Bông hoa nào cho cô giáo vùng cao?

18/11/2014 - 08:41

PNO - PNO – Tôi vẫn còn nhớ như in một năm về trước, ngày chúng tôi rời Trường tiểu học Tà Hộc, xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, mấy cô giáo đang bế con nhỏ cứ đứng vẫy vẫy tay cho đến khi chiếc ô tô khuất dạng.

edf40wrjww2tblPage:Content

Bong hoa nao cho co giao vung cao?

Các cháu học sinh Trường tiểu học Tà Hộc nhận áo mới từ các bạn sinh viên tình nguyện - Ảnh: Nguyễn Thúy Hằng.

2 ngày tôi ở Tà Hộc, 2 ngày không tắm rửa. Hỏi các cô giáo nhà tắm thì được chỉ ra một con suối nước chảy ầm ầm, đục ngầu vắt ngang sau trường học.

Trời cứ mưa tầm tã từ sáng tới tối muộn. Đất núi lở xuống, lấp hết cả mặt đường, nhiều đoạn phải nhờ người dân địa phương khiêng xe máy qua. Đi bộ mỏi cả chân mới thấy một nóc nhà. Thế mà hôm chúng tôi tổ chức liên hoan văn nghệ và tặng quà cho các cháu học sinh, khi sương mờ còn giăng mù mịt khắp các ngọn cây, chúng tôi đã thấy tấp nập các cháu ríu rít đến sân trường. Quần áo lấm lem bùn đất, đôi ủng trĩu nặng đất đỏ bám vào, khuôn mặt những đứa trẻ vẫn háo hức, nhìn thương vô cùng.

Bong hoa nao cho co giao vung cao?

Cô giáo Quàng Thị Thảo cùng các thầy giáo chuẩn bị bữa cơm khi có khách từ dưới xuôi lên - Ảnh: Nguyễn Thúy Hằng.

Ngày chúng tôi tới trường, cô giáo Hà Thị May, 46 tuổi, người dân tộc Thái cũng đang sắp sửa đồ đạc để chuyển sang bản Pơ, một trong những bản xa của Tà Hộc. 11 năm làm cô giáo ở điểm trường này, cô May từng phải một mình leo lên những ngọn đồi cao và xa tít tắp ở bản Heo, cách trung tâm xã Tà Hộc 12 km để vận động học sinh tới trường.

11 năm trước, ngày cô từ thị trấn Hát Lót về nhận công tác ở Tà Hộc, chồng thì gánh một gánh nồi niêu xoong chảo, cô thì gánh một bên là con trai mới 11 tháng tuổi, một bên là sách vở, chăn màn.

Con trai 6 tuổi được gửi về thị trấn ở với ông bà. Cô May sinh thêm một đứa con gái, cháu ở cùng mẹ đến năm 12 tháng tuổi thì năm 2008, nước lũ từ con suối cạnh trường dâng lên cuốn trôi hết cả trường lớp, suýt cuốn trôi cả mẹ lẫn con. Cô May sợ quá, phải gửi con về ông bà. Thế là mẹ cứ đi dạy biền biệt, một tháng lại tranh thủ về, ôm con một lúc rồi lại lên bản làng heo hút.

Bong hoa nao cho co giao vung cao?

Bong hoa nao cho co giao vung cao?

Học trò vùng cao lạ lẫm với trò chơi - Ảnh: Nguyễn Thúy Hằng.

Không biết giờ này cô giáo Quàng Thị Thảo, người ở huyện Sông Mã, Sơn La đã trở lại trường Tà Hộc hay chưa. Một năm về trước, cô giáo 25 tuổi này đang bận rộn chuẩn bị đám cưới, trong khi người vẫn đang lên cơn sốt, ho liên tục vì bị cảm sau khi gặp mưa lớn trên đường vận động học trò đi học.

Cô Thảo từng là hoa khôi của Trường ĐH Hải Phòng, gia đình công chức không thiếu thốn, Thảo về làm cô giáo vùng cao 2 năm mà giảm đi 7 cân, da đen xạm, mặt mũi hốc hác. Duyên nợ với đất và rừng Tà Hộc, Thảo vẫn kiên trì bám bản, chăm chỉ học thêm tiếng dân tộc Mông để vừa dạy học tiếng Kinh, vừa trò chuyện với các em cho mau hiểu bài. Tối về, bữa cơm của các thầy cô giáo như Thảo chỉ là rau tự trồng, cá khô mặn, lạc rang…

Ở những bản làng heo hút, cách xa trung tâm xã như bản Heo, bản Pơn, Mới, Mòng, Pá Hốc, Pù Tìn địa hình cách trở, trẻ em đi học phải dựng lán trại dọc đường, mang theo gạo muối đế ăn cả tuần. Có cháu bé, cô giáo vào lán thăm, chỉ thấy ngồi xúc bí đỏ luộc ăn thay cơm, thật xót xa.
Thầy giáo Nguyễn Đức Tiến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tà Hộc cho biết, tỉ lệ phổ cập tiểu học của xã Tà Hộc chỉ đạt 80%, tỉ lệ học sinh học lên cấp 2, cấp 3 lại càng ít đi.

Bong hoa nao cho co giao vung cao?

Cô giáo Vi Thị Thúy bên các học trò Tà Hộc - Ảnh: Nguyễn Thúy Hằng.

Vậy là, dù đồi núi ngăn cách, đường sá xa xôi và cách trở cả về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, những thầy cô giáo ở những vùng cao vẫn ngày đêm bám bản.

Tuổi xuân các cô ngày một trôi qua. Tôi được nghe kể ở những vùng cao xa lắc xa lơ ở Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên… có những cô giáo cứ bám bản từ thời thanh xuân cho đến lúc tuổi đã xế chiều vẫn cô quạnh, chưa tìm được một hạnh phúc riêng. Ao ước giản đơn nhất, bản năng nhất của một người phụ nữ là được làm mẹ, các cô cũng không được thỏa nguyện.

Dì tôi, quê ở Hưng Yên, 27 tuổi mới lấy chồng - một thầy giáo cùng quê nhưng được phân công về dạy cấp 2 ở một bản của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, cách thành phố Điện Biên gần 200 km.

Cách trở không gian, dì phải xin chuyển công tác lên Điện Biên cùng chồng, chỉ để mong có 1 đứa con rồi về dưới xuôi. Những ngày mùa đông rét cắt da, mưa, sương muối giăng mù mịt, gạo không đủ ăn, phải tìm đến ngô, sắn; điện không có, phải nhờ ánh sáng của đèn dầu hiu hắt. Ở nơi đó, có ai biết đến ngày 20 tháng 11- ngày Nhà giáo Việt Nam?

Hạnh phúc của những người thầy như chú, dì tôi và hàng trăm thầy cô của những bản làng xa xôi khác, có lẽ chỉ là tấm lòng của học trò. Những buổi học trò đến lớp đầy đủ, những năm học không có học sinh bỏ dở giữa chừng, không phải trèo lên chon von trên những phiến đá tai mèo để tìm nhà học trò, vận động em tới lớp, đó là niềm an ủi lớn lao nhất của họ. Chắc đó là những bông hoa rất đẹp dành cho thầy cô trong ngày 20/11 nơi vùng cao thăm thẳm.

NGUYỄN THÚY HẰNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI