Boris Johnson: cuộc chiến định mệnh

07/04/2020 - 17:19

PNO - Đến thời điểm này, có thể nói, ông Johnson và nước Anh đã phải đối diện và cố vượt qua hậu quả. Nhưng cuộc chiến thực sự vẫn chưa kết thúc.

Sáng ngày 7/4, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã được chuyển sang chế độ chăm sóc đặc biệt, sau khi nhập viện một ngày trước đó. Tin từ Anh quốc cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Anh - ông Dominic Raab đã được chỉ định thay Thủ tướng điều hành đất nước, nếu tình trạng sức khoẻ của ông Johnson diễn biến xấu hơn.

Thủ tướng Anh Boris Johnson điều hành đất nước từ phòng cách ly - Ảnh: AFP
Thủ tướng Anh Boris Johnson điều hành đất nước từ phòng cách ly - Ảnh: AFP

Dù Văn phòng Thủ tướng Anh lẫn ông Dominic Raab đều khẳng định mọi thứ vẫn sẽ diễn ra theo kế hoạch ông Johnson đã quyết và nước Anh vẫn đang nỗ lực kiểm soát, chiến đấu với dịch bệnh COVID-19, vẫn khó có thể tránh được cảm giác xót xa, trĩu nặng cho những gì đang diễn ra ở nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới lẫn cho người đàn ông đang nằm trên giường bệnh.

Đối với dịch bệnh, điều duy nhất ta có thể chắc chắn là... chẳng có điều gì chắc chắn cả. Đối mặt với một loại virus hoàn toàn mới, mọi chính sách đều có thể là đúng đắn hoặc sai lầm. Dựa trên nghiên cứu, tư vấn của các nhà khoa học, năng lực đáp ứng của hệ thống y tế Anh, ông Johnson đã quyết định. Nước Anh đã chọn tiếp tục bước đi trong khi một số quốc gia khác bắt đầu phong tỏa, áp dụng hàng loạt chính sách giãn cách nghiêm ngặt.

Nhìn vào tổng số ca nhiễm và tỷ lệ tử vong, người ta dễ dàng trách Boris Johnson (cũng phải thôi, bởi đó là chuyện sống - chết). Thậm chí người ta có thể nói đó là cái giá mà nước Anh và Boris Johnson phải trả cho các sai lầm ngay từ đầu mùa dịch. Nhưng ít nhất, ông đã quyết định trong khi nhiều lãnh đạo khác vẫn chần chừ, tránh né mà hậu quả có thể khủng khiếp hơn, như tại Ý, Tây Ban Nha. Khi biết chính mình đã dương tính với SARS-CoV-2, ông Johnson đã tự cách ly ở Dinh thủ tướng như rất nhiều người Anh khác được khuyên tự cách ly tại nhà, dành chỗ ở bệnh viện cho người già và những ca bệnh nặng.

Nước Anh đã thay đổi chính sách, vẫn dựa trên các nghiên cứu khoa học, diễn biến dịch bệnh thực tế. Bài toán khó về ngăn ngừa, kiểm soát dịch bệnh trong tương quan với nền kinh tế quốc gia đã đặt lên vai Boris Johnson và chàng cựu học sinh trường quý tộc Eton đã chọn lao vào cuộc chiến. Giữa những cơn sốt liên tục, ông vẫn làm việc. Bên cánh cửa cách ly, ông vẫn chào người dân của mình và vẫn khuyên người dân Anh thực hiện theo mọi chỉ dẫn của lực lượng y tế.

Đến thời điểm này, có thể nói, ông Johnson và nước Anh đã phải đối diện và cố vượt qua hậu quả. Nhưng cuộc chiến thực sự vẫn chưa kết thúc. Dịch bệnh vẫn đang lan tràn với số ca nhiễm, người chết ngày một tăng. Những dự báo khủng khiếp về các thiệt hại kinh tế, du lịch, sản xuất, thậm chí quan hệ ngoại giao, vị thế quốc gia, quan hệ giữa người với người lẫn cách chúng ta sống... sau dịch vẫn chưa đầy đủ biến số để kết luận.

Việc Trung Quốc vinh danh bác sĩ Lý Văn Lượng được xem là hành động sửa sai của chính quyền nước này khi đã bỏ qua những cảnh báo sớm về dịch bệnh. Nước Anh đổi phương thức chống dịch là một cách sửa sai khác và  nhà lãnh đạo với mái tóc xoăn phải tiếp tục đối mặt với những thách thức to lớn như hậu Brexit hay kẻ thù như SARS-CoV-2 ngay từ phòng chăm sóc đặc biệt - nơi có lẽ ông chưa từng nghĩ mình sẽ phải bước vào vì căn bệnh này.

Boris Johnson đã vượt qua được kỳ sát hạch Brexit ở cả Hạ viện lẫn Thượng viện Anh, nếu muốn COVIDexit, sẽ phải thay đổi tư duy phòng bệnh truyền thống để có những đối sách hiệu quả hơn. Nếu không thế, dù có cố vẫy vùng thoát khỏi một châu Âu già cỗi thì cái giá phải trả đã ở ngay trước mắt.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI