Bỏng nặng do bột, nước thông cống “siêu tốc”

07/01/2025 - 06:17

PNO - Bột, nước thông cống là sản phẩm quen thuộc với nhiều gia đình. Tuy nhiên do trong các sản phẩm này có hóa chất rất mạnh nên đã gây ra không ít trường hợp bỏng nặng.

Vết bỏng do bột thông cống gây ra ở một bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu TPHCM
Vết bỏng do bột thông cống gây ra ở một bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu TPHCM

Ngạt khí, bỏng nặng

Thấy bồn cầu bị nghẹt, anh N.T.K. - 34 tuổi, ở quận 12, TPHCM - đi mua bột thông tắc cống “siêu tốc” về xử lý. Ngay khi anh đổ một lượng lớn bột vào bồn cầu, nước trong bồn lập tức sôi, bắn tung tóe vào người anh. “Do tôi đứng quá gần bồn cầu, vừa đổ bột vào đã có luồng hơi nóng rất mạnh, kèm theo mùi của bột hất lên. Vô tình hít phải nên tôi bị choáng. Vì vậy, tôi không kịp chạy ra ngoài, khắp người bị bỏng” - anh K. nhớ lại.

Nghe anh K. hô hoán, người nhà chạy đến sơ cứu và đưa đi bệnh viện. Anh được chẩn đoán bỏng vùng mặt, cổ, 2 tay, bỏng độ 3, vết thương nhiễm trùng… Bác sĩ đã vệ sinh vết thương, loại bỏ hóa chất trên cơ thể anh, cắt lọc mô hoại tử, truyền thuốc giảm đau, chống sốc bỏng…

Ông P.V.H. - 59 tuổi, ở TP Thủ Đức, TPHCM - cũng mua chai nước thông cống “siêu tốc” với giá 50.000 đồng về thông chỗ thoát nước trong nhà tắm bị nghẹt. Khi đổ nước thông cống vào lỗ thoát nước, dung dịch này bất ngờ bắn ngược lại vào khuỷu tay ông. Giật mình, ông làm rơi chai nước khiến dung dịch thông cống bắn vào người nhiều hơn. Ông kể:

“Tôi cảm thấy khắp người nóng rát vô cùng, tay, chân phồng rộp nặng. Tôi chạy ra ngoài nhờ người thân đưa đến bệnh viện cấp cứu”. Sau cấp cứu, nhiều vùng da trên cơ thể ông H. thường đau rát, ngứa ngáy, những nơi lành nổi lên sẹo lồi chằng chịt. Ông đã đến Bệnh viện Da liễu TPHCM tiếp tục điều trị.

Cẩn trọng khi sử dụng

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Phương (Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TPHCM) cho biết, thành phần của nước thông cống “siêu tốc” có chứa hàm lượng lớn a xít sulfuric khá nguy hiểm, hoặc gốc kiềm có chứa sodium hydroxide. Cả 2 loại hóa chất này khi tiếp xúc với nước sẽ tạo ra phản ứng gây tỏa nhiệt lớn.

Tùy theo nồng độ hóa chất và thời gian tiếp xúc, bệnh nhân bị bỏng do bột thông cống vết thương thường ở mức độ 2, 3; vết thương loang lổ nhiều nơi trên cơ thể. Nơi bỏng phồng rộp, đỏ rát, đau nhức; hoặc nặng hơn ở mức độ bỏng sâu, da trở nên sáp, màu trắng hoặc chuyển sang màu nâu sẫm điều trị rất khó khăn, khả năng để lại sẹo xấu cao.

Trong đó, người bệnh hay gặp nhất là sẹo phì đại, tăng sắc tố da, hoặc mất sắc tố da vùng bị bỏng. Thậm chí, bệnh nhân bị hoại tử da phải cắt lọc, làm cho vùng da bị mất dẫn đến sẹo co rút hạn chế vận động, ảnh hưởng đến tâm lý cũng như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Để ngăn ngừa tai nạn bỏng do bột, nước thông cống, mọi người cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, không xé bỏ nhãn tránh nhầm lẫn với các loại chất tẩy rửa khác, không pha sẵn dung dịch… Khi sử dụng, cần mang trang phục bảo hộ, đeo khẩu trang, mắt kính, nón, găng tay, quần áo dài tay, đi ủng cao su phòng hóa chất bắn trực tiếp lên da.

Nếu không may xảy ra sự cố, cần loại bỏ ngay trang sức, trang phục dính hóa chất. Đối với hóa chất dạng khô, bột cần dùng khăn khô lau sạch trên da trước khi rửa lại với nước. Còn với hóa chất dạng lỏng, hãy ngâm, rửa vùng da tiếp xúc liên tục dưới vòi nước, hoặc nước máy ít nhất 20 phút (nếu được nên rửa từ 30-60 phút) để loại bỏ hóa chất.

Đây là bước cực kỳ quan trọng trong xử trí bỏng hóa chất và hạn chế biến chứng. Tuyệt đối không dùng các phương pháp truyền miệng như đắp lá thuốc, dùng nước mắm… trị bỏng. Hãy đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI