty Tân Ngọc ở quận 8, TPHCM - cho biết: cách đây vài năm, công ty có ký hợp tác với 10 vườn dâu tây tại xã Tà Nung, TP Đà Lạt với giá thu mua 250.000 đồng/kg. Dù đã thỏa thuận hợp tác nhưng khi thương lái khác đến trả giá mua cao hơn, có thể lên đến 500.000 đồng/kg, nhà vườn đã vi phạm thỏa thuận, bán cho người trả giá cao. Tuy nhiên, khi dâu bị dội hàng, mất giá, nhà vườn quay lại nài nỉ công ty bà thu mua. Cách làm việc không giữ chữ tín này của các nhà vườn khiến việc hợp tác tiêu thụ khó bền vững.
Một số tiểu thương ở chợ hoa Đầm Sen cho biết họ có thể kết nối với các nhà vườn Đà Lạt bằng hình thức online để đặt hàng. Tuy nhiên rất khó kiểm soát chất lượng hàng nhận được. Nhiều loại khi giao về tới TPHCM có chất lượng không như hình ảnh trao đổi trước đó, giá cả thường lại không ổn định. Vì vậy phần lớn tiểu thương tại chợ phải chấp nhận lấy hàng qua thương lái, chủ vựa lớn, giá cao hơn.
|
Theo tiểu thương các chợ đầu mối tại TPHCM, nông sản Đà Lạt thường phải qua nhiều khâu trung gian nên giá cao hơn hàng cùng loại của các địa phương khác - Ảnh: Quốc Thái (chụp ở chợ đầu mối Thủ Đức) |
Nhiều doanh nghiệp, tiểu thương và người tiêu dùng đều nhận thấy giá các mặt hàng nông sản Đà Lạt luôn cao hơn sản phẩm cùng loại từ các địa phương khác, nhất là từ các tỉnh phía Bắc. Theo bà Hoàng Thị Anh Thảo - Giám đốc Hợp tác xã Thảo Nguyên Xanh (TP Thủ Đức, TPHCM) - nấm hương từ Đà Lạt đưa về TPHCM có giá lên đến 90.000-95.000 đồng/kg, trong khi cũng sản phẩm này vận chuyển từ Yên Bái (khoảng cách xa hơn 6-7 lần) nhưng giá chỉ từ 80.000-90.000 đồng/kg.
Theo đại diện một số doanh nghiệp và tiểu thương tại TPHCM, khi kinh doanh nông sản họ phải vay vốn ngân hàng để đầu tư kệ, tủ mát bảo quản… Nông sản Đà Lạt, nhất là các sản phẩm hữu cơ có giá cao trong khi điều kiện bảo quản khó, thời gian bảo quản ngắn. Vì vậy nhiều tiểu thương sợ rủi ro thua lỗ nên chọn kinh doanh các loại nông sản thông thường khác.
Làm sao để giảm giá
Ngày 27/9, Hội LHPN TPHCM phối hợp với Sở Công Thương TPHCM đã tổ chức buổi kết nối giao thương để các doanh nghiệp, tiểu thương… TPHCM gặp gỡ trực tiếp các nhà vườn, hợp tác xã tại Đà Lạt và một số huyện tại tỉnh Lâm Đồng. Phần lớn các đầu mối tiêu thụ tại TPHCM đều bày tỏ mong muốn các nhà vườn Lâm Đồng có giải pháp để giảm giá nông sản so với hiện nay hoặc giữ ổn định để sản phẩm dễ tiêu thụ. Một số tiểu thương ngành hàng hoa tại chợ đầu mối hoa Đầm Sen còn đề xuất ký hợp đồng tiêu thụ trực tiếp nếu các nhà vườn, hợp tác xã tại Lâm Đồng đảm bảo nguồn hàng chất lượng, giá không biến động bất thường.
Bà Cao Thị Thanh - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng - cho biết: các sản phẩm tại TP Đà Lạt có giá cao hơn do được trồng theo hướng an toàn, hữu cơ, sử dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Ví dụ như hoa sẽ được tỉa bớt lá, dùng thêm chất dinh dưỡng để tươi lâu; bông cải (súp lơ) trước khi xuất bán sẽ được bao 1 lớp màng để kéo dài thời gian bảo quản từ 5-7 ngày thay vì chỉ 2-3 ngày; nấm hương ngoài được trồng theo hữu cơ còn được sử dụng công nghệ đóng gói để tăng thời gian bảo quản lên từ 7-10 ngày.
Theo bà Cao Thị Thanh, các sản phẩm cũng được phân loại, loại đặc biệt có giá cao, loại 2-3 có giá thấp hơn dành cho người tiêu dùng bình dân. Các tiểu thương có thể tư vấn để người tiêu dùng dần dần thay đổi nhận thức về sản phẩm vì sản xuất xanh, an toàn đang là xu hướng.
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM - nhận định: việc giá bán nông sản của các nhà vườn không ổn định một phần là do sản xuất nông nghiệp còn manh mún, diện tích trồng nhỏ hẹp. Nông dân mạnh ai nấy trồng, diện tích canh tác nhỏ, sản lượng thu hoạch ít. Để có thể cung cấp nguồn nông sản thường xuyên ra thị trường, các vựa sẽ đứng ra thu gom. Chính vì qua quá nhiều khâu trung gian, mỗi khâu thu lợi nhuận từ 10% trở lên nên kéo theo giá nông sản đến tay người tiêu dùng tăng cao. Thực trạng này diễn ra từ lâu và đến giờ vẫn chưa có giải pháp thay đổi.
“1 doanh nghiệp ngành hoa của Lâm Đồng nói họ hoàn toàn có thể tổ chức vận hành 1 chuỗi logistics để nguồn hàng đến trực tiếp doanh nghiệp, tiểu thương tại TPHCM thay vì phải thông qua thêm 1 khâu trung gian là chợ đầu mối. Trong bối cảnh hàng hóa thị trường phải thông qua nhiều khâu trung gian làm đội giá thì việc một số doanh nghiệp, thương nhân có giải pháp giúp giảm chi phí xuống sẽ tạo động lực, buộc những khâu trung gian phải giảm bớt lợi nhuận, giảm chi phí thấp nhất để có thể cạnh tranh” - ông Nguyễn Nguyên Phương nhận định.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh - Phó chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt - đánh giá: ở nước ngoài, người tiêu dùng và nông dân gặp nhau thông qua các sàn đấu giá hoa, nông sản. Tại Việt Nam thì vựa và thương lái là cầu nối. Nếu không có các đơn vị đứng ra tổ chức sàn kết nối, nhà vườn và doanh nghiệp, tiểu thương sẽ rất khó mua bán trực tiếp với nhau. Việc giá nhiều loại nông sản của Đà Lạt cao, ngoài các phí trung gian từ vựa còn do giá nguyên liệu đầu vào gồm đất, vật liệu xây nhà kính, nhân công… cao, người trồng đầu tư chất lượng.Theo ông, giá nông sản Đà Lạt cao hơn nơi khác còn do nông sản ở đây ngon hơn. Hay như việc doanh nghiệp phản ánh nhà vườn tăng giá bán có thể là do ngay từ đầu giữa 2 bên chưa có giao kết hợp đồng rõ ràng với nhau. Thực tế không chỉ có nông dân đơn phương phá vỡ hợp đồng mà đôi khi chính doanh nghiệp cũng không thực hiện đúng cam kết, đưa ra mức giá thu mua thấp hơn giá bình quân của thị trường.
“Để 2 bên tôn trọng hợp đồng đã ký kết, cách tốt nhất là thông qua cầu nối là các hiệp hội, hợp tác xã, tổ hợp tác. Riêng phần doanh nghiệp, thay vì mua đứt bán đoạn thì nên hỗ trợ nông dân đầu tư, đồng hành một phần nào đó cùng người sản xuất, chế biến và phân phối thì hợp tác giữa 2 bên sẽ bền vững hơn” - ông Nguyễn Ngọc Thanh đề xuất.
Thanh Hoa