“Bóng ma” biến đổi khí hậu đang dần hiện ra

06/03/2023 - 06:40

PNO - Những hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây như tình trạng băng tan nhanh ở Nam Cực và hạn hán nghiêm trọng ở châu Âu ngay giữa mùa đông khiến “bóng ma” biến đổi khí hậu đang dần hiện ra rõ nét.

Băng đang tan nhanh ở Nam Cực

Trong suốt 44 năm theo dõi lượng băng trôi trên đại dương dọc theo đường bờ biển dài 18.000km của Nam Cực, các nhà khoa học nhận thấy sự thay đổi diễn ra theo chu kỳ với bề mặt băng đạt đỉnh khoảng 18 triệu km2 vào tháng Chín hằng năm trước khi giảm xuống còn hơn 2 triệu km2 vào tháng Hai của năm tiếp theo.

Thế nhưng gần đây, lần đầu tiên sau hơn 4 thập niên, các chuyên gia nhận thấy lượng băng xung quanh lục địa bị giảm một cách nghiêm trọng. Vào ngày 25/2/2022, lượng băng trên biển ở Nam bán cầu giảm xuống còn 1,92 triệu km2 - mức thấp chưa từng có dựa trên các quan sát vệ tinh bắt đầu từ năm 1979. Thế nhưng vào ngày 25/2/2023, kỷ lục của 1 năm trước đó đã bị phá vỡ. Băng tiếp tục tan nhanh, mức thấp kỷ lục mới là 1,79 triệu km2.

Tình trạng suy giảm lượng băng biển ở Nam Cực đang khiến cộng đồng khoa học tự hỏi: liệu có một quá trình nào đó liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu hay không? “Nam Cực có vẻ xa xôi, nhưng những thay đổi xung quanh đó có thể ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu, còn các tảng băng tan chắc chắn gây ảnh hưởng đến những cộng đồng ven biển trên khắp thế giới. Vì vậy, chúng ta không được bỏ qua những gì đang xảy ra ở Nam Cực” - tiến sĩ Ariaan Purich tại Đại học Monash (Úc) cảnh báo.
 

Những dòng sông khô trơ đáy giữa mùa đông tại châu Âu khiến lục địa này thiếu trầm trọng nước sinh hoạt và sản xuất -  Ảnh: Getty Images
Những dòng sông khô trơ đáy giữa mùa đông tại châu Âu khiến lục địa này thiếu trầm trọng nước sinh hoạt và sản xuất - Ảnh: Getty Images

Hạn hán giữ mùa đông châu Âu

Hiện tượng khí hậu cực đoan vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi trên khắp châu Âu. Mới đầu tháng Ba, khu dự trữ sinh thái Lac de Montbel ở phía tây nam nước Pháp đã cạn kiệt tới 80% lượng nước dự trữ. Sông Rhine vốn là tuyến đường thủy huyết mạch của Đức, giúp tàu thuyền đi vào trung tâm của châu Âu, giờ đây phải giảm hơn một nửa công suất do đang đối mặt với tình trạng khô hạn. Còn dãy Alps (Ý) thì chứng kiến sự sụt giảm hơn 63% lượng tuyết so với bình thường.
Mực nước ở Po - con sông dài nhất của Ý - hiện đã giảm 61% so với hồi tháng 2/2023 trong khi lượng mưa gần đây cũng sụt giảm đáng kể, khiến nguy cơ thiếu nước do hạn hán đang ở mức nguy cấp.

Hiện phần lớn châu Âu phải đối mặt với vấn đề “hạn hán giữa mùa đông” do biến đổi khí hậu, khiến chính phủ nhiều nước đang ngày càng tỏ ra lo ngại về khả năng đảm bảo an ninh nguồn nước cho hộ gia đình, nông dân và hoạt động của các nhà máy. Một nghiên cứu được Đại học Công nghệ Graz (Áo) công bố vào tháng 1/2023 cho thấy, châu Âu lâm vào tình trạng hạn hán kể từ năm 2018 khiến nguồn cung cấp nước ở lục địa này “hiện đang rất bấp bênh”.

Dịch vụ Giám sát thời tiết thế giới (WWAS) cảnh báo: tình trạng hạn hán ở Bắc bán cầu có khả năng cao hơn ít nhất 20 lần so với trước đây chính là tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra và những giai đoạn khắc nghiệt như vậy sẽ ngày càng trở nên phổ biến, tỉ lệ thuận với hiện tượng nóng lên toàn cầu. 

 Nguyễn Thuận (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI