Bỏng, tai biến vì mực xăm henna

10/08/2018 - 11:30

PNO - Tiến sĩ - bác sĩ Ngô Minh Vinh - Khoa khám bệnh, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM - cho biết, tuần nào bệnh viện cũng tiếp nhận hàng chục ca viêm da dị ứng, nhiễm trùng vì mực xăm.

Nếu tỷ lệ dị ứng mỹ phẩm đứng hàng thứ nhất thì dị ứng mực xăm xếp thứ hai, bởi xăm đang là trào lưu của giới trẻ, với mực xăm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, giá rẻ.

Vui một phút, nằm viện một tuần

Theo lời chị V.T.N.M. (ngụ tại tỉnh Long An), đầu tháng Tám, chị cùng nhóm bạn đi du lịch Vũng Tàu. Thấy nhiều người xúm xít trước một tiệm vẽ henna Ấn Độ, chị M. và nhóm bạn quyết định vẽ thử. Tuy nhiên vài ngày sau, dù mực xăm đã biến mất, những cơn ngứa ngáy bỗng xuất hiện. Cả nhóm bạn chị đều bị ngứa nên nghĩ do bị cháy nắng. Nhưng cơn ngứa càng dữ dội hơn.

Chị M. bị nặng nhất - vùng cánh tay, nơi từng xăm - bị sưng rồi chuyển sang màu đỏ. Ngoài ra, chị M. còn bị đau đầu, nôn ói. Tại bệnh viện tỉnh Long An, nhóm bạn chị M. được bác sĩ cho thuốc thoa. Riêng chị M. được khuyên nhập viện vì viêm da nghiêm trọng, có dấu hiệu nhiễm trùng. Tại Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, chị M. được chẩn đoán viêm da dị ứng nặng, sốc dị ứng.

Xăm henna là kỹ thuật xăm tạm thời, xuất phát từ Ấn Độ. Vài năm nay, loại hình này du nhập vào Việt Nam, trở thành trào lưu trong giới trẻ và khá phổ biến tại các khu du lịch, điểm vui chơi giải trí.

Bong, tai bien vi muc xam henna
 

Tại một cửa hàng xăm trên đường Nguyễn Thiện Thuật (Q.3, TP.HCM), khá đông bạn trẻ tìm đến yêu cầu xăm henna. Quy trình khá đơn giản: khách chọn mẫu, sau khi vẽ, để mực tự khô rồi bóc bỏ lớp mực đi. Dưới lớp mực là hình xăm. Thời gian tồn tại trên da khoảng vài ngày. Ngoài dịch vụ vẽ, nơi đây còn bán cả mực để khách tự vẽ, giá 75.000đ/bộ (gồm mực, lọ tinh dầu).

Theo giới thiệu, sản phẩm được nhập trực tiếp từ Ấn Độ, mực được chiết xuất từ cây lá móng, nghiền thành bột và thêm một số thành phần tự nhiên khác để thành thuốc nhuộm thiên nhiên an toàn cho da. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, mực vẽ chỉ là một tuýp nhỏ như que kẹo, bên ngoài chỉ có dòng chữ Golecha Sehnazz. Riêng chai tinh dầu vẽ hoàn toàn không có bất kỳ thông tin gì.

Hơn 90% mực xăm nhập từ Trung Quốc

Đó là khẳng định của một thợ xăm tại Artist Dũng Tattoo. Theo thợ xăm này, nhiều nơi quảng cáo mực xăm nhập từ Đức, Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Ma-rốc… nhưng thực ra là hàng Trung Quốc, được chủ cửa hàng sang chiết, pha chế ra màu xăm riêng, sau đó gắn mác hàng ngoại cao cấp. Mực xăm từ Đức, Nhật thật sự không thể có giá vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng/sản phẩm. “Tại Ấn Độ, mực xăm henna được bào chế hoàn toàn từ thiên nhiên, thể hiện sự linh thiêng, nhưng khi du nhập sang các nước khác, người bán pha chế nhiều hóa chất độc hại vào để tăng lợi nhuận, bám màu lâu” - thợ xăm này cho biết.

Tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy - Khoa kỹ thuật hóa học, Trường đại học Bách khoa TP.HCM - cho biết, màu sắc trong thuốc nhuộm henna truyền thống là màu nâu đỏ. Tuy nhiên, một số cửa hàng đã dùng thuốc nhuộm để pha chế, tạo thành nhiều màu sắc khác nhau, thường là màu đen. Mực xăm henna đen chứa thuốc nhuộm nhân tạo có chất methyl acrylate, nếu sử dụng nồng độ cao sẽ gây bỏng, gây dị ứng, để lại sẹo trên da. Trên thế giới từng có trường hợp tử vong vì chất methyl acrylate gây sốc phản vệ.

Không riêng mực henna, mực xăm nói chung là một hỗn hợp gồm chất màu và chất tải. Từ góc độ hóa học, các chất màu có thành phần rất đa dạng, nguồn gốc hữu cơ hoặc vô cơ. Các màu vô cơ chủ yếu có thành phần là các muối hoặc ocid của các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadimi, coban, nhôm, sắt, đồng… Các màu hữu cơ thường là các hợp chất azo, các hợp chất tổng hợp từ hydrocarbon ngưng tụ đa vòng. Tạp chất trong màu càng cao thì nguy cơ càng cao. Khi đi vào cơ thể, sẽ gây tổn thương gan, thận, não, phổi, gây loãng xương, các bệnh về xương, ảnh hưởng đến hệ sinh sản và khả năng sinh sản, có khả năng gây ung thư, kích ứng da khi tiếp xúc.

Để mực xăm đi vào lớp hạ bì, mực phải chứa các chất tải để tăng tính thấm, có thành phần từ các loại rượu (như ethanol, methanol, propylene glycol, glycerine…). Chính vì tính thấm cao, khả năng mực xăm đưa chất độc hại vào máu cũng rất cao, làm tăng nguy cơ dị ứng và ngộ độc. Cơ quan hóa chất châu Âu (ECHA) từng đưa ra nhiều nghiên cứu về tác hại của các loại mực xăm Trung Quốc không rõ nguồn gốc và chúng đã bị cấm tại các nước này vì nguy hại cho sức khỏe. Song tại TP.HCM, các loại mực xăm độc hại vẫn được bán tràn lan, không kiểm soát. 

Trước khu vui chơi Thỏ Trắng (công viên Lê Thị Riêng, Q.10), công viên Tao Đàn (Q.1)… các loại miếng dán hình xăm, mực xăm henna, tinh dầu xăm được đổ đống trên những tấm bạt nhựa cho khách lựa chọn. Người bán cũng nhận xăm cho khách với giá dao động từ 30.000 - 50.000đ/hình (tùy hình nhiều hay ít chi tiết). Buổi tối, tại đường đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1) cũng xuất hiện nhiều người cầm bảng rao nhận vẽ henna với giá 50.000 - 70.000đ/hình.
Thậm chí, tại một số quán cà phê, một số chợ phiên cuối tuần như Mega Market, Hello Weekend Market, The Box Market... cũng có dịch vụ vẽ henna miễn phí để thu hút khách.

 Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI