Bông hồng Kovalevskaia Trương Thanh Hương: “Kiến thức khiến phụ nữ trở nên xinh đẹp”

05/03/2021 - 07:30

PNO - Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trương Thanh Hương, người được trao Giải thưởng Kovalevskaia năm nay luôn quan niệm kiến thức khiến phụ nữ trở nên xinh đẹp.

Giải thưởng Kovalevskaia ở hạng mục cá nhân năm nay được trao cho phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trương Thanh Hương, giảng viên cao cấp Trường đại học Y Hà Nội, chuyên gia tim mạch tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai. Không ngừng học tập, nghiên cứu, chị quan niệm rằng, kiến thức chính là điều khiến phụ nữ trở nên xinh đẹp. 

Chủ động mở những lối đi mới 

Yêu thích nhãn khoa, bệnh truyền nhiễm nhưng 38 năm về trước, cơ duyên lại đưa cô sinh viên Trương Thanh Hương trở thành bác sĩ khoa Tim mạch khóa đầu tiên của Trường đại học Y Hà Nội.

“Bông hồng Kovalevskaia” cho rằng, sự giàu có về tri thức khiến phụ nữ trở nên đẹp hơn trong mắt mọi người
“Bông hồng Kovalevskaia” cho rằng, sự giàu có về tri thức khiến phụ nữ trở nên đẹp hơn trong mắt mọi người

Nhớ về quãng thanh xuân ấy, phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ (PGS-TS-BS) Trương Thanh Hương chia sẻ, chị và nhiều đồng nghiệp “cắm chốt” ở bệnh viện hầu như 24/24 giờ mỗi ngày: “Nhiều khi quá nửa đêm, rạng sáng, chỉ cần nghe có ca nào đặc biệt là chúng tôi lại rần rần kéo nhau tới thăm khám, khai thác thông tin từ người bệnh. Lúc đó không có sự mệt mỏi mà chỉ có đam mê, mong muốn được học hỏi và đương đầu với những thử thách khó khăn nhất”. 

Đến giờ, sau nhiều năm, bức ảnh của chị cùng bệnh nhân đầu tiên do chị điều trị khi còn là sinh viên nội trú vẫn được cất giữ cẩn thận như một dấu ấn đặc biệt trong những năm tháng làm nghề của mình. Tốt nghiệp BS nội trú với số điểm cao, BS Trương Thanh Hương trở thành giảng viên Trường đại học Y Hà Nội, sau đó được cử đi tu nghiệp về tim mạch học lâm sàng và siêu âm doppler tim tại Đại học Paris VI, Bệnh viện Saint-Antoine Paris, tiếp đó là tu nghiệp về tim bẩm sinh tại Bệnh viện Robert Debre. 

Với nữ bác sĩ trẻ lần đầu đặt chân tới nước Pháp, cảm giác choáng ngợp khi chứng kiến sự khác biệt kinh tế, xã hội cũng như tiến bộ y khoa là điều không tránh khỏi. Vì sao đất nước họ giàu tới như vậy, y học phát triển và có nhiều người giỏi như vậy là những câu hỏi luôn khiến chị tò mò và khám phá. Thay vì có những buổi tham quan dã ngoại, mua sắm tại các trung tâm thương mại hay săn đồ hiệu giá rẻ, BS Hương không ngừng kết nối để tiếp cận và trao đổi chuyên môn với những giảng viên, chuyên gia tim mạch uy tín ở quốc gia này.  

Khi trở về nước, BS Hương là một trong số rất ít bác sĩ có kiến thức chuyên môn cận lâm sàng tốt, tiệm cận xu thế điều trị hiện đại. Các giảng viên, giáo sư gạo cội của ngành y lúc đó hầu hết đều mong muốn chị sẽ chú trọng theo con đường siêu âm tim. Tuy nhiên, một lần nữa, BS Hương lại mở ra cho mình một cánh cửa mới, đó là nghiên cứu tim mạch trong mối quan hệ với tăng huyết áp và rối loạn lipid máu. 

Chị tâm sự: “Năm 1995, vấn đề rối loạn lipid và tăng huyết áp không được quan tâm như bây giờ. Số lượng bệnh nhân hiếm, các thiết bị, phương tiện chẩn đoán còn thiếu thốn. Tuy nhiên, thực tế từ quá trình tu nghiệp và số liệu thống kê của nhiều nước phát triển cho thấy, sau khi kết thúc chiến tranh, số bệnh nhân có bệnh lý tim mạch do tăng huyết áp, lipid máu tăng lên bởi chế độ ăn uống tốt và ít vận động hơn. Đó là lý do khiến tôi bắt đầu nghiên cứu và theo đuổi đề tài này cho tới tận bây giờ”.

Năm 2020, nối tiếp những đề tài trước đây, công trình nghiên cứu “Xây dựng bản đồ đột biến gen bệnh tăng cholesterol máu gia đình và đề xuất mô hình quản lý bệnh tại Việt Nam” do PGS-TS-BS Trương Thanh Hương làm chủ nhiệm đã chính thức được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy xác nhận. Công trình xây dựng thành công mô hình sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh tăng cholesterol máu gia đình tại Việt Nam và chuyển giao đến các cơ sở y tế. Ước tính, tại Việt Nam, có gần 500.000 người mắc bệnh này. Thông qua công trình, các bệnh nhân và gia đình họ có thể tiếp cận được việc chẩn đoán, điều trị sớm, ngăn chặn việc phát tán nguồn gen bệnh và phòng, chống biến chứng gây tàn phế, thậm chí gây tử vong như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, xơ vữa động mạch. 

PGS-TS-BS Trương Thanh Hương chia sẻ, nếu chị chỉ dừng lại ở một công việc an toàn, không chủ động mở cho mình những lối đi mới thì đâu biết được rằng, sau mỗi cánh cửa kia lại là một thung lũng đầy hoa.

Sống với đam mê, sẽ không thấy mệt mỏi

Cả cuộc đời cống hiến cho công việc, bận rộn trong guồng quay nghiên cứu khoa học cũng như khám chữa bệnh tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai và giảng dạy tại Trường đại học Y Hà Nội, đã bao giờ chị cảm thấy mệt mỏi và muốn dừng lại? PGS-TS-BS Trương Thanh Hương chia sẻ, cuộc sống luôn có những nốt trầm, nhưng nếu đắm chìm vào công việc, có nhiều kiến thức mới thì những nỗi buồn, tiêu cực kia sẽ trở thành thoảng qua.

PGS.TS.BS Trương Thanh Hương luôn dành hết tâm huyết để truyền lửa kiến thức và đam mê cho học trò của mình
PGS.TS.BS Trương Thanh Hương luôn dành hết tâm huyết để truyền lửa kiến thức và đam mê cho học trò của mình

Những khi mệt mỏi, chị lại nhớ tới những bệnh nhân mình từng gặp, từng nghe, họ vất vả, thiếu may mắn tới cỡ nào, để từ đó, thấy khó khăn của mình trở nên quá nhỏ bé. PGS-TS-BS Trương Thanh Hương cho rằng, công việc của người BS cũng giống như bao nghề khác, có những vất vả riêng. Do đó, mỗi người đều phải chủ động sắp xếp công việc một cách khoa học để có thể đảm đương, hoàn thành được các đầu việc của mình.

Tuy nhiên, nữ BS có vóc dáng nhỏ bé ấy cũng thừa nhận, mình là một người “tham tri thức”. Khi có một chút vốn tích lũy, chị lại luôn mong muốn có được nhiều hơn. Và chị cũng quan niệm rằng, chính kiến thức chứ không phải những bộ váy áo, những món đồ trang sức lộng lẫy khiến mình trở nên xinh đẹp hơn trong mắt mọi người. 

Trò chuyện với PGS-TS-BS Trương Thanh Hương, người đối diện có thể dễ dàng cảm nhận được sự uyên bác đến từ vốn kiến thức chuyên môn sâu sắc và ngọn lửa đam mê nghề vẫn bùng cháy. Tất cả điều ấy được chị, trong vai trò một giảng viên cao cấp, truyền đạt vẹn nguyên tới những học trò của mình. PGS-TS-BS Trương Thanh Hương đã hướng dẫn khoa học cho 42 học viên và được trao danh hiệu nhà giáo ưu tú với những đóng góp của chị trong sự nghiệp trồng người của ngành y tế.

Trong căn phòng làm việc của PGS-TS-BS Trương Thanh Hương tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, bên cạnh những khung giải thưởng, những cuốn sách y khoa, một bức ảnh gia đình được chị đặt ngay ngắn ngay cạnh bàn làm việc của mình. Chồng chị từng là bạn học cùng lớp với chị ở Trường đại học Y Hà Nội và hiện là BS phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Con trai và con gái của chị hiện cũng theo đuổi đam mê giống như bố mẹ của mình. Khi nhắc tới cuộc sống của một “gia đình BS”, chị thừa nhận, họ có quá nhiều bận rộn để dành cho nhau. “Bạn bè vẫn trêu rằng, đôi khi chúng tôi chỉ có thể chào nhau khi máy bay đi ngang qua” - PGS-TS-BS Trương Thanh Hương dí dỏm. 

Đối với chị, từng khoảnh khắc bên gia đình là những cảm xúc, gia vị tuyệt vời trong cuộc sống. “Chúng tôi có cùng đam mê, cùng kiến thức trong một lĩnh vực nên mỗi thành viên đều có thể bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình. Thành ra, mỗi khi nói chuyện là cả nhà lại chí chóe, vô cùng sôi nổi” - PGS-TS-BS Trương Thanh Hương nở nụ cười rạng rỡ khi chia sẻ về gia đình hạnh phúc của mình. 

Sáng 5/3, PGS-TS-BS Trương Thanh Hương được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2020 ở hạng mục cá nhân. Giải tập thể năm nay thuộc tập thể nữ Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, thuộc Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với lĩnh vực chính là nghiên cứu các chất có hoạt tính sinh học từ thiên nhiên (thực vật, sinh vật biển, vi sinh vật) và ứng dụng vào thực tế cuộc sống. 

Đây là năm thứ 35, giải thưởng Kovalevskaia được triển khai nhằm tôn vinh những nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn. Giải thưởng đã được trao cho 20 tập thể và 49 cá nhân xuất sắc trên các lĩnh vực toán, lý, hóa, sinh, nông nghiệp, y học, công nghệ thông tin…

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI