Bóng tùng quân

23/02/2017 - 16:02

PNO - Để cán bộ Hội có thể toàn tâm toàn ý cho công tác, phía sau các chị luôn có sự chia sẻ của các thành viên trong gia đình

Bóng tùng quan
Gia đình chị Phạm Thị Thành trong một chuyến cùng nhau du lịch.

KHI VỢ LÀM “NGHỀ” HỘI

Họ cưới nhau năm 1992, khi chị Phạm Thị Thành (hiện là Chủ tịch Hội HLPN quận Tân Bình) mới 22 tuổi, còn anh Trần Văn Thịnh đã 30. Được sự giúp đỡ của gia đình, anh chị mở một tiệm may riêng lấy tên anh, từ đó đến nay, nhà may Thịnh trên đường Phạm Phú Thứ, phường 11, quận Tân Bình là “nồi cơm” của anh chị Thịnh - Thành.

Sau khi con trai thứ hai được hai tuổi, chị Thành bắt đầu bén duyên với Hội, tích cực tham gia sinh hoạt Hội tại phường 11, quận Tân Bình. Thấy được sự chân thành, tháo vát, nhiệt tình của chị với các cuộc họp tổ dân phố, bà Nguyễn Thị Mai, bấy giờ là cán bộ Chi hội phụ nữ khu phố 5 đã động viên chị cùng vào việc Hội.

Chị Thành kể, ban đầu, anh Thịnh chưa ủng hộ vợ ngay, nhưng có một lần, khi vợ chồng chị đang bày mâm chén chuẩn bị ăn cơm thì một chị trong xóm gõ cửa nhà, khóc nức nở kể chuyện bị chồng bạo hành tinh thần. Anh Thịnh hối con bưng cơm xuống bếp cho mẹ tiếp khách. Ngay đêm đó, chị kể chuyện về những phụ nữ bị bạo hành, bị chồng chèn ép kinh tế, gia trưởng trong cuộc sống, về chuyện những người phụ nữ buôn gánh bán bưng cho chồng nghe. Anh nghe xong, nhỏ nhẹ: “Em coi có giúp họ được gì thì giúp, để tội”.

Biết chồng có tính thương người, mỗi ngày đi làm việc Hội về, chị lại kể cùng anh những câu chuyện mình đã làm, Hội đã làm giúp chị em lối xóm ra sao. Lâu ngày, anh Thịnh quen dần với việc cô vợ bé nhỏ sau buổi chợ sáng, cơm nước cho chồng con xong, lại chạy xe đi họp hành, thăm hỏi chị em đầu trên xóm dưới.

Vậy rồi, chị Thành nhận trách nhiệm chi hội trưởng, bốn năm sau đó lại được bầu làm phó chủ tịch, rồi chủ tịch Hội LHPN phường 11. Áp lực làm chủ tịch Hội của một địa bàn đông dân lao động nghèo, đặc biệt là các nữ lao động nhập cư khiến chị Thành luôn tìm tòi, sáng tạo những mô hình phù hợp. Để công việc hiệu quả hơn, chị tự đăng ký đi học nâng cao trình độ.

Những ngày vợ đi học, anh Thịnh vất vả gấp đôi vì đó cũng là thời điểm hàng may sẵn lấn át thị trường, nhiều nhà may đóng cửa. Nhưng anh Thịnh vẫn kiên tâm giữ nghề và động viên vợ con yên tâm công tác, học hành.

Hai nhiệm kỳ làm thủ lĩnh của Hội LHPN quận Tân Bình, nhờ sự năng nổ, tháo vát, chịu khó tìm tòi, sáng tạo trong công việc, chị Thành đã cùng tập thể Hội LHPN quận đưa phong trào Hội ngày càng phát triển, là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều năm liền được nhận bằng khen của Hội LHPN Việt Nam. Năm 2016, Hội LHPN quận Tân Bình là lá cờ đầu của cụm thi đua số 1.

Chị Thành chia sẻ: “Tất cả là nhờ điểm tựa gia đình và sự tin cậy, đồng lòng của các chị em cán bộ, hội viên”. Hiện con gái lớn của anh chị Thịnh - Thành nay đã tốt nghiệp đại học ngành luật kinh tế, con trai út đang học năm thứ hai ngành công nghệ thông tin.

Bóng tùng quan
Chị Lê Thị Dần (đứng) cùng các dì, các mẹ trong một hoạt động của Hội LHPN quận Gò Vấp.

Đến dự buổi họp mặt “Gia đình cán bộ Hội” do Hội LHPN Q.Gò Vấp tổ chức, vợ chồng chị Lê Thị Dần trông như một cặp vợ chồng son. Anh Vũ Văn Thích, chồng chị Dần, nắm chặt tay vợ, chia sẻ: “Cô ấy đi suốt. Nhiều lúc tôi cũng bực bội khi đang bù đầu với công việc mà cô ấy nhắn tin nói không về được, nhờ đi đón con. Cô ấy khá bận rộn với những hoạt động Hội, vì vậy, tôi không ủng hộ nhưng luôn cố gắng hỗ trợ vợ trong khả năng của mình. Quan trọng là cô ấy thấy vui và luôn cố gắng để chu toàn công việc gia đình”.

Năm 2013, chị Dần về làm Chủ tịch Hội LHPN P.6. “Công tác Hội coi vậy chớ bù đầu sáng tối. Đặc biệt, những ngày nghỉ của người khác lại là thời gian thích hợp nhất để triển khai các hoạt động Hội, nên mình phải biết cách tranh thủ, lồng ghép” - chị nói. Bình thường, chị vẫn quen thức dậy sớm để nấu bữa sáng cho cả gia đình, rồi chuẩn bị cho bữa trưa trước khi đi làm. Nhưng có những ngày thật sự bận rộn, chị phải đi sớm về khuya thì anh Thích sẵn sàng thay chị đưa đón con, chuẩn bị bữa cơm cho gia đình.

 “Đối với mình, gia đình vẫn là nền tảng, và chồng con chính là động lực của mình trong công việc” - chị Dần tâm sự.

“NHÀ CỬA, BẾP NÚC,  MỘT TAY ỔNG LO HẾT”

Năm 1991, chị Nguyễn Thị Hai, cán bộ Hội LHPN huyện Nhà Bè nên duyên cùng người đàn ông “gà trống nuôi con”. Được mẹ chồng cho chỗ an cư, chị và chồng là anh Trần Văn Đức bắt đầu lo làm kinh tế để nuôi bốn miệng ăn vì thời đó, chị Hai giữ chức Chủ tịch Hội LHPN xã Nhơn Đức, lương không thấm vào đâu, anh Đức làm chủ nhiệm hợp tác xã, lương cũng không khá hơn. Bốn năm sau, khi cô con gái Ngọc Hiếu chào đời, hợp tác xã giải thể, anh Đức xoay qua làm xây dựng, cuộc sống vẫn còn khó khăn, vợ chồng càng động viên nhau.

Khi con gái Ngọc Hiếu tròn ba tuổi, chị Hai được cử về Hội LHPN huyện, phụ trách việc chăm lo an sinh xã hội, càng phải đi nhiều hơn. Từ đó, một tay anh Đức lo đưa rước con đi học, từ mẫu giáo cho đến hết cấp III, cứ 10 giờ sáng, anh lại từ công trình chạy về bắc nồi cơm, vòng qua trường đón con gái, lui cui vào bếp làm thức ăn để kịp đưa con trở lại trường vào đầu giờ chiều.

Cứ thế 14 năm ròng rã, việc nhà, việc chăm sóc con cái, anh Đức một tay gánh vác giúp vợ. Chị Hai đùa: “Lúc mới cưới, ổng dở việc bếp lắm. Nhưng vì cô lo làm, thả riết mà giờ ổng nấu ăn còn ngon hơn ngoài quán. Nhà cửa sạch sẽ, tươm tất cũng một tay ổng lo hết”.

Công tác Hội ngày càng có thêm nhiều hoạt động, không chỉ dừng lại ở việc chăm lo vật chất mà còn “chăm” luôn tinh thần, sức khỏe cho phụ nữ, trẻ em nên chị hai càng thêm bận rộn.

Thế nhưng, như chị tâm sự: “Càng làm, càng vui vì thấy mình giúp được nhiều chị em, rồi cũng học được nhiều điều, nên càng say sưa với công tác”. Nhiệt huyết của chị còn truyền sang con gái: không biết từ khi nào, Ngọc Hiếu trở thành hội viên phụ nữ, tích cực tham gia phong trào Hội.

Được con gái phụ giúp việc Hội, chồng lo việc nhà, chị Hai nghĩ đến chuyện nâng cao trình độ. Chị bắt đầu học bổ túc văn hóa cấp III, rồi học tiếp chương trình đại học tại chức vào cuối tuần. Nhờ kiên trì đeo đuổi, chị Hai lấy được tấm bằng cử nhân chuyên ngành xã hội học khi đã ngoài 50 tuổi. Giờ đây, vừa nhận quyết định nghỉ hưu ở Hội LHPN huyện, thay vì nghỉ ngơi, chị Hai lại bắt tay vào làm công tác khuyến học tại xã.

Bóng tùng quan
Vợ chồng chị ô Nguyễn Thị Hai bên vườn hoa của gia đình.

Sự hậu thuẫn từ gia đình là chỗ dựa để cán bộ Hội yên tâm công tác, như lời chị Lê Thị Dần: “Đó là nơi mang đến cho tôi rất nhiều bình yên. Làm gì thì làm, chúng tôi cũng luôn nghĩ đến gia đình”.

 NGHI ANH - THU LÊ - VIỆT PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI