edf40wrjww2tblPage:Content
Trông chị sành điệu, rất thích hợp với chiếc xe thời thượng. Anh Duy tính xởi lởi, lúc nào cũng tươi rói. Anh không chỉ giỏi trong công việc làm ăn mà còn giỏi cả việc quán xuyến gia đình, chăm lo con cái. Chị Phong Lan đi làm ở một cơ quan nhà nước, công việc nhàn nhã. Ngoài việc đến cơ quan và chưng diện, hình như chị chẳng phải đụng tay việc gì. Bởi vậy người ta cứ “so bì” sao lại có người sung sướng đến thế!
Anh Duy nghỉ việc lập công ty riêng được mấy năm nay. Công việc của chồng, chị Lan không quan tâm. Những ngày nghỉ, người ta thấy chị đi du lịch hết nơi gần lại đến nơi xa... Chị bảo, còn trẻ còn đi được thì cứ đi cho biết, chứ để già muốn cũng đâu có đi nổi.
Khoản học hành của tụi nhỏ, anh chị thuê thầy giỏi đến tận nhà dạy thêm. Riêng môn Anh văn, tài xế riêng đưa rước tụi nhỏ đi học ở một trung tâm lớn, cách nhà mấy chục cây số, có người nước ngoài dạy. Mới đây, chị mở một shop thời trang hoành tráng, nhưng người ta bảo, bán chả được bao nhiêu, chủ yếu lại phục vụ thuận tiện cho bà chủ. Ở cơ quan, chị là mơ ước của nhiều cô gái chưa chồng.
Chẳng biết thế nào mà hôm rồi thấy có vài người đến kiếm vợ chồng chị. Khi chiếc xe sang trọng của anh chị vừa dừng là họ xúm lại hỏi tiền. Anh nhỏ giọng năn nỉ họ thư thả cho ít hôm, bảo đang làm hồ sơ vay ngân hàng, sắp có. Chị Lan bực bội bỏ chồng lại một mình, ngoe nguẩy đi vô, thấy vậy, ai đó bức xúc: “Nợ nần cả đống mà ăn xài cho dữ! Tội nghiệp ổng, làm chết làm sống cũng chịu đời không thấu với bà vợ chỉ hưởng thụ!”.
2. Công ty tôi vừa tổ chức cho mọi người “đổi gió” ở Vũng Tàu. Trước giờ trưởng phòng Khanh của chúng tôi vẫn được tiếng cưng vợ, nhưng đến hôm nay mọi người mới được chứng kiến tận mắt. Nhìn “bầu đoàn thê tử” nhà Khanh mà thấy thương. Trong khi Khanh vác đứa nhỏ trên vai phải, khoác chiếc giỏ lỉnh kỉnh bên vai trái rồi dắt thêm đứa lớn thì Duyên, vợ Khanh, nhẹ tênh váy áo, bước từng bước chậm rãi, yểu điệu như người mẫu trên đôi giày cao cả tấc! Đến bữa ăn, trong khi Duyên với đứa con lớn thản nhiên thưởng thức món ngon, thì Khanh vừa ăn vội vàng vừa tìm đủ mọi cách dụ thằng nhỏ há miệng cho ba đút. Buổi tối, đám đàn ông đem bài ra đánh, láo nháo tìm Khanh hoài không thấy thì nghe tiếng một chị: “Mấy ông cứ chơi đi, ổng còn mắc xi con ị ngoài nhà vệ sinh”. Lúc đó Duyên đang ngồi đong đưa, tỉnh queo tán dóc.
Làm được bao nhiêu tiền, Khanh đưa hết cho vợ, nhưng chả biết bao nhiêu cho vừa. Duyên mê mua sắm, nhất là những dịp đi chung với cơ quan chồng, cô “vung tay” không tiếc. Duyên phải chứng tỏ cho mấy “bà cô bên chồng” biết cô chẳng kém cạnh ai! Bởi vậy, dù hết sức tiết kiệm, Khanh vẫn luôn ở tình trạng “cháy túi”, lúc kẹt quá phải hỏi mượn anh em trong phòng. Chị em phụ nữ thấy mà thương sếp mình số khổ.
3. Ông anh họ tôi cũng có vị trí đáng nể ở một cơ quan cấp tỉnh, thế mà lúc về hưu lại rơi vào tình trạng trắng tay, nợ nần chồng chất, đến căn nhà để ở cũng có nguy cơ bị ngân hàng xiết nợ. Nhiều người thương anh cả đời phấn đấu, lại lâm vào cảnh sống dở chết dở. Nhưng cũng không ít người trách anh để vợ tự tung tự tác.
Vợ anh chỉ ở nhà nội trợ, nhưng chị vốn lanh lợi, lại ý thức rõ lợi thế của mình nên tính đến chuyện làm ăn lớn. Chị nghe ngóng, thăm dò, bàn bạc với mấy bà bạn rồi quyết định sẽ đầu tư vào lĩnh vực karaoke. Chị nghĩ, sẵn có mối quan hệ của chồng, chắc chắn chị sẽ thu hút được một lượng lớn khách hàng tới giải trí bởi sau những cuộc vui tập thể, tiệc tùng, chiêu đãi, karaoke bao giờ cũng là “món” được ưu ái. Chị về bàn với chồng, ban đầu anh không đồng ý, nhưng vốn chiều vợ, lại nghe lý lẽ đầy thuyết phục của chị, anh đành chấp thuận.
Vốn liếng bao năm dành dụm, cộng với mấy cái sổ đỏ đem thế chấp ngân hàng, chị vay thêm tiền đầu tư hoành tráng. Anh bận trăm công nghìn việc nên phó mặc chị một tay “biến hóa”. Nhờ sự tham mưu, tư vấn của mấy đứa em bà con rành chuyện làm ăn, cuối cùng thì nhà hàng karaoke của chị cũng hoàn thành, bề thế hơn hẳn so với của “đồng nghiệp” bởi tính quy mô, chuyên nghiệp. Chị cũng trở thành một bà chủ đẳng cấp.
Khách của chị đông nườm nượp, có lúc phải điện thoại đặt phòng trước. Tiền vô thấy mê, chị hả hê với việc làm ăn của mình, nghĩ chồng phấn đấu bao nhiêu năm chưa chắc bằng chị thời gian ngắn đổi đời!
Nhưng mọi chuyện chẳng đơn giản như chị nghĩ. Vốn “tay ngang”, từ nội trợ “đặc cách” lên "quý bà chủ" nên việc tổ chức, quản lý, điều hành, sử dụng bao nhiêu con người trong một “guồng máy” làm chị rối rắm. Đó là chưa kể đám đàn em qua mặt chẳng thể kiểm soát. Khách vẫn đông nhưng doanh thu lại giảm dần. Chị rối trí vì chẳng biết nó thất thoát ở khâu nào, em út thân tín thì mỗi đứa “vẽ” một kiểu, chả biết đằng nào mà lần! Cuối cùng, chuyện làm ăn của chị thất bại.
Người ta vẫn nói: Đằng sau thành công của người đàn ông bao giờ cũng có bóng dáng của một người phụ nữ, điều đó không bàn cãi. Nhưng có lẽ phải nói thêm, đằng sau thất bại của họ đôi khi cũng là một bóng hồng!
PHANVY