Bỗng nhiên… đuối sức

26/12/2022 - 07:17

PNO - Mấy tháng nay, nhiều phụ huynh kể trong lớp con họ, các bạn than bị rơi vào trạng thái đuối sức, chán nản, hay quạu, máy mắt thường xuyên. Dù ngủ đủ giấc nhưng cả ngày vẫn uể oải như thức nguyên đêm, chẳng khác nào điện thoại di động bị chai pin. Khi đi khám sức khỏe, bác sĩ cho xét nghiệm ion đồ và kết luận bị “thiếu vi khoáng”, cụ thể là thiếu magiê.

Các chuyên gia ở Đại học Southampton (Anh) phát hiện nguyên nhân gây “sáng mệt, trưa ủ rũ, chiều thiếu tập trung, tối mỏi” của các học sinh là do các em bị thiếu khoáng chất magiê. Các khoáng chất như kali, natri, canxi, phospho, magiê, lưu huỳnh, sắt, kẽm… là thành phần quan trọng xây dựng nên bộ xương, có trong dịch nội bào, trong nước mô, huyết tương. Chúng tham gia các hoạt động trao đổi của tế bào và hoạt động co cơ, hình thành và dẫn truyền xung thần kinh. Cơ thể người trưởng thành chứa 25g magiê, 50 - 60% nằm trong xương, phần còn lại trong các mô mềm.

Nguyên tố vi lượng được coi là “ánh sáng của cuộc sống”, tuy không cung cấp năng lượng cho cơ thể nhưng không thể thiếu trong khẩu phần ăn hằng ngày. Mỗi “thành viên” trong “dòng họ” nguyên tố vi lượng có chức năng và tác dụng riêng, cần được đưa vào cơ thể đều đặn, từ vài trăm micrôgam (selen và asen) đến vài miligam (sắt và i ốt)... Hầu như ai cũng biết dùng kem đánh răng có flour để ngừa sâu răng (làm chắc răng và bền men răng, giúp vết thương mau lành, ngăn ngừa thiếu máu), dùng muối i ốt tránh bướu cổ đơn thuần, bổ sung sắt để phòng thiếu máu nhược sắc... Nhưng vai trò của magiê thì không phải ai cũng biết.

Magiê (Mg) là nguyên tố vi lượng có vai trò quan trọng trong hàng trăm phản ứng hóa học của cơ thể, đặc biệt cần thiết cho hoạt động của cơ tim và sự dẫn truyền thần kinh. Do đó, người thiếu magiê dễ mệt mỏi, không kìm chế được cảm xúc, khó chịu đựng stress. Bên cạnh đó, khoáng chất này giữ vai trò xúc tác trong mấy trăm phản ứng biến dưỡng có liên quan đến chuyện cung cấp năng lượng cho cơ thể. Chỉ cần thiếu magiê, người ta cứ như rơi vào tình trạng… “sập nguồn”, dù cơ thể được cung cấp đầy đủ đạm, mỡ, đường, các loại vitamin và khoáng chất khác; lúc nào cũng buồn ngủ cho dù uống cà phê nhiều lần để giữ đầu óc tỉnh táo. Các bạn học sinh thì giảm sút năng lực học tập, thậm chí mất hứng thú trong vui chơi, giải trí. 

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng: nhiều căn bệnh thần kinh tâm lý, đứng đầu là trầm uất do bệnh nhân không được điều trị kịp thời và đúng cách. Lượng khuyến nghị hằng ngày đối với người lớn khoảng 400mg (theo Times of India). Có thể “tiếp tế” magiê cho cơ thể bằng nhiều cách:  

- Cung cấp thành phần dinh dưỡng hợp lý, cân đối: vừa ăn thịt, cá, nghêu, sò, ốc, hến, tôm, cua, thịt trai và các hải sản vừa ăn cà rốt, bầu, bí, rau củ quả hạt các loại. Tăng cường lượng rau xanh và trái cây tươi trong khẩu phần ăn hằng ngày, đặc biệt là món giá sống hoặc rau mầm. Càng ăn thường xuyên càng tốt, nhất là sau một ngày học hành căng thẳng hay trong giai đoạn bị stress. 

- Những thực phẩm giàu magiê: một trái bơ cung cấp 58mg magiê, chiếm 15% lượng khuyến nghị hằng ngày; 28g hạt điều chứa 82mg; một chén đậu đen nấu chín chứa 120mg; 100g đậu phụ cung cấp 53mg; một quả chuối chín cung cấp 37mg; các loại hạt chia, ngũ cốc nguyên hạt, rau lá xanh, cá béo… 

- Dùng thuốc: khi phát hiện tình trạng mỏi mệt kéo dài vài ngày và không hồi phục dù đã nghỉ ngơi, thư giãn, hãy uống magiê kết hợp với sinh tố chống trầm cảm B6 càng tốt.   

- Nếu thường bị chuột rút (vọp bẻ) vào ban đêm, dù suốt ngày không vận động nặng, nên hỏi ý kiến thầy thuốc về liệu trình dùng magiê và canxi.

- Xin xét nghiệm ion đồ (trong đó có kiểm tra magiê) để đánh giá việc thiếu thừa khoáng tố này khi khám sức khỏe. Tuy nhiên, không phải cứ lúc nào mỏi mệt, mất sức sống… cũng đổ hết tội cho thiếu magiê.  

Học sinh phải tránh xa ma mãnh, ma men, ma túy… nhưng magiê thì phải nhớ nạp đều để cơ thể căng tràn nhựa sống, không ngại học và tham gia tích cực các hoạt động. 


Bác sĩ Nguyễn Lan Hải
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI