Bông hoa của Hội

27/03/2014 - 15:27

PNO - PN - Mắc bệnh nan y, lại là bà mẹ đơn thân, vượt bao khó khăn, vật lộn với cuộc sống, chị không chỉ tìm hạnh phúc cho mình mà còn sẻ chia với người khác…

edf40wrjww2tblPage:Content

Trưởng thành trong xóm lao động nghèo (P.6, Q.4, TP.HCM), không được học hành nhiều vì cha mẹ mất sớm, chị Võ Thị Thanh Xuân mưu sinh bằng đủ thứ việc. Chị nghĩ: “Mình phải học một nghề gì đó mới mong có cuộc sống ổn định sau này”. Và chị quyết định chọn nghề thêu, may làm bước khởi điểm cho tương lai. Vừa học vừa làm tại hợp tác xã thảm thêu len xuất khẩu, tay nghề chị ngày càng vững. Thời gian sau, chị nảy ra ý định “truyền nghề” cho các chị em cùng cảnh nghèo khó. Chị đến từng nhà, vận động chị em chưa có việc làm, những người có hoàn cảnh khó khăn đến học nghề. Lớp học ngày càng thu hút nhiều chị tham gia. Cứ thế, người đi trước hướng dẫn người đi sau, cùng trở thành thợ lành nghề. Nhờ mẫu mã đẹp, các sản phẩm của chị em như khăn tay, khăn trải bàn, thảm, drap trải giường… được nhiều khách hàng đón nhận.

Sau thời gian, chị Xuân cùng gần 30 chị em lập nên tổ hợp may thêu. Tìm hiểu nhu cầu thị trường, chị đề xuất với chị em cùng may trang phục. Không ngại khó khăn, hàng ngày chị rảo quanh các con đường chuyên bán quần áo cho khách du lịch, nắm bắt thị hiếu của khách. Chị bắt tay vào việc thiết kế các mẫu thêu như hoa văn, hình chim công, rồng, phượng… trên áo dài, áo đầm, áo kiểu. Tuy là dân “tay ngang” chỉ mới tập tành sáng tạo, nhưng các thiết kế của chị được khách du lịch yêu thích, nhiều nơi đặt hàng. “Vất vả vì phải tạo mẫu mới thường xuyên để chào hàng, có khi làm ra mà khách không ưng thì phải bỏ, vẽ lại cái khác. Nhưng tôi thấy vui vì thấy đời sống của chị em ngày một khá lên” - chị chia sẻ.

Vượt qua được nghèo khó, cũng là lúc chị phát hiện bị bệnh ung thư tuyến giáp. Con mới năm tuổi, nhà lại đơn chiếc, dù đau đớn thể xác sau mỗi đợt hóa trị, chị vẫn miệt mài với công việc tạo mẫu. Chị bảo: “Phải kịp ra mẫu cho chị em làm. Mình mà ngưng là toàn bộ các khâu đều bị trì hoãn, thu nhập mọi người sẽ bị ảnh hưởng”.

Bong hoa cua Hoi

Mẫu thêu do chị Võ Thị Thanh Xuân thiết kế

Khó khăn lại ập đến khi tổ hợp may thêu bị sụt giảm nguồn hàng do phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ, kỹ thuật in thêu vi tính hiện đại. Chị bắt đầu xoay xở, tìm kiếm nguồn tiêu thụ mới bằng cách nhận gia công các mẫu khăn ăn cho nhà trẻ, thêu logo trên đồng phục cho các công ty, doanh nghiệp…

Thời điểm này, tổ hợp buộc phải giải thể, chị em mang nguyên liệu về làm tại nhà. Với những thành viên khó khăn, chị hỗ trợ máy may, máy thêu. Mỗi ngày chị đều tất bật đến từng nhà lấy sản phẩm giao cho khách hàng. Khi biết chị nào trong khu phố có nhu cầu may thêu quần áo, chị đứng ra liên hệ, giới thiệu để họ có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Chị tâm niệm: “Đều là phụ nữ, lại sinh hoạt chung trong Hội, thấy ai khó khăn thì mình quan tâm giúp đỡ, tuy thu nhập không nhiều nhưng đỡ đần cho các chị phần nào”.

Dì Đinh Thị Mơ (P.15, Q.4) xúc động: “Bao năm qua, nhờ cô Xuân mà gia đình tôi đỡ chật vật, một tay cổ liên hệ, nhận hàng và giao hàng cho khách. Tôi chỉ việc ở nhà làm”.

Tính đến nay, chị Thanh Xuân đã dạy nghề và tạo việc làm cho hơn 150 phụ nữ nghèo với mức thu nhập trên ba triệu đồng/tháng. Nhiều năm liền, chị được Hội LHPN phường vinh danh “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”.

Dù bận rộn với công việc kinh doanh, chị vẫn nhiệt tình tham gia các công tác Hội PN phường. Chị giới thiệu nhiều hội viên vay vốn làm ăn, đi đầu trong các hoạt động từ thiện xã hội như góp tiền, gạo tặng người già đơn thân, nghèo khó tại địa phương. Chị còn tranh thủ đến nhà, động viên những người mắc bệnh như chị, chia sẻ khó khăn và tiếp thêm sức mạnh để họ vươn lên.

 Việt Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI