Bóng làng - tấn trò đời của người Việt xa xứ

06/05/2017 - 14:30

PNO - Ba năm kể từ ngày ra mắt tiểu thuyết đầu tay Tuyết hoang (phát hành tháng 5/2014), tác giả - doanh nhân Trần Quốc Quân - lại trở về Việt Nam trình làng cuốn sách thứ hai: Bóng làng (tập truyện, NXB Trẻ).

Sáng 4/5, tác giả Trần Quốc Quân đã có buổi giao lưu tại Đường sách TP.HCM. Hơn 30 năm qua, ông sinh sống và làm việc tại Ba Lan, hiện là Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan. Ông không nhận mình là nhà văn, chỉ là một người viết theo sự động viên của bạn bè. “Có những câu chuyện tôi viết trên facebook với giọng điệu pha chút hài hước. Nhiều người bảo tôi sao không gom hẳn những chất liệu hiện thực ấy làm thành tiểu thuyết. Viết chơi chơi như vậy phí đi. Vậy là tôi viết thử” – tác giả Trần Quốc Quân chia sẻ. 

Là một trong những người di cư sang Ba Lan trong thời kỳ đổi mới, trải mình trong những cuộc mưu sinh cùng cộng đồng người Việt ở xứ người, ông có nhiều dịp cọ xát thực tế với ngồn ngộn chất liệu hiện thực. Ông gần như không phải viết truyện mà là ghi chép sinh động thực tế cuộc sống của con người nơi đây. 

Bong lang - tan tro doi cua nguoi Viet xa xu

Tác giả Trần Quốc Quân trong ngày ra mắt Bóng làng tại Đường sách TP.HCM

Nếu Tuyết hoang đau đớn với những phận người có khi phải đổ máu để tìm đường sống, thì Bóng làng lại là những tiếng cười giễu nhại. Hiện thực trong Tuyết hoang được tả chân bằng bút pháp trần thuật, còn Bóng làng nhiều ẩn ý châm biếm thông qua các nhân vật được hài hước hóa từ tên gọi: Thích Nhất Danh, Đắc Lắc Chảo, Hưởng Hoang Tưởng, Lộc Nô Bộc, Kiệt Đại Nhân…

Cuốn sách lần này là những câu chuyện xoay quanh đời sống, sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nhưng cũng nặng hình thức trong những tư tưởng cứng nhắc, định kiến kiểu “làng xã” cũ. Tiếng cười nhiều lúc đầy tính trào lộng, có cả tiếng mắng chó chửi mèo... Sự hài hước châm biếm đôi lúc được thể hiện qua những chi tiết phóng đại, hoặc có khi qua ngôn từ đầy chua chát khi nhìn về những cuộc toan tính, tư duy làng xã, những vụn vặt tầm thường của một cộng đồng đang cố hòa nhập vào cuộc sống của “văn minh thế giới”.

Tuyết hoang khiến độc giả đôi lần rơi nước mắt, còn Bóng làng rất nhiều lần làm người đọc phải bật cười, để rồi tự ngẫm lại thấy một tấn trò đời đã tồn tại suốt một thời gian khá dài ở trời Âu, trong bản chất con người hàng thế hệ.

Nhiều người đọc quen thuộc của tác giả Trần Quốc Quân và bạn bè nhận xét rằng, cuốn sách lần này có thể khiến ai đó giật mình, hoặc chạnh lòng nếu nhận ra mình thấp thoáng trong những trang viết. Tác giả cũng không phủ nhận những gì mình viết đều là góp nhặt từ hiện thực, là những phiên bản thực. “Cái nhóm người làng Lành ở Ba Lan có thể phóng chiếu vào bất cứ đâu có người Việt, ngay cả ở trong nước. Chất làng bám chặt đến nỗi đã sống trong thời đại toàn cầu, ta vẫn hồn nhiên thoải mái tự hào với cái làng cục bộ bản địa của mình” – nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét. 

Giọng văn trào lộng này, độc giả có thể thích hoặc không. Nhưng Bóng làng là tác phẩm hiếm hoi bổ sung vào dòng văn học hiện thực những câu chuyện thâm thúy, hài hước mà châm biếm sâu sắc về những “căn tính xấu xí” của con người. 

Song Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI