Bệnh trầm cảm: Yêu thương - phương thuốc diệu kỳ!

"Bóng ma" ám ảnh

04/04/2021 - 06:09

PNO - Theo Tổ chức Y tế thế giới, cứ 40 giây, trên thế giới lại có một người tự tử do trầm cảm. Năm 2020, bệnh trầm cảm vượt qua bệnh ung thư, tiểu đường để trở thành căn bệnh thứ hai đe dọa sức khỏe con người chỉ sau tim mạch. Theo một thống kê tại Bệnh viện Tâm thần (TP.HCM), có đến 6% dân số tại TP.HCM mắc bệnh trầm cảm.

“Mấy tháng nay, “bóng ma” ấy quay lại, cứ ôm lấy tôi, siết chặt không rời. Thật lạ, thay vì sợ, tôi lại thấy nhẹ nhàng với cái quá khứ khúc khuỷu ấy. Bởi ngoài chông chênh, tôi còn một mảng màu yên ả - khi tôi sinh đứa con đầu…”.

1. Chị H.T.H.L. (35 tuổi, ở H.Hóc Môn, TP.HCM) bắt đầu câu chuyện bằng câu nói lạnh lùng, ráo hoảnh như chính cảm giác mà chị đang chịu đựng, kể từ ngày chồng chị có con trai bên ngoài, rời xa chị với đứa con gái vừa chào đời. Cứ như thế, bằng giọng đều đều, chị tiếp tục quay về quá khứ:

“Đứa con đầu của tôi thông minh lắm, chọn hết nét đẹp của tôi và ba nó. Cũng những đêm trời nóng như đổ lửa thế này, tôi và chồng cứ luôn tay nựng nịu, vuốt ve con trai. 

Tôi tưởng chồng thương yêu mình, thực chất anh ta thương cái sĩ diện có con trai tiếp rượu. Tháng 2/2019, con tôi lên cơn sốt cao, cũng vào đêm muộn. Bé co giật. Anh ta tiếp khách chưa về, tôi ôm con, run rẩy vào bệnh viện. Cháu mất không rõ nguyên nhân. Bác sĩ nói có thể con tôi bị ngã va đầu vào đâu đó, xuất huyết não; cũng có thể cháu viêm màng não hay một bệnh lý nào đó về di truyền.

Chồng tôi đến, nghe câu được câu mất, hất mạnh tôi vào cửa bệnh viện, tát như trời giáng. Tôi mặc kệ, những bạt tay của anh ta đâu mang con tôi về được. 

Hai năm rồi, tôi không muốn bật đèn, sợ sẽ nhớ tiếng cười khanh khách, nhớ ánh mắt bé bỏng ấy nhìn tôi. Cháu còn chưa gọi được tiếng mẹ. “Làm mẹ mà không nuôi nổi con mình, tại sao để con ngã đập đầu? Cô là hổ dữ, đồ giết con”, câu nói của anh ta vẫn còn vang vọng bên tai.

Từ khi con mất, tôi và chồng có khoảng lặng vô hình. Cho đến một ngày, tôi báo tin mang thai, anh ấy nhìn tôi, ánh mắt day dứt. Tưởng chừng kéo được chồng ra khỏi hố sâu đau khổ vì mất con, tôi không ngờ ngày con gái chào đời, anh ấy nói tôi vô dụng rồi bỏ đi”. 

Chị L. thổi ngọn đèn làm người đối diện cũng giật mình: “Tôi chỉ muốn sống ở giai đoạn con trai còn sống. Tôi không muốn bị mất ngủ, không muốn nhớ lá đơn li hôn với lý do không sinh được con trai, không muốn ngày ngày con gái gọi mẹ tôi lại la mắng, hất cháu ra… 

Làm sao để thành người mẹ tốt? Làm sao để bóng ma quá khứ đừng quanh quẩn trong tôi? Tôi không muốn phải quay lại với nỗi đau khổ ấy nhưng… tôi không về, con trai tôi sống với ai?”.

Những câu hỏi của chị L. làm người đối diện thấy xót xa. Quá khứ, dù đau khổ, tuyệt vọng, chị vẫn gượng về với nỗi nhớ đứa con trai chưa dứt sữa, với nỗi day dứt của người mẹ luôn nghĩ vì mình mà con ra đi. 

2. Cũng trong màn đêm ấy, chị N.L.Q. (45 tuổi, ở Q.3, TP.HCM) xoa xoa bụng, “đứa con” hơn ba năm chờ đợi vẫn chưa ra đời. Xé mảnh giấy trước mặt, chị Q. chậm rãi quay ngược về quá khứ, nơi chị từng ấp ủ, hy vọng có đứa con cho vui cửa vui nhà. Để rồi, chị bị sang chấn, lúc nhớ lúc quên, trông đợi “đứa con” trong bụng nhiều năm:

“Người ta nói tôi bị khùng nhưng không phải, tôi mang thai thật đó. Bé máy, đạp dữ lắm. Chắc tôi khác người ta, thai kỳ dài hơn hoặc con tôi “cứng đầu” chút thôi. Nó cứng đầu thật, tôi và chồng trông chừng nào, nó im ru chừng đó, không chịu ra. 

Hồi trước, tôi cũng có thai hai lần, đều hư… Khi đi khám, tôi lại u nang buồng trứng phải chữa trị, khó có con. Người ta căng thẳng, mệt mỏi khi bị nghén. Còn tôi, càng nôn, càng không ăn được gì lại càng mừng như bắt được vàng.

Tôi và chồng đi khám, vậy mà hết bác sĩ này đến bác sĩ khác đều nói không thấy em bé, rằng tôi bị mang thai giả. Tức quá, tôi mắng vốn hết tất cả. Rõ ràng tôi mất kinh, bị nghén “lên bờ xuống ruộng” mà ai cũng bảo tôi… tưởng tượng. 

Tôi xin nghỉ việc để dưỡng thai, tránh nghe mọi người nói ra nói vào. Ấy vậy mà đến nay bụng tôi to như sắp sinh mà con tôi vẫn chưa chịu chào đời.

Cuộc sống thật sự khó khăn, tôi phải luôn cho mọi người thấy mình là người phụ nữ thành đạt, hạnh phúc, yêu đời. Có ai hay sau mỗi lần cà phê, mua sắm với bạn bè, tôi vứt hết mọi thứ, trở về màn đêm của chính mình. Tôi sợ một mình, thèm ngủ lắm nhưng ba năm qua chưa bao giờ có giấc ngủ trọn vẹn. Có thể chồng tôi cũng vậy. Anh ấy không nói ra nhưng nhìn cách anh chơi với những đứa trẻ, tôi thật sự ám ảnh.

Anh nói sẽ đưa tôi đi khám bệnh. Tôi có bệnh đâu, kể cả anh cũng nghĩ tôi khùng à? Tôi cãi nhau với anh rất dữ. Từ đó, tôi quyết tâm sẽ sinh đứa con này. Tôi nắm tay anh đặt lên bụng, anh cứ lắc đầu: “Không phải con, chỉ là cảm giác của em thôi”.

Tôi hất tay anh ra, khóc ướt cả gối. Chẳng lẽ tôi thất bại thật sao?”.

Chị Q. bỏ lửng câu nói… Chị không thất bại nhưng nếu chị nhận ra nỗi ám ảnh ba năm qua, nói ra vấn đề của mình, tiếp nhận lời khuyên từ bác sĩ, chuyên gia tâm lý, có lẽ bây giờ chị đã thật sự hạnh phúc với con của mình.

3. Bất kỳ ai tiếp xúc với chị N.T.M. (28 tuổi, ở Q.8, TP.HCM) cũng cùng cảm giác chị quá năng động, hiện đại và luôn có lời khuyên tốt nhất cho người đối diện. Chị giỏi kiếm tiền, hai con ngoan hiền, gia đình nội, ngoại đều sẵn sàng chia sẻ mỗi khi chị có việc nhờ đến. Nhiều người ganh tỵ khi thường xuyên thấy chị lái xe hơi xịn đi tiệc tùng, cà phê, nghỉ dưỡng… ở những nơi sang trọng, đắt tiền. Còn với chị M., sau những buổi vui chơi, những doanh thu đạt được là đêm dài:

“Đúng vậy, chỉ khi đêm xuống, một mình, tôi mới là chính tôi, mới có thể để mặc nước mắt ngắn, dài. Nhiều lần tôi nghĩ có phải tôi đã sống quá dư thừa, khi mọi thứ đều phải làm theo sự sắp đặt của gia đình. Tôi yêu hội họa nhưng đến nay không có một tác phẩm nào ưng ý. Tôi muốn các con không phải gồng lên để đạt danh hiệu học sinh giỏi. Tôi muốn mẹ con tôi có nhiều thời gian bên nhau hơn chứ không là những buổi tiệc tùng… Thế nhưng đó là tôi muốn, còn gia đình tôi thì không.

Tháng vừa rồi tôi xuống hơn 4 ký, người ta nói tôi giảm cân hay, thật ra không phải. Tôi không ngủ được, ăn chẳng thấy ngon, cả nói năng tôi cũng sợ mình mắc lỗi bởi quên trước quên sau. Như hôm nay, tôi đã nhầm chiếc áo màu xanh thành cam. Hai màu đó có liên quan gì đâu, thế mà tôi nhầm lẫn cho được.

Các con tôi không dám đến gần mẹ. Có lần con nói chỉ muốn đi chơi ở ngoài với tôi, bởi khi đó các bé được cưng chiều, về nhà chỉ toàn nghe mẹ quát nạt. Tôi giật mình trước câu nói của con, nhìn qua chồng, anh thở dài: “Em cứ như hai con người khác nhau ấy”. Tự dưng, tôi sợ lắm, có phải tôi bị đa nhân cách hay ai đó đã… xui khiến mình. 

Tắt đèn, ngả người lên ghế, đây mới đúng là không gian của tôi, nơi mẹ tôi có thể trở về ôm ấp, ủng hộ, góp ý cho tranh vẽ của tôi. Mấy năm nay tôi vẫn tin bà chưa mất. Tôi cấm các con bật đèn trong phòng riêng của mình. Tôi muốn trở về bên vòng tay của mẹ, nơi tôi là chính tôi. Vui thì cười, buồn cứ khóc; có mẹ bên cạnh, tôi không sợ gì.

Có những lúc tôi nghĩ, hình như tôi quá thừa thãi trong cuộc đời này. Sài Gòn vắng tôi cũng có sao. Có lần qua một chiếc cầu cao, tôi lại thấy nếu như dòng sông ấy ôm lấy tôi chắc mát lắm. 

Ngày mai, tôi lại phải bật đèn, thứ ánh sáng mệt mỏi ấy lại tràn về trong khi tôi chỉ cần một mình, với chiếc bóng của chính mình là đủ.

Phạm An (ghi lại tâm sự của những bệnh nhân đang điều trị trầm cảm)

Để nhận biết dấu hiệu của người mắc bệnh trầm cảm có ý định tự tử, người thân cần đưa ra năm câu hỏi nhằm xem xét mức độ mãnh liệt. 

- Có mặc cảm mình là người thất bại? 

- Có cảm thấy mình vô dụng?

- Có cho rằng mình là gánh nặng cho người thân? 

- Có hay suy nghĩ về cái chết? 

- Có nghĩ rằng nếu mình chết đi sẽ tốt hơn? 

Nếu câu trả lời là có thì ý định tự tử đang đến rất gần và cần được can thiệp y khoa ngay lập tức. Ngoài ra, khi đột nhiên bệnh nhân bình tĩnh khác thường cũng là lúc cực kỳ nguy hiểm bởi bệnh nhân sẽ đi đến một quyết định kinh khủng nào đó.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, cứ 40 giây, trên thế giới lại có một người tự tử do trầm cảm. Năm 2020, bệnh trầm cảm vượt qua bệnh ung thư, tiểu đường để trở thành căn bệnh thứ hai đe dọa sức khỏe con người chỉ sau tim mạch.

Theo một thống kê tại Bệnh viện Tâm thần (TP.HCM), có đến 6% dân số tại TP.HCM mắc bệnh trầm cảm. Hầu hết các bệnh nhân trầm cảm nặng đều từng trải qua những khoảnh khắc muốn tự tử. Khi đó, chỉ cần một cú huých nhẹ cũng có thể khiến họ rơi xuống vực. Nhưng, một cái níu nhẹ cũng có thể giúp họ dừng lại, tiếp tục sống để có cơ hội lành bệnh.

Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng tôi, để thấy tình yêu thương trở thành phương diệu kỳ cho căn bệnh thời đại này, qua email: online@baophunu.org.vn hoặc bạn có thể để lại phần bình luận dưới bài viết.

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI