“Bóng ma” bạo lực gia đình vẫn ám ảnh phụ nữ Mỹ

08/12/2024 - 06:56

PNO - Số lượng phụ nữ bị sát hại do bạo hành gia đình đã tăng đến mức gây bức xúc trên diện rộng tại California. Bên trong tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ, với các thành phố giàu có và nền luật pháp tiến bộ, vì sao hành vi bạo lực ghê rợn hãy còn đe dọa đời sống phụ nữ, nhất là người nhập cư?

Yenifer López, 19 tuổi, một sinh viên điều dưỡng di cư sang Hoa Kỳ từ El Salvador (Trung Mỹ), từng ấp ủ kỳ vọng tốt đẹp về mảnh đất nơi cô và mẹ luôn muốn đặt chân đến. Mong ước ban đầu ấy chính đáng như hàng ngàn người nhập cư khác.

“Chịu đựng cái đói, cái rét, thậm chí nguy hiểm tính mạng, mẹ con tôi vượt qua rất nhiều chông gai để đến Mỹ. Bà ấy từng nói tôi sẽ gặp được nhiều người bạn mới, sẽ có một tương lai xán lạn, rằng không gì là không thể…”, Yenifer hồi tưởng. Thế nhưng hy vọng đã “vụt tắt” vĩnh viễn với mẹ cô - Yesenia - khi bị chính bạn đời ra tay giết hại tại nhà riêng, cách đây 1 năm.

Luật pháp Hoa Kỳ nói chung và tiểu bang California nói riêng vẫn còn một số khuyết điểm xoay quanh định nghĩa cũng như chế tài đối với hành vi bạo lực gia đình và giết hại phụ nữ. - Ảnh: Getty
Luật pháp Hoa Kỳ nói chung và tiểu bang California nói riêng vẫn còn một số khuyết điểm xoay quanh định nghĩa cũng như chế tài đối với hành vi bạo lực gia đình và giết hại phụ nữ. - Ảnh: Getty

Ước mơ lụi tàn

Yenifer hiện sống tại quận San Mateo, nơi tọa lạc Thung lũng Silicon – khu công nghệ cao nổi danh khắp nước Mỹ. Ở một đất nước đã chứng kiến nhiều tiến bộ về an sinh xã hội, một khiếm khuyết hãy còn tồn tại: pháp luật vẫn định nghĩa hành động tấn công nhắm vào phụ nữ giới hạn trong phạm vi “bạo lực gia đình”. Và đến nay, luật pháp Hoa Kỳ vẫn chưa nhìn nhận tách bạch hành vi giết hại phụ nữ là một loại tội ác giết người có đặc thù riêng, cần các chế tài xử lý riêng.

Quen biết một người bạn trai cũng là dân nhập cư, không lâu sau khi chuyển đến San Mateo, Yesenia sinh con chung là một bé trai với người đàn ông này vào năm 2017.

“Mẹ từng muốn chúng tôi có một mái ấm hạnh phúc, vốn trong quá khứ bà ấy không thể tìm được. Nhưng kẻ đó đã hủy diệt ước mơ của mẹ tôi”, Yenifer nói. “Ông ta rất thích uống rượu, thường hành động bạo ngược khi say xỉn”.

Dữ liệu từ Sở Tư pháp California chỉ ra, tính riêng trong năm 2023, hơn phân nửa các vụ án nhắm vào phụ nữ được ghi nhận chính thức (59%) diễn ra tại nhà. Đây là điều đã xảy đến với Yesenia.

Bạn trai tên Fernando lẻn tới nhà riêng của Yesenia lúc nửa đêm và bất ngờ đâm nhiều nhát dao vào tim nạn nhân. Ngay sau đó, kẻ thủ ác dùng thủ đoạn tương tự tấn công Yenifer nhưng cô gái trẻ may mắn được cứu sống.

“Trước đêm gây án, ông ta liên tục đến làm phiền mẹ và 2 chị em tôi”, Yenifer kể lại. “Khi mẹ tôi mềm lòng không gọi cảnh sát, tối hôm đó ông ta quay lại…”. Vụ việc thương tâm diễn ra chỉ vài ngày sau khi cô tốt nghiệp trung học. Yenifer đang vừa học vừa làm để nuôi em trai cùng mẹ khác cha nay lên 7 tuổi.

Những nỗ lực vì phụ nữ

Tại California, tiểu bang nổi danh về nhiều bước tiến xã hội, khoảng 124 phụ nữ bị sát hại mỗi năm bởi bạn đời. Năm 2023, con số tử vong tăng đến mức báo động: 381, với 74 trường hợp (bao gồm Yesenia) bị giết tại nhà và đã hứng chịu bạo lực gia đình trước đó. Theo số liệu thống kê, người nhập cư gốc Mỹ Latinh là nạn nhân phổ biến của nạn bạo hành, bức hại phụ nữ.

Tháng 10/2024, tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Chính sách Phòng chống Bạo lực của Mỹ đưa ra một báo cáo gây lo ngại, cho thấy: gần 9/10 nạn nhân nữ tử vong tại nước này, riêng trong năm 2022, bị giết hại bởi một nam giới họ quen biết.

Thượng nghị sĩ bang California, bà Susan Rubio. - Ảnh: ELPAIS
Thượng nghị sĩ bang California, bà Susan Rubio. - Ảnh: ELPAIS

“Nhiều nạn nhân thất vọng vì tòa án và những người có thẩm quyền chưa thật sự lắng nghe họ”, Noelia Corzo - dẫn đầu một tổ chức bảo trợ phụ nữ và chống bạo lực gia đình tại California - chia sẻ. “Các biện pháp bảo vệ người bị hại chỉ thực hiện nửa vời dễ dẫn đến hậu quả khôn lường. Chúng tôi đã ghi nhận một số vụ việc đặc biệt trầm trọng khi tội phạm bạo hành không chỉ nhắm vào phụ nữ. Trẻ em, thậm chí trẻ sơ sinh cũng bị bức hại”.

Thượng nghị sĩ Susan Rubio, một phụ nữ gốc Mexico từng thẳng thắn thừa nhận bị chồng bạo hành nhiều năm liền, đang nỗ lực lên tiếng đấu tranh nhằm cải thiện lỗ hổng pháp luật và trợ giúp cộng đồng tốt hơn.

“Chúng tôi tự hào là một bang cấp tiến, nhưng liên quan đến vấn đề bảo vệ phái yếu, California hãy còn tụt hậu”, bà Rubio nhấn mạnh. Năm 2020, nữ chính trị gia tiên phong bổ sung khái niệm “cưỡng ép/thao túng tâm lý” vào Bộ luật Gia đình bang California. Hành vi phạm tội này bao gồm việc “cô lập nạn nhân về mặt kinh tế lẫn giao tiếp”, được nhìn nhận tương tự hành vi bạo lực thể xác.

Bà Rubio lý giải: “Tòa án thường đòi hỏi bằng chứng chứng minh dấu vết đánh đập, hành hạ ngoài da. Một khi không nhìn thấy vết thương rõ ràng, với họ, đó không phải bạo hành. Nên tôi thay đổi luật. Vì bạo lực tinh thần cũng đáng sợ không kém”.

Như Ý (theo ELPAIS)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI