Bóng ma bạo hành trong nhà

02/06/2019 - 11:00

PNO - Có những đứa trẻ sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất nhưng lại bị “khuyết tật về tâm hồn” do cách nuôi dạy đầy bạo lực hoặc thiếu sự yêu thương, tình yêu và sự tôn trọng.

Người Việt có câu nên không ít cha mẹ đã không ngần ngại dùng đòn roi như một cách để răn dạy con cái biết nền nếp, vâng lời. Chẳng mấy ai quan tâm đến sức khỏe tinh thần của trẻ, chẳng ai chịu lắng nghe hay quan sát xem con mình tính khí thế nào để chọn ra phương pháp nuôi dạy đúng cách.

Chính lối mòn trong tư duy, suy nghĩ bảo thủ hay đúng hơn là cách giáo dưỡng áp đặt, hà khắc, cổ vũ cho bạo lực khiến nhiều thế hệ trẻ con sinh ra đã phải chịu vô số tổn thương và muôn vàn sang chấn tâm lý khó chữa lành.

Bong ma bao hanh trong nha
Có những đứa trẻ đủ đầy về vật chất và khỏe mạnh, nhưng... Hình minh họa

Con hư tại ai?

Năm 4 tuổi, bé T.H. bị cha dùng đũa bếp đánh túi bụi vô người, cháu chỉ biết cắn răng nằm quằn quại dưới chân cha, những vết bầm hằn trên lưng, trên bụng cả tuần mới hết. Mẹ cháu không dám can ngăn vì việc dạy con là của cha. Mỗi lần bị đánh, đêm xuống H. ngủ bị giật mình, hay khóc, rất dễ nổi cáu với bạn bè, với cả mẹ và em gái.

Bé S.M. thì thường xuyên bị cha mẹ đánh đòn từ 2-3 tuổi vì tính khí thất thường, hay đánh em, hay làm hỏng đồ trong nhà. Cha mẹ lấy lý do “bé xấu tánh” nên đánh cho chừa. Hầu như ngày nào bé cũng bị đánh, giờ bé đã bắt đầu đi học nhưng trong đầu lúc nào cũng nghĩ đến chuyện ăn, ngủ dù bé không đói và đã ngủ rất nhiều. Mỗi khi nhắc bé làm việc gì, phải tới năm, bảy lần bé mới chịu đứng dậy hoặc bị đánh mới làm theo.

.Nếu cha mẹ sử dụng “nắm đấm” để răn dạy con thì hầu như vô hiệu và phản tác dụng vì các bé có tính khí trung lập khó chiều sẽ càng thu mình lại, nhút nhát, lãnh đạm, đa sầu, thiếu tự tin hoặc trở nên hung bạo, khó tính, cục cằn, thô lỗ và độc ác khi trưởng thành.

Có những đứa trẻ sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất nhưng lại bị “khuyết tật về tâm hồn” do cách nuôi dạy đầy bạo lực hoặc thiếu sự yêu thương, chỉ quan tâm đến vật chất, mà quên rằng trẻ con rất cần tình yêu và sự tôn trọng của cha mẹ. Sử dụng bạo lực để dạy con thể hiện sự bất lực của những người làm cha làm mẹ. Bạo lực sẽ gieo vào đầu trẻ những kiểu suy nghĩ và hành vi sai lệch, rằng các bé cũng có thể sử dụng bạo lực với người khác giống như cha mẹ đã từng làm với mình. 

Từ lúc chào đời, mỗi đứa trẻ sẽ có tính cách, cá tính, tâm hồn và sở hữu những đặc trưng rất riêng biệt được kế thừa từ chính ông bà cha mẹ chúng. Chính vì thế, tính khí bẩm sinh cộng với môi trường nuôi dưỡng sẽ tạo nên nhân cách của một đứa trẻ, điều đó hình thành từ trước khi đứa trẻ bước vào tuổi trưởng thành.

Theo các nghiên cứu thì tâm lý của trẻ mới sinh sẽ thuộc về một trong những tính khí sau: dễ chịu - trung lập - khó chiều. Mỗi tính khí sẽ có một cách nuôi dạy, thương yêu, kỷ luật, thưởng phạt khác nhau, nhưng trên tất cả phải là sự tôn trọng về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của trẻ.

Một bé “dễ chịu” sẽ hòa đồng rất nhanh, từ nhỏ bé sẽ rất dễ, không quấy khóc hay khó chịu. Với bé có tính khí “trung lập” đôi khi hơi quấy, khó ăn, ngủ nên cha mẹ cần kiên nhẫn trong chuyện giáo dưỡng, nhưng các bé cũng khá dễ và hiền lành. Riêng các bé “khó chiều” thì tính khí từ lúc lọt lòng đã rất nóng nảy, nhiều năng lượng, khó ăn khó ngủ, lớn lên một chút các bé sẽ rất nhạy cảm, khó thích nghi và khá ương ngạnh nên cần có cha mẹ hiểu chuyện, cách nuôi dạy phải công bằng, thưởng phạt kèm theo lý do.

Nếu cha mẹ sử dụng “nắm đấm” để răn dạy con thì hầu như vô hiệu và phản tác dụng vì các bé có tính khí trung lập khó chiều sẽ càng thu mình lại, nhút nhát, lãnh đạm, đa sầu, thiếu tự tin hoặc trở nên hung bạo, khó tính, cục cằn, thô lỗ và độc ác khi trưởng thành. Những tính khí trên là hoàn toàn bình thường, có được từ quá trình hình thành phát triển của hệ thống não bộ trong bào thai, hoặc do di truyền từ cha mẹ. Thế nên, đừng so sánh con mình với những đứa trẻ khác, cũng đừng quá khắt khe và chọn hướng “bạo lực” để răn đe con. Điều này sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề trong việc hình thành và phát triển nhân cách, giá trị bản thân của trẻ.

John B. Watson - nhà tâm lý học vĩ đại nhưng cũng đầy tai tiếng người Mỹ, cha đẻ của thuyết hành vi - người luôn sử dụng các trẻ em mồ côi để tiến hành nghiên cứu đã từng phát biểu rằng: “Hãy cho tôi một tá trẻ sơ sinh khỏe mạnh, có hình thể tốt, tôi đảm bảo đào tạo chúng trở thành bất kỳ loại chuyên gia nào như bác sĩ, luật sư, nghệ sĩ, thương gia và ngay cả người ăn xin, kẻ trộm, và cả những kẻ tàn độc nhất...”. Vậy nên, việc nuôi dạy trẻ chưa bao giờ là dễ dàng, để trẻ trở thành người tốt hay kẻ xấu là do chính cách nuôi dạy của cha mẹ. Để con mình phát triển toàn diện thì chính cha mẹ phải là những người có đời sống tinh thần ổn định, hiểu tâm lý trẻ, nói không với bạo lực và biết cách nuôi dạy trẻ hợp lý. 

Điều trị tâm lý cho trẻ bị bạo hành và cả cha mẹ

Có lần tôi nhận được một lá thư của một người bà lo lắng cho đứa cháu thường xuyên bị cha đánh. Đứa bé tên P.L., sinh ra đã rất khó nuôi, hay khóc và lớn lên thì cáu gắt, cư xử bốc đồng nên thường là nạn nhân của đòn roi. Cha bé khá hung dữ, đụng chuyện gì cũng đánh, quát và nạt con. Một lần, bé nằm mãi không chịu ngủ, cha cầm cái chổi lông gà quất túi bụi vào người bé, mẹ bé phải ôm con chạy trốn. Phản ứng của bé là rất sợ cha nhưng không biết kiểm soát hành vi của mình, bé ngày càng trở nên thất thường, hung bạo như cha mình. Bé đánh em mình và độc ác với vật nuôi trong nhà. Khi nổi giận thì P.L. không còn sợ ai, dù bình thường bé rất sợ cha mẹ. Có lần bé đánh em rất thô bạo, hỏi ra, bé trả lời thấy em đau thì bé rất vui.

Bà của P.L. không biết làm cách nào để bảo vệ cháu. Bà cũng hiểu cháu mình không xấu tính, nhưng không hiểu nguyên nhân nào khiến cháu lại như vậy. Thực ra tính khí khó chiều của bé P.L. là tự nhiên và hình thành từ khi bé chào đời. Do vậy cha mẹ phải chọn cách giáo dục dân chủ, nghĩa là có yêu thương, có thưởng phạt để hạn chế tính bốc đồng, nhưng phải giải thích cho bé hiểu lý do tại sao. 

Tuyệt đối tránh dùng bạo lực đối với những trẻ như bé P.L., vì điều đó sẽ làm bé hoảng sợ, ngủ không ngon giấc, lo âu, trầm cảm, ghét bỏ bản thân, sợ đi học, giận dữ một cách vô cớ, rối loạn nhân cách, cảm xúc và hành vi, không thích giao tiếp xã hội, tự làm đau mình hoặc có suy nghĩ hành vi tự tử…

Hậu quả để lại là rất nặng nề, nếu những người thân biết trẻ bị bạo hành nhưng không can ngăn hoặc có ý dung dưỡng cho hành động bạo lực của người lớn là tiếp tay cho cái xấu, đẩy trẻ vào bước đường cùng của sự bất hạnh. Vết thương tâm lý sẽ không bao giờ có cơ hội lành lại, người lớn đã và đang gieo vào tâm hồn trẻ sự lạnh lùng, vô cảm, cuồng bạo. Và vô tình hay cố ý đẩy trẻ trở thành những kẻ bất kham, hoặc là những tội phạm học đường và của xã hội sau này. 

Điều phụ huynh có thể làm giúp trẻ là khuyên ngăn chủ thể bạo lực. Có thể gọi số hotline 111 để được hỗ trợ, hoặc nhờ đến Hội Phụ nữ, chính quyền địa phương can thiệp càng sớm càng tốt. Nên tách trẻ khỏi tình huống, sự kiện và người gây bạo lực. Trẻ cần được sống trong môi trường an toàn, cạnh những người mà trẻ tin yêu để phục hồi, giúp trẻ cảm thấy bớt cô đơn và được bảo vệ.

Bong ma bao hanh trong nha

Vết thương của trẻ sẽ lành nhưng không hoàn toàn hồn nhiên, vô tư như những đứa trẻ khác. Vết thương cũng như những vết sẹo trong tâm hồn sẽ còn mãi. Điều đó sẽ luôn ám ảnh, khiến trẻ khó có được một cuộc sống yên ổn, ảnh hưởng rất nhiều đến hạnh phúc cá nhân và sự lựa chọn bạn đời sau này.

Không dễ để tố cáo người thân, nhất là trong trường hợp mình phụ thuộc, nương tựa, nhưng hành vi bạo lực là vi phạm pháp luật, cần phải loại bỏ. Có thể chủ thể gây bạo lực cũng từng là nạn nhân của bạo lực thuở nhỏ. Càng trì hoãn, càng thờ ơ thì hậu quả càng tệ, có khi cái giá phải trả là mạng sống của chính đứa trẻ. Song song đó, cha mẹ trẻ cũng cần gặp các chuyên viên tư vấn tâm lý hoặc tham gia vào những lớp hỗ trợ kỹ năng nuôi dạy trẻ để có các biện pháp xử lý khủng hoảng và nuôi dưỡng trẻ một cách hợp lý. 

Mia Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI