Nữ trinh sát gan dạ
Chúng tôi gặp thiếu tá Trần Thị Bạch Diễm trong một quán cà phê yên tĩnh. Trang phục giản dị, không son phấn, trông “quê” như chị thừa nhận.
Lớn lên ở vùng quê nghèo, ba mẹ đều làm nông, Bạch Diễm từng định hướng theo nghề “gõ đầu trẻ”. Nhưng những năm học đại học lại thôi thúc chị rẽ hướng. Chị giải thích: “Vì ước mơ trở thành cô giáo mà tôi thi vào Khoa Hóa học, Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM. Mấy năm đại học, tôi tập trung nghiên cứu và nghĩ nhiều đến tác hại của các loại hóa chất, trong đó có tiền chất ma túy. Với bản tính khá “lì”, cộng thêm sự động viên của anh trai công tác trong ngành công an, tôi quyết định chuyển hướng. Vào ngành, tôi dành nhiều thời gian rèn luyện, theo học taekwondo”.
Dù đã tự “lên dây cót” tinh thần, nhưng những ngày đầu làm trinh sát ma túy chị không khỏi lo lắng. Đến nay, trong Đội 5, chị vẫn là “bóng hồng” duy nhất.
|
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ (thứ ba từ trái qua) - Thứ trưởng Bộ Công an và bà Nguyễn Thị Thu Hiền (thứ ba từ phải qua) - Phó chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam - trao giải thưởng “Phụ nữ công an tiêu biểu” cho thiếu tá Trần Thị Bạch Diễm (giữa) vào ngày 4/6/2024 |
Có những chuyên án, quá trình lần theo dấu vết, đeo bám các đối tượng để thu thập hồ sơ, chứng cứ kéo dài, sáng ở TPHCM, chiều đã có mặt giữa những cánh rừng Tây Ninh, rồi lại về Tiền Giang, Đồng Nai. Di chuyển liên tục, ăn bờ, ngủ bụi chưa là gì so với hiểm nguy khi truy bắt đối tượng. Hầu hết tội phạm ma túy đều liều lĩnh, sẵn sàng dùng hung khí chống đối.
Chị tâm sự: “Chúng tôi không có khái niệm giờ giấc, ngủ nghỉ, việc cần là phải làm ngay. Ngày mưa gió hay ngày nắng nóng, chỗ đông đúc hay nơi vắng vẻ, cả đội đều túc trực, âm thầm theo dõi đối tượng 24/24, nếu mệt thì anh em tự động viên nhau cố gắng. Chỉ huy phòng và các anh trong đội hỗ trợ tôi rất nhiều, luôn dặn dò nguyên tắc đầu tiên phải nhớ là không để bị lộ và đảm bảo an toàn cho mình cùng đồng đội. Buổi đầu tôi rất bỡ ngỡ, ngay như chuyện vào các quán bar, vũ trường trinh sát, tôi cũng rụt rè, bởi từ nhỏ tới lớn có biết mấy chỗ đó đâu. Các anh hướng dẫn tôi cách làm sao “nhập vai” tự nhiên nhất, dù là thong dong ngồi quán cà phê, đi mua sắm, chạy xe ôm hay chạy qua các cánh rừng vắng vẻ thì mắt và đầu óc luôn phải hết sức tập trung”.
Góp phần cho cuộc sống bình yên
Ngoài chuyện tích cực theo dõi các đối tượng, chị Bạch Diễm còn kiên trì tập hợp, đánh giá thông tin và báo cáo ban chỉ huy để tìm cách phá án. Nhờ nỗ lực không ngừng, 12 năm qua, cùng tập thể đội, chị đã tham gia đấu tranh, triệt xóa nhiều đường dây, băng nhóm, đối tượng phạm tội về ma túy, góp phần gìn giữ an ninh trật tự và đem lại cuộc sống bình yên cho người dân thành phố.
Năm 2022, đơn vị của chị đã phối hợp triệt phá thành công đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia, tuồn ma túy từ Campuchia về TPHCM tiêu thụ. Với chuyên án này, cơ quan điều tra đã bắt 9 đối tượng, thu gần 95kg ma túy (gồm ma túy đá, ketamine, thuốc lắc, heroin)…
Chị Bạch Diễm nhớ lại: “Chúng tôi theo dấu tội phạm suốt 2 tháng. Đối tượng thường giao ma túy vào buổi tối và liên tục thay đổi địa điểm. Thủ đoạn cất giấu ma túy cũng rất tinh vi, có khi giấu trong người, trong khoảng trống của các phương tiện giao thông, cũng có khi là mũ bảo hiểm, đồ mỹ nghệ, giấu lẫn trong các kiện hàng nông sản, hải sản, máy móc…”.
Trước đó, tại phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TPHCM, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TPHCM phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an đã kiểm tra, phát hiện, bắt quả tang vụ mua bán trái phép chất ma túy với hơn 31,6kg heroin, hơn 7,3kg MDMA, gần 60kg methamephetamine. Nhóm tội phạm sa lưới là kết quả nhiều tháng trinh sát vô cùng vất vả của thiếu tá Bạch Diễm và đồng đội.
“Tội phạm ma túy ngày càng trẻ hóa. Trong quá trình điều tra án, tôi đã gặp nhiều em lẽ ra đang ngồi trên ghế nhà trường thì lại chạy theo sự rủ rê, đua đòi sử dụng ma túy. Nhìn vào những gương mặt non choẹt, mình buồn và tiếc lắm, cả một tương lai phía trước mà đường sáng không chịu đi. Tôi mong các gia đình quan tâm con em mình nhiều hơn, chí ít cho các em học hành tới nơi tới chốn. Không học cao đẳng, đại học thì học nghề để khi ra đời tự nuôi sống bản thân, rèn ý thức sống tích cực. Đối với phụ nữ cũng vậy, có nghề nghiệp ổn định rất quan trọng, bởi vì điều đó sẽ giúp chị em tự tin vào bản thân, tránh xa cám dỗ” - chị trải lòng.
Đối với thiếu tá Bạch Diễm, trinh sát ma túy không đơn thuần là nghề mà đã trở thành “nghiệp”. Chị luôn dặn mình nỗ lực và nỗ lực nhiều hơn. Trên mặt trận phòng, chống ma túy dẫu gian nguy vẫn quyết không lùi bước.
Năng động, mạnh mẽ và kiên định trong công việc, song nữ thiếu tá cũng có những nỗi niềm riêng. Chị giãi bày: “Tôi là con út mà không có nhiều thời gian kề cận chăm sóc ba mẹ. Ba mẹ tôi đã trên 70 tuổi, mắc nhiều bệnh, phải đi bệnh viện và uống thuốc mỗi ngày. Tôi luôn giữ gương mặt vui tươi khi ở nhà, và tự trấn an rằng, góp sức gìn giữ bình yên cho thành phố cũng là cho chính gia đình mình nên càng phải cố gắng”.
Tích cực tham gia hoạt động, phong trào hội Ngoài công việc chuyên môn của một trinh sát, thiếu tá Bạch Diễm còn là hội viên tích cực, thường xuyên tham gia các hoạt động an sinh của Hội Phụ nữ Công an TPHCM như trao học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, trao phương tiện và vốn làm ăn cho phụ nữ lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, đỡ đầu cho trẻ mồ côi và tham gia các phiên “Chợ tết nghĩa tình”… |
Mẫn Nhi