Kỳ nghỉ mùa đông năm 2009, đa số học sinh tản mác khắp nơi, chúng tôi quyết định không đi nghỉ đông vì muốn có thời gian làm luận văn tốt nghiệp. Mùa đông, tuyết rơi, nhiệt độ ngoài trời rất thấp. Cứ hai, ba tuần, chúng tôi rủ nhau đi siêu thị một lần, có khi đi xe buýt, có khi đi taxi. Nếu đi xe buýt thì phải cuốc bộ một đoạn.
|
Khách sạn Omni Parker House xưa và nay |
Tôi còn nhớ, hôm đó cả bọn mua khá nhiều đồ, nên quyết định đi taxi cho gọn. Khi đã yên vị trên xe, anh tài xế hỏi: “Các bạn từ đâu đến?”. Chúng tôi có ba người: một từ Philippines, một từ El Salvado, và tôi. Khi vừa nói tôi là người Việt Nam, anh tài xế nói ngay: “Việt Nam - Hồ Chí Minh”. Cả nhóm ồ lên kinh ngạc. Anh hỏi: “Bạn Việt Nam, bạn đi được những đâu ở Boston rồi?”. Tôi liệt kê những địa điểm tôi từng đến: Trường đại học Harvard, khu Cambridge, khu cảng Boston, Boston Common… anh lập tức reo lên:
- Thiếu một nơi vô cùng quan trọng với bạn - một người Việt Nam. Đó là khách sạn Omni Parker House, nơi Hồ Chí Minh từng đến làm việc.
- Thật không? Tôi chưa bao giờ được nghe ai nói, hay đọc một tài liệu nào về điều này? Omni Parker House ở đâu, chỉ đường cho tôi với? - tôi hỏi dồn.
- Tiếc là tôi lại không nhớ địa chỉ. Đa số người Mỹ chúng tôi luôn ước có dịp được đến thăm Việt Nam, xem đất nước đó thế nào mà có rất nhiều câu chuyện lịch sử kỳ thú. Bạn nhớ đến Omni Parker đó.
Khi tra Google, tôi mới biết chính xác khách sạn Omni Parker House là nơi Bác Hồ đã đến và làm việc từ năm 1912 đến năm 1913. Đây cũng là nơi dừng chân của nhiều danh nhân thế giới và của nước Mỹ. Tôi lập tức rủ các bạn cùng phòng đi tìm địa danh đặc biệt đó. Nhưng thời tiết rất xấu trong nhiều tuần liền, khiến kế hoạch cứ bị trì hoãn. Các bạn an ủi thôi đợi đến mùa xuân rồi hẵng đi, nhưng khi đó trường học sẽ mở cửa trở lại, chúng tôi lại chỉ biết đến giảng đường, thư viện, rồi sẽ dành thời gian cho đề tài tốt nghiệp, và sắp xếp việc về lại quê hương. Thấy tôi cứ bồn chồn, Kalar nói khi nào tuyết bớt rơi là sẽ đi thăm Omni Parker House lập tức.
Dịp trọng đại ấy rồi cũng tới, vào một cuối tuần tuyết không còn dày đặc, chúng tôi quyết định lên đường ngay sau bữa cơm trưa. Khách sạn Omni Parker House nằm ở 60 School St, Boston, MA 02108, United States. Từ chỗ tôi ở lộ trình hơi khó: đi bộ khoảng 10 phút, bắt chuyến xe buýt 558, rồi đi tàu điện ngầm Green line, sau đó đi bộ thêm năm phút nữa. Tổng cộng thời gian di chuyển khoảng hơn một tiếng rưỡi nếu không trễ tàu.
Khi khách sạn sang trọng ấy hiện ra trước mắt, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng nhìn lại mình, những bộ quần áo mùa đông đang mặc được tặng từ những đợt quyên góp ở trường, ấm thì có ấm nhưng không thể khiến chúng tôi trở nên tương thích với sự sang cả, hiện đại và rất thời trang của khung cảnh và con người nơi đây.
Ngần ngừ một lát, tôi vẫn quyết định đi vào dù đôi chân không ngừng run rẩy. Các bạn tôi líu ríu theo sau. Tôi cất tiếng chào cô tiếp tân và tự giới thiệu mình là sinh viên Việt Nam đến Massachusetts học. Vừa nghe hai chữ Việt Nam, cô tiếp tân mỉm cười: “Tôi biết bạn muốn gì rồi!”. Và cô nói với anh quản lý: “Bạn này đến từ Việt Nam, chắc chắn là muốn thăm nơi làm việc của Mr. Hồ Chí Minh”. Anh quản lý trầm giọng: “Xin lỗi, bạn không thể vào bếp để xem chiếc bàn gần 100 năm trước Bác Hồ đã làm việc được - khi bạn không phải là nhà báo đặc biệt, hay lãnh đạo cấp cao đến từ Việt Nam”.
|
Năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đến thăm gian bếp của khách sạn Omni Parker House, nơi Bác Hồ đã làm việc từ năm 1912-1913 - Ảnh: Phạm Thục |
Tôi có cảm giác rất thất vọng. Dường như để an ủi tôi, anh ấy nói chúng tôi có thể tham quan tiền sảnh của khách sạn, nhưng không được chụp hình, vì chúng tôi không phải là khách ở đây. Anh ấy dẫn chúng tôi đến bức tường có rất nhiều hình ảnh danh nhân thế giới, trong đó có hình Bác Hồ thời trẻ với dòng chữ: “1912-13 Future Vietnamese leader works Parker House bakeshop”. Đây là bức ảnh chụp Bác năm 30 tuổi, thường in trong sách lịch sử. Gương mặt bác cương trực, ánh mắt quyết đoán nhìn tôi. Các bạn đi cùng tôi thì thầm: “Ôi trời ơi, đây là sự thật ư?”.
Omni Parker House được xây dựng đầu tiên năm 1855, ngay trung tâm thành phố Boston, khu vực có nhiều di tích lịch sử, đặc biệt là “Freedom trail - Đường Tự do” - nơi mỗi bước chân đều có dấu ấn lịch sử về cuộc cách mạng giành tự do của nước Mỹ. Ngày mùa đông, trời mau tắt nắng, mới ba giờ chiều mà phố xá đã lên đèn. Chúng tôi muốn chụp vài tấm ảnh bên ngoài khách sạn nhưng trời sụp tối, cái máy ảnh lại hết pin vì quên sạc. Mắt tôi cay cay khi biết mình sẽ rời khỏi Omni Parker mà không có được tấm hình nào làm kỷ niệm. Tôi đứng trước cửa khách sạn, hết nhìn đường bên phải rồi lại bên trái, tự hỏi rằng năm xưa Bác đi làm mỗi ngày từ hướng nào, bằng phương tiện gì, có phải lội bộ xa không? Tôi nghe như trên đường có tiếng bước chân từ miền xa xăm vọng về.
Sabita, người bạn Ấn Độ đề nghị: “Đi bộ loanh quanh một chút nhé!”. Tôi gật đầu, cả bọn chầm chậm bước dọc Tremont Str để trở về trạm tàu điện ngầm Green line. Jenna, người bạn Mỹ phá tan bầu không khí im lặng:
- Sách bạn đọc có nói vì sao Hồ Chí Minh đến nước Mỹ, rồi lại rời nước Mỹ đi châu Âu và sau đó đeo đuổi học thuyết Lênin không?
- Không, nhưng tôi nghĩ ở nước Mỹ thời đó còn phân biệt chủng tộc nặng nề, Hồ Chí Minh không tìm được điều Ngài muốn tìm, là đem đến độc lập, tự do cho dân tộc.
- Hồ Chí Minh rời Việt Nam năm nào? - Jenna lại hỏi.
- Năm 1911 - tôi trả lời - trên một chuyến tàu đến Pháp, làm đầu bếp. Đó là điều làm tôi ngưỡng mộ nhất. Tôi được lo đầy đủ để học hành cho tốt, mà nhiều khi còn chưa nỗ lực hết mình.
- Năm 1912-1913 ở Boston, wow, Ngài vừa làm công nhân làm bánh, vừa tìm hiểu chính sách đường lối cách mạng ở Mỹ, sau đó trở lại châu Âu hoạt động cách mạng, rồi về nước cùng nhân dân Việt Nam giành độc lập năm 1945 phải không? Hành trình hơn 30 năm. Thật ngưỡng mộ! - Jenna trầm trồ.
- Không phải chỉ hơn 30 năm, mà là cả đời của Ngài. Bác Hồ mất năm 1969, khi Việt Nam vẫn chưa thống nhất - tôi bùi ngùi.
Người đã có một hành trình gian nan, nhưng không lùi bước. Còn chúng tôi, lớn lên trong hòa bình, rời quê hương đi học, người đưa kẻ đón, nước mắt ngắn, nước mắt dài. Xấu hổ gì đâu.
Mỗi lần đến tháng Năm, tôi lại nhớ ngày mùa đông trước khách sạn Omni Parker House năm đó, nhớ giọng nói đầy trìu mến của anh tài xế taxi “Việt Nam - Hồ Chí Minh”, nhớ bạn bè tôi chụm đầu tra Google về hành trình của Người, nhớ không khí trầm mặc trước khách sạn Omni Parker House nghe tiếng gió thổi, những tiếng thở của lịch sử, của thời gian vọng lại. Khi rảnh rỗi, tôi vẫn hay lên mạng tìm kiếm tư liệu về thời gian Bác Hồ ở Boston, hy vọng có thể biết được những nơi Bác dừng chân, nhưng không có.
Tôi trở về Việt Nam vào mùa hè năm 2010, sau khi hoàn thành chương trình học hai năm tại Heller School, Brandeis University. Trước khi về nước, tôi lại rủ các bạn đến Omni Parker House, và lần này tôi đã chụp được một tấm ảnh trước khách sạn dưới ánh nắng hè rực rỡ. Càng hiểu về hành trình của Bác, tôi lại có thêm năng lượng để đi tiếp hành trình của mình.
Đặng Trần Trang Nhã - cựu du học sinh tại Mỹ