'Bóng hồng đặc biệt' đằng sau 'người hùng' Phan Văn Đức

23/01/2018 - 10:54

PNO - Thành công tiền vệ U23 Việt Nam, Phan Văn Đức, có được hôm nay xuất hiện vai trò rất lớn của người mẹ Vũ Thị Hiền. Với Đức "cọt", mẹ là điểm tựa vững chãi, người luôn dõi theo sự trưởng thành của cậu con trai từng ngày.

Sau đêm 20/1, cái tên Phan Văn Đức xuất hiện rất nhiều trên mặt báo. Pha làm bàn của tiền vệ sinh năm 1996 hồi sinh U23 Việt Nam trong cuộc chạm trán với Iraq ở tứ kết giải U23 châu Á 2018. Một pha khống chế bóng tinh tế và dứt điểm ngay bằng chân trái, Phan Văn Đức khơi màn cho hành trình tạo nên điều kỳ diệu của U23 Việt Nam.

Chiều nay, rất nhiều trái tim lại tiếp tục đặt niềm tin vào cầu thủ số áo 14 của đội tuyển U23 Việt Nam trước trận bán kết gặp U23 Quatar.

'Bong hong dac biet' dang sau 'nguoi hung' Phan Van Duc
Bà Vũ Thị Hiền, mẹ của tuyển thủ U23 Phan Văn Đức

Phan Văn Đức giờ là ngôi sao trong đội hình U23 Việt Nam. Nhưng ở một góc trong gia đình nhỏ tọa lạc tại Bình Dương, Đức "cọt" vẫn chỉ là chàng trai mới lớn trong mắt bố mẹ. Họ tự hào về cậu út trong gia đình gồm 4 thành viên, nhưng không quá tự mãn.

Bà Vũ Thị Hiền chia sẻ: "Nói thằng Đức đã thành đạt thì chưa đúng. Nó mới 22 tuổi, còn trẻ lắm".

Phan Văn Đức rất thường tâm sự với mẹ. Năm lên 4, anh phải sống xa vòng tay của cha khi người đàn ông trụ cột trong gia đình Nam tiến để tìm kiếm cơ hội mới. Vậy là một tay bà Hiền phải quán xuyến chuyện nội trợ, trong đó bao gồm chăm sóc luôn hai cậu con trai đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Không giống cậu con trai cả đam mê kiến thức hơn, trường hợp của Phan Văn Đức khiến bà Hiền rất lo lắng khi thằng bé muốn theo nghiệp quần đùi áo số. Biết rằng bóng đá là trò chơi khắc nghiệt với quy luật đào thải tàn nhẫn, mẹ Phan Văn Đức ban đầu hơi lưỡng lự. Bà muốn cậu út theo đuổi con đường học vấn.

Nhưng khi nhận thấy Phan Văn Đức quá đam mê bóng đá, bà đành chấp nhận với lựa chọn của con trai. Hành trình của người phụ nữ sinh năm 1973 sang trang mới. Nếu ai đó từng nghĩ chăm lo cho một đứa trẻ theo nghiệp bóng đá dễ dàng, thì đó có lẽ trở thành quan niệm sai lầm nhất. 10 năm sát cánh cùng Phan Văn Đức chứng kiến chừng ấy năm vất vả của bà Hiền.

Sợ con trai nhiễm thói xói từ những cầu thủ đàn anh trong CLB SLNA, bà Hiền chủ động xin đội bóng cho Phan Văn Đức ra ở riêng cùng mình. "Tôi biết môi trường của bóng đá rất phức tạp và nhiều cạm bẫy, vì vậy bản thân muốn tự mình giáo dục con", bà Hiền kể lại. Yêu cầu đó được CLB đáp ứng.

'Bong hong dac biet' dang sau 'nguoi hung' Phan Van Duc
Phan Văn Đức trong màu áo của CLB Sông Lam Nghệ An

Với Phan Văn Đức, mẹ giống như người thầy chỉ bảo anh trong cuộc sống đời thường. Những bài học không đến từ kỹ thuật chuyền, rê dắt hay sút bóng, mà đó là kỹ năng sống cho cho trở thành người tốt. Bà kể lại: "Không phải ngẫu nhiên chúng tôi đặt tên cho con là "Đức". Tôi muốn thằng bé phải sống có đức với xã hội".

Sống xa chồng, bà Hiền phải một lúc vào "hai vai". Bà trở thành điểm tựa cho hai đứa trẻ thủ thỉ, nhưng cũng rất nghiêm khắc khi chúng tinh nghịch. Phan Văn Đức nhiều lần bị ăn đòn vì lì lợm. Buổi họp phụ huynh, bà Hiền đồng ý cho cô giáo áp dụng hình phạt đánh đòn với con mình, nhưng chỉ được từ mông trở xuống.

Mẹ còn là "tư vấn viên" rất đồng cảm với Phan Văn Đức. Ở tuổi 22, tiền vệ SLNA bắt đầu va chạm với đời, tìm hiểu mỹ vị cuộc sống, trong đó không thể thiếu chuyện có bạn gái. Lạ thay, tới nay thì vẫn chưa cô nàng nào được Phan Văn Đức giới thiệu với gia đình. Đó có lẽ vì anh nghe lời mẹ dặn.

"Tôi không cấm con trai có bạn gái. Song, tôi muốn nó hiểu thế nào là tình yêu. Khi quen một cô gái, thì đó phải là người nó chọn lựa nghiêm túc và tính đến chuyện xa hơn", bà Hiền nói.

Ngày Phan Văn Đức lên tuyển U10 của SLNA, đó là thời gian khó khăn nhất với bà Hiền. Mẹ tiền vệ này phải một tay chăm lo mọi thứ trong gia đình, đồng thời dõi theo từng sự trưởng thành trong sự nghiệp của con. Phan Văn Đức rất may mắn khi có mẹ đồng hành suốt các giải đấu từ Nam ra Bắc.

Có lẽ vì dự khán nhiều, bà Hiền giờ rất có kiến thức bóng đá, hiểu thế là việt vị, các vị trí trên sân di chuyển thế nào... Sau HLV, mẹ chính là người chứng kiến Phan Văn Đức trưởng thành thế nào. Và chính vì sự hy sinh to lớn mẹ dành cho mình, tiền vệ sinh năm 1996 hiểu bản thân phải thi đấu nỗ lực hơn.

"Nó từng bảo sẽ không phải để mẹ làm gì nữa", bà Hiền bộc bạch, đồng thời tiết lộ từ năm 2014 đang gặp phải căn bệnh và đi nhiều nơi để chữa trị, trong đó vào tận Sài Gòn.

Biết sức khỏe của mẹ không tốt, Phan Văn Đức càng phấn đấu nhiều hơn. Nhưng song song đó là thứ tình cảm sâu sắc một người con dành cho mẹ. Như một thói quen, hễ về nhà vào dịp nghỉ, Đức "cọt" lại ôm mẹ đầu tiên. Vốn dĩ ít nói, tiền vệ vừa ghi bàn gỡ hòa 2-2 cho U23 Việt Nam trước Iraq muốn làm điều gì đó đặc biệt.

'Bong hong dac biet' dang sau 'nguoi hung' Phan Van Duc
Phan Văn Đức đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chiến thắng của U23 Việt Nam

Và không còn gì ý nghĩa hơn ngoài việc chơi bóng ngày càng thuyết phục và chinh phục HLV Park Hang-seo. Bà Hiền rất tự hào về cậu con trai, không hề tỏ ra bất ngờ khi thấy Phan Văn Đức được xếp đá chính ở trận gặp Iraq. Bà tin ở trận đấu bán kết chiều nay (23/1), Đức "cọt" sẽ lại tiếp tục được ông thầy người Hàn Quốc tin dùng.

Với mẹ của Phan Văn Đức, được theo dõi con trai đá tốt, ghi bàn giúp đội nhà tạo nên lịch sử trở thành những gì hạnh phúc nhất bù đắp cho số phận. Phải sống xa chồng, rồi giờ phải xa con khi vào Sài Gòn chữa bệnh. Thời gian hai mẹ con gặp nhau cũng trở nên ngắn ngủi. Song, bà Hiền vẫn chấp nhận hy sinh.

Sau những trận đấu tại giải U23 châu Á, bà Hiền vẫn nhận điện thoại từ con trai, tuy nhiên nói chuyện rất nhanh vì không muốn thằng bé bị phân tâm. Và khi nói về trận gặp Qatar, bà Hiền gửi lời chúc đến toàn đội sẽ gặt hái được thành công, còn riêng Phan Văn Đức, đó là lời gửi gắm: "Đá bóng cần sự đoàn kết. Con không cần phải ghi bàn, làm sao giúp đội nhà giành thắng lợi chung cuộc mới quan trọng".

Long Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI