Chị Hạnh là nhân viên cũ, làm cùng tôi suốt 15 năm. Chúng tôi đã cùng trải qua thanh xuân với biết bao buồn vui, nghĩa tình, từ lúc công ty mới thành lập chỉ với vài người và chưa ai có gia đình. Thế rồi cách đây 2 năm, chị đột ngột nộp đơn nghỉ việc. Chị chuyển chỗ làm và không ai biết chị đi đâu, làm gì.
Mối quan hệ của chúng tôi bị “ngắt công tắc”. Tôi từng nhắn tin thăm hỏi, nhưng chị trả lời nhát gừng, xa cách như người lạ, khiến tôi từ ngỡ ngàng đến ngại ngần.
Tháng trước, phòng tôi tuyển nhân viên mới. Cô ấy là em bà con với chị Hạnh. Nhờ kênh thông tin đáng giá này, chúng tôi mới biết hôn nhân của chị và anh trục trặc. Cách đây 3 năm, trong mùa dịch COVID-19, chồng chị Hạnh đi công tác miền Trung rồi quen một cô gái trẻ. Hết dịch, trở về nhà, anh được biết người tình đã mang thai. Cô ấy chấp nhận làm mẹ đơn thân và nói rõ không giành giật gì của chị Hạnh. Nhưng chị Hạnh không thể chấp nhận lỗi của chồng, chị ly hôn.
|
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz |
Cả phòng tôi bất ngờ trước câu chuyện trên. Còn nhớ, năm chị có bầu đứa con thứ hai, tôi cũng có bầu đứa con lớn. Nhà tôi ở ngoại thành, đường đi lối về rất xa, tôi phải nhờ chồng đưa đón. Vì đứng chờ chồng mà tôi có dịp gặp chồng chị Hạnh mỗi chiều. Ở cổng công ty có nhiều chàng trai chờ người yêu, người chồng chở vợ, nhưng tôi bình chọn anh là “người xe ôm mẫn cán nhất”. Chẳng kể nắng mưa, anh luôn đúng giờ. Khi chị xuống lầu, ra cổng, anh luôn ở đó với nụ cười chào đón. Anh cầm sẵn chiếc nón bảo hiểm để đội lên đầu chị, gài khóa dây nón xong, anh cúi xuống, chu đáo kiểm tra chỗ chị sẽ đặt chân. Chị ngồi vững vàng, ôm eo anh thật chặt, xe mới nổ máy.
Hình ảnh ngọt ngào của anh chị khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Vì không ít anh chồng, anh người yêu giống như chồng tôi - luôn xuất hiện với vẻ cáu kỉnh và tiếng giục giã.
Chuyện anh ân cần đón đưa vợ chỉ là tình tiết nhỏ. Chúng tôi thêm vài dữ liệu lớn và thống nhất kết luận anh là người chồng quốc dân: giỏi, hiền, không biết nhậu. Đi làm được bao nhiêu tiền, anh giao hết cho chị. Chuyện con cái, nội ngoại đôi bên anh cũng chu toàn, cư xử trong ngoài không có gì để chê.
Nay biết chị có biến cố gia đình mà giấu, tự nhiên tôi muốn giận chị. Chúng tôi từng thân thiết như vậy, nhưng khi gặp chuyện bất toàn, thay vì ở bên bạn bè, đồng nghiệp để sẻ chia, chị Hạnh lại chọn ra đi. Tôi nghe kể, chị đến chỗ làm mới, lương thấp và điều kiện làm việc kém, nhưng được tự tin với một “profile” (hồ sơ cá nhân) mới tinh, không có tên chồng trong các bản khai, không phải kể lại câu chuyện riêng với ai hay trả lời bất kỳ câu hỏi riêng tư nào với phòng nhân sự. 1 năm ở công ty mới, chị không giao du với đồng nghiệp. Hết giờ làm, chị nhanh chóng ra về, càng không tám chuyện để tránh những câu hỏi tọc mạch, khó xử.
Chuyện chị Hạnh làm tôi nhớ chị Trang - “nàng thơ lầu 5” ở chung cư tôi. Chị Trang là giáo viên tiếng Anh cấp II. Chị dạy giỏi nên học sinh tới học thêm rất đông, thu nhập đáng ao ước. Sau khi ly hôn, chị theo anh trai sang một nước Đông Âu bán quần áo ngoài chợ, mang theo đứa con gái 5 tuổi. Chị nói với tôi, chị không thích nghề bán hàng, nhưng chị muốn thoát khỏi môi trường cũ để làm mới cuộc sống và để không phải trả lời bất cứ câu hỏi nào của những người hàng xóm soi mói.
Là quản trị viên nhóm Facebook của lớp đại học, tôi cũng chứng kiến những cuộc “mất tích đột ngột” của khá nhiều bạn bè. Khác với những người tâm tính “phổi bò” như tôi, các bạn sống nội tâm và sâu sắc thường chọn “ở ẩn” khi gặp cú sốc tình cảm nào đó. Có bạn thoát khỏi nhóm, lặn một hơi, gọi hay nhắn cỡ nào cũng không đi họp lớp. Họ không liên lạc với ai, cũng không ai có thể liên lạc. Mãi tới khi mọi thứ ổn thỏa, họ mới trở lại.
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Tôi nhận ra, những phụ nữ mạnh mẽ và hướng nội ít khi “bù lu bù loa” nỗi đau. Gặp biến cố sức khỏe hay công việc, bạn vẫn có thể chia sẻ cùng họ; riêng với biến cố hôn nhân, họ thường như con thú buồn bã lê chân tìm nơi vắng vẻ để dưỡng thương. Khoảng thời gian tự chữa lành trong cô độc và đau đớn này dài ngắn khác nhau ở mỗi người, nhưng phải đến khi họ đã tạm ổn, bạn bè mới có thể thấy họ.
Và cũng thật may, các bạn gái cùng lớp của tôi, sau khoảng thời gian “mất tích” đều trở lại đầy tươi mới và tích cực. Có một sức sống nào đấy khiến họ hào hứng khởi đầu những tháng năm hậu ly hôn rực rỡ và đều thành công.
Bây giờ, chúng tôi dặn nhau sẽ tiếp tục kiên nhẫn chờ chị Hạnh. Mong sao thời gian sẽ nhanh chóng xoa dịu nỗi tổn thương, làm dịu sự nhạy cảm của chị, để chúng tôi có thể trở lại thời “chị chị em em” như xưa.
Hoàng Yến