Bóng ngưng lăn, gia đình lạnh băng

17/07/2024 - 10:39

PNO - Euro 2024 vừa khép lại, để lại những dư vị ngọt ngào cho các tín đồ mê bóng đá trên khắp thế giới. Thế nhưng, cũng như bao mùa bóng lăn khác, khi cup vô địch đã có chủ thì vị đắng của giải đấu vẫn lưu lại rất lâu trong những gia đình có ông chồng mê cá độ - phải bán nhà trả nợ, cha mẹ từ mặt, vợ con xào xáo...

Nước mắt các bà vợ

Mùa bóng lăn, các diễn đàn, hội nhóm về hôn nhân gia đình lại xuất hiện không ít lời than thở của các bà vợ vì chồng mải mê cá độ. Trên diễn đàn “T.S.C hôn nhân”, một người vợ kể chuyện chồng cá độ đá banh “bay” hết 450 triệu đồng trong mùa World Cup 2022, mới đây lại bể ra món nợ gần tỉ đồng.

Nỗi ám ảnh lớn nhất của các bà vợ vào mùa Euro là chồng cá độ bóng đá - Ảnh: Phùng Huy
Nỗi ám ảnh lớn nhất của các bà vợ vào mùa Euro là chồng cá độ bóng đá - Ảnh: Phùng Huy

Anh Q.H. - nhân viên kế toán một công ty kinh doanh thiết bị y tế - kể: “Trận Ukraine - Slovakia, tôi chọn bên Ukraine. Gần cuối trận, Ukraine vẫn dẫn trước 1 trái, tôi nghĩ đã bỏ túi 5 chai (5 triệu đồng - PV). Vậy mà Slovakia lật ngược tình thế, gỡ hòa rồi thắng 2-1 ở phút bù giờ. Tôi nghĩ mình xui, nên “me” kỹ lắm, thằng nào “vừa miệng” mới xuống tiền. Trận Ý - Thụy Sĩ đồng nửa, kèo quá thơm vì Ý được đánh giá cao và đẳng cấp vốn cũng hơn hẳn Thụy Sĩ. Tôi nằm bên Ý và chắc cú “lụm lúa”. Vậy mà rốt cuộc Ý xụi, thua 2 trái trắng, tôi bay chục chai, còn bạn bè, người quen thì xe, sổ đỏ… bay vèo. Tôi yếu bóng vía nên thôi bỏ của, bơi vào bờ cho lành”. Thật ra, anh H. chỉ là số ít người biết dừng lại sớm; còn với dân cá cược chuyên nghiệp thì quan niệm “còn thở là còn gỡ” nên càng lúc càng lún sâu.

Không chỉ ở thành phố, tệ nạn cá độ cũng hoành hành ở nông thôn. Khi Euro mới đi nửa chặng đường thì vợ anh Hoài T. ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã giận bỏ về nhà ngoại, vì chồng chị lại bể nợ lần thứ ba, số tiền gần 500 triệu đồng. Tuy nhiên, chị đi mới 2 ngày thì chồng cũng bỏ trốn vì chủ nợ tìm đến tận nơi.

Trước đó, thông tin anh T. bể nợ 1 tỉ đồng vì cá độ đá banh và số đề khiến cả xóm ngỡ ngàng vì anh rất hiền, không phải tay chơi. Cha mẹ 2 bên nghĩ con lỡ dại nên góp vào trả nợ cho con trong sự thề thốt, hối hận của anh T. Nhưng chưa đầy 2 năm sau, anh lại mang về cục nợ 600 triệu đồng. Một lần nữa, cha mẹ anh T. phải bán 3 công đất ruộng để “trả nợ lần cuối cùng” cho con trai. Đến lần bể nợ mới nhất, ba mẹ anh đã tuyên bố từ con.

Ảnh mang tính minh họa - Phùng Huy
Ảnh mang tính minh họa - Phùng Huy

Những nỗi ám ảnh không quên

Mùa Euro tuy hấp dẫn với hàng triệu tín đồ mê bóng đá nhưng cũng là nỗi ám ảnh, xáo trộn với không ít gia đình. Trước khi Euro khai mạc, vợ chồng chị Ngọc D. - ở phường 16, quận 8 - đã chiến tranh lạnh. Khi anh B. - chồng chị - vừa dán tờ lịch thi đấu Euro ở phòng khách thì chị D. đã rào trước đón sau: “Banh bóng mất cả tỉ, xém chút ra đường ở mà còn chưa chừa”. Chạm tự ái, anh B. sửng cồ: “Chừng nào tui chơi rồi hãy nói, đừng ăn nói hồ đồ”.

Và rồi mỗi tối trước trận đấu, chị D. đi tới đi lui trước ti vi, càm ràm: “Coi đá banh cho vui thôi không chịu, ham hố cá độ để vợ con lo lắng”. Chị D. vốn có thói quen ngủ sớm, nhưng ngày nào có trận đá banh là chị đều ráng thức để nhắc “bài cũ”, mong chồng đừng sa chân. Không biết chiêu thức đó của chị có phát huy tác dụng không, chỉ thấy không khí gia đình do vậy cũng trở nên ngột ngạt, bức bối.

Chị Lan P. - ở quận 5, TPHCM - chia sẻ trong nước mắt: "Chồng tôi nghiện cá độ bóng đá. Ba má chồng từng phải bán nhà để trả nợ. Mùa giải nào ảnh cũng nói chỉ cá 50.000-100.000 đồng cho vui. Nhưng cứ tầm 1-2 năm lại bể nợ vài trăm triệu đồng”. Mỗi mùa đá banh, nhất là Euro, World Cup kéo dài hơn tháng là chị như sống trong địa ngục. Chồng dành hết tiền lương, tiền thưởng và vay mượn khắp nơi để cá độ. Mỗi lần thua, anh ta lại trở nên hung hăng, chửi bới, thậm chí đánh đập vợ, mặc cho vợ khuyên nhủ, van xin, khóc lóc đều vô ích.

Ảnh minh họa - Phùng Huy
Ảnh minh họa - Phùng Huy

Riêng với chị Nguyễn H.H. - ở quận 4, TPHCM - Euro 2024 là mùa đá banh đầu tiên chị sống trong bình yên. Lý do là: “Ly hôn người chồng có máu mê cờ bạc xong, tôi khỏe re”. Chị H. cho biết, chị đã chịu đựng hơn chục năm và trả nợ giùm chồng không biết bao nhiêu lần. Cho tới một ngày, khi con kết thúc năm học đạt loại giỏi, muốn được thưởng bữa buffet, nhưng chị không đồng ý vì còn phải dành tiền trả nợ. “Nhìn ánh mắt buồn, thất vọng của con, tôi chợt thức tỉnh. Tại sao cha nó có thể bỏ ra hàng chục triệu đồng cho một trận banh, khiến gia đình gánh nợ tiền tỉ mà tôi bỏ ra vài trăm ngàn đồng cho con niềm vui lại không thể?” - chị day dứt.

Biết không thể thay đổi người chồng có máu đỏ đen, chị nộp đơn ly hôn, mặc cho chồng và gia đình chồng ngăn cản. 2 năm qua, dù không giàu có, mẹ con chị đã thật sự tìm thấy bình yên, nhất là khi không còn cảnh nơm nớp sợ chủ nợ tìm tới.

Thùy Dương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • Dân 18-07-2024 16:37:18

    Có gì mà phải buồn lo, vì lo cũng kg đc gì. Gđ nào có đứa con máu cá độ thì cứ kệ cho nó tự làm tự chịu. Mấy bà lấy chồng có máu cá độ đỏ đen thì cứ xác định chấm dứt sớm để còn lo cho con cái. Thiết thực nhất là báo Chính quyền để dẹp tệ nạn này.

  • Trương Mỹ Hương 18-07-2024 08:32:42

    Mình chỉ có một lời khuyên duy nhất, nếu vướng vào một người chồng ham mê cá độ, cờ bạc, nên ly hôn sớm ngày nào đỡ trả nợ ngày đó.. hãy tìm một cuộc sống bình yên cho mình và các con.

  • Dolphin nguyen 18-07-2024 08:17:15

    Nghiện cờ bạc cũng giống nghiện thuốc phiện. Khó lòng bỏ được. Ngay khi biết ông chồng đổ nợ vì cờ bạc lần đầu, người vợ nên ly hôn ngay để không phải gánh những món nợ không bao giờ dứt của ông chồng nghiện cờ bạc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI