Bóng hồng thầm lặng đứng sau các phim Việt doanh thu “khủng”

11/03/2024 - 08:24

PNO - Đằng sau thành tích phòng vé “khủng” của phim Mai và Nhà bà Nữ không chỉ có đạo diễn Trấn Thành mà còn một bóng hồng thầm lặng là Nguyễn Hữu Thị Tường Vi - nhà sản xuất cấp cao của CJ HK Entertainment - đơn vị sản xuất, phát hành phim Mai và Nhà bà Nữ. Báo Phụ nữ TPHCM đã gặp và nghe chị chia sẻ nhiều điều thú vị về công việc làm phim cũng như những vấn đề về phim Việt.

Phóng viên: Công chúng gần như không biết chị và vai trò sản xuất của chị đối với nhiều phim Việt ăn khách. Cơ duyên nào đưa chị đến với công việc thầm lặng này?

Chị Nguyễn Hữu Thị Tường Vi: Bắt đầu từ đam mê viết, tôi bỏ công việc ổn định tại Đà Nẵng, chấp nhận chia tay mối tình thật đẹp để tham gia khóa học biên kịch tại Hà Nội do quỹ Ford Foundation (Mỹ) tài trợ. Học xong, tôi viết kịch bản chương trình, phim truyền hình, phụ tá sản xuất các chương trình rồi tiến đến vai trò nhà sản xuất. Khi làm việc ở bộ phận phát triển kịch bản tại CJ Việt Nam, tôi được cấp trên khuyến khích đảm nhiệm vai trò nhà sản xuất. May mắn, phim đầu tay tôi làm nhà sản xuất là Chàng vợ của em thành công lớn ở phòng vé với doanh thu 87 tỉ đồng, lọt vào tốp 25 phim Việt ăn khách hiện nay. 

Nhà sản xuất Nguyễn Hữu Thị Tường Vi
Nhà sản xuất Nguyễn Hữu Thị Tường Vi

* Một nhà sản xuất giỏi cần những yếu tố gì? Liệu chúng có thích hợp với đặc tính của phụ nữ? 

- Đa số nhà sản xuất phim ở Việt Nam đều là nữ, có thể do bản tính cẩn thận, mềm mỏng và giỏi vun vén của phụ nữ. Công việc này đòi hỏi nhiều yếu tố, từ độ nhạy bén, quan sát thị trường để đi “săn hàng”, “săn người”, đến độ sáng tạo, linh hoạt vì phải làm việc trực tiếp với biên kịch, đạo diễn, đạo diễn hình ảnh, thiết kế sản xuất, hóa trang, phục trang, bộ phận âm nhạc, âm thanh… Sau đó là đến tính bao quát, cần có tầm nhìn và khả năng lãnh đạo vì nhà sản xuất là đầu tàu của dự án. Tiếp đến cần có kiến thức nhất định về tài chính và luật. Sau cùng là sức khỏe vì giờ giấc không cố định, làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, xa nhà lâu ngày. 

* Những khó khăn chờ đợi nhà sản xuất phim mỗi khi bắt tay vào một dự án là gì, thưa chị?

- Khi tiếp cận một dự án, điều đầu tiên là câu chuyện, nhân vật, sau đó đến ê kíp. Ngoài việc đi tìm một câu chuyện hay, các nhà sản xuất luôn phải đau đầu với chuyện tìm nhà đầu tư. Tiếp đến là áp lực đảm bảo cho mọi việc hoàn thành tốt nhất trong phạm vi thời gian và ngân sách đã hoạch định. Vì Việt Nam chưa nhìn nhận điện ảnh như là một nền kinh tế đầy tiềm năng nên nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài gần như không về đến được, bởi thủ tục quá rườm rà, mất thời gian và công sức. Nguồn đầu tư trong nước cũng rất hạn chế. Kiếm tiền để làm phim luôn là cửa ải khó nhằn đối với nhiều nhà làm phim, nhưng có nhiều tiền cũng không đảm bảo là sẽ có một bộ phim hay. 

* Mâu thuẫn giữa nhà sản xuất và đạo diễn là điều muôn thuở, chị xử lý thế nào khi có bất đồng xảy ra? Giới tính nữ có phải là lợi thế?

- Mâu thuẫn giữa các vị trí công việc là chuyện thường tình. Biết cách trao đổi thông tin một cách rõ ràng, kịp thời, bình tĩnh luôn là cách giải quyết hiệu quả nhất. Tôi có nhiều kinh nghiệm trong việc đi dạy các kỹ năng mềm cùng với kiến thức học được về tài chính và luật nên có thể giải quyết một cách thấu tình đạt lý các mâu thuẫn. Tôi không nghĩ giới tính nữ là một lợi thế, đôi khi nó còn là bất lợi vì nhiều khi các vị trai tráng nhìn thấy phụ nữ nhỏ con như tôi thì nghi ngờ khả năng. Nhưng làm với nhau rồi chúng tôi bỏ qua chuyện chiều cao, cân nặng hay giới tính (cười).

Phim Mai
Phim Mai

* Là người “mát tay” với 2 phim doanh thu “khủng”, theo chị, đâu là yếu tố quyết định thành công phòng vé của một bộ phim? 

-Thành công của mỗi bộ phim tổng hợp nhiều yếu tố. Với phim Mai, đầu tiên phải nói đến thương hiệu Trấn Thành. Nhưng thương hiệu của nghệ sĩ chỉ phát huy tối đa nếu phim có chất lượng tốt. Chất lượng của phim lại bao gồm nhiều yếu tố - từ đề tài, kịch bản, mức ngân sách, đến khả năng điều hành sản xuất, tay nghề của đạo diễn, khả năng diễn xuất, quy trình hậu kỳ hiệu quả… Chiến lược quảng bá cũng đóng vai trò to lớn. Việc chọn thời điểm phát hành thích hợp cộng với việc hoạch định một kế hoạch chặt chẽ, chi tiết, sáng tạo để quảng bá phim đến đúng đối tượng mong muốn cũng là yếu tố sống còn với mỗi dự án. 

* Nhiều năm gần đây, phim Việt bắt đầu tạo dấu ấn với thế giới. Từ góc độ người trong cuộc, chị thấy điện ảnh Việt còn thiếu gì để đạt thành tích cao hơn nữa ở các liên hoan phim lớn trên thế giới?

- Những bộ phim đoạt giải quốc tế là thành quả của một tập thể rất nhỏ, có thể nói là các bạn tự vượt qua biết bao khó khăn để làm ra các bộ phim ấy. Tôi nghĩ Việt Nam còn nhiều nhân tài, nhưng các bạn chưa có cơ hội thể hiện hoặc chưa được phát hiện. Phim ảnh vốn là cuộc chơi tốn rất nhiều tiền và công sức, không phải ai đam mê cũng hiện thực hóa được giấc mơ của mình. Nếu có, phải mất rất lâu. Việt Nam chưa có quỹ hỗ trợ điện ảnh, chính sách hỗ trợ cho các đoàn phim cũng như không có đãi ngộ về thuế đối với các đoàn phim đến quay tại Việt Nam. Các liên hoan phim trong nước hiện nay chỉ khen thưởng những phim đã nổi trội mà không có cơ chế để phát hiện và bồi dưỡng nhân tài non trẻ. Để có được những bước tiến dài hơn, điện ảnh Việt Nam cần sự đầu tư thực sự nghiêm túc ở cấp nhà nước và cần có một chiến lược rõ ràng, thiết thực.

* Xin cảm ơn chị. 

Hương Nhu (thưc hiện)

 

 

 

 

Nguyễn Hữu Thị Tường Vi (40 tuổi) bắt đầu với phim ảnh từ vai trò biên kịch. Chị từng tham gia viết kịch bản cho phim truyền hình Có lẽ nào ta yêu nhau, Sự thật vô hình và phim điện ảnh Chàng vợ của em. Từ khi chuyển sang vai trò nhà sản xuất, chị đã cho ra lò 4 phim Bằng chứng vô hình, Chàng vợ của em, Nhà bà Nữ và Mai. 3/4 phim này đại thắng phòng vé - một thành tích mà ít nhà sản xuất đạt được. 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI