Bỗng dưng thành 'diễn viên', sống sao cho đặng?

12/07/2017 - 10:02

PNO - Khi “lòng tốt nông nổi” lên ngôi, nó trở nên nguy hiểm và ác thay khiến người trong cuộc biến dạng. Lòng tốt không bị mất đi, nhưng nó chạy qua chạy về như chú hề trên sân khấu...

LTS: Sau vụ em bé ở Quảng Bình mất tích và bị đâm hàng chục nhát khiến em tử vong, người  ta đã bắt đầu lo âu trước cảm xúc của đám đông, khi mạng xã hội trở thành mảnh đất màu mỡ để họ thỏa sức lan truyền thông tin, phán xét, kết tội… Đám đông vô tình tiếp tay cho cái ác. Khi “lòng tốt nông nổi” lên ngôi, nó trở nên nguy hiểm và ác thay, những chú thích vô căn cứ trên mạng xã hội lại khiến người trong cuộc… biến dạng. Đây, một câu chuyện dở khóc dở cười về lòng tốt, quyền được cư xử tốt. Lòng tốt không bị mất đi, nhưng nó… chạy qua chạy về như chú hề trên sân khấu, để đến khi hạ màn, lại tạo ra những tấn bi hài kịch khác.

Đoạn clip quay một đứa trẻ cởi truồng “bị nhốt trong sân nhà”, tay bám chặt vào một cánh cổng sắt gỉ sét, khóc tức tưởi. Tiếng gà gáy đâu đó vọng lại, rồi tiếng chó sủa xen lẫn tiếng khóc trên cái nền ẩm ướt, ngột ngạt của sân nhà cuối hẻm sau cơn mưa. Clip được tác giả chú thích: có năm, sáu đứa trẻ như vậy trong nhà; chúng bị mẹ bỏ, phải sống cùng ông bà ngoại và thường xuyên khóc vì đói và không có đồ mặc. Clip được lan truyền nhanh chóng với hàng chục ngàn chia sẻ. 

Bong dung thanh 'dien vien',  song sao cho dang?
Chị Phước (trái) cùng các cháu ngoại ngại ngùng đón nhận tình thương.

“Ký giả lòng tốt”

Hình ảnh đứa trẻ lem luốc đứng khóc khản giọng được xót thương. Cánh cổng rách nát bị khóa để “nhốt bọn trẻ” lại bị lên án. Và bầy chó đứng quanh đứa trẻ được cư dân mạng tập trung vào, đặt nghi vấn: “sao trẻ không có thức ăn mà nhà lại nuôi nhiều chó?”... Dưới clip, hàng ngàn người tham gia bình luận, nghi vấn, hoặc kêu gọi, gửi gắm nhau đến tìm hiểu thực hư rồi cứu giúp. 

Và quả thực, căn nhà được ghi hình và chú thích địa chỉ cụ thể trên trang facebook nọ đã bắt đầu ồ ạt khách khứa.

Từ cổng Kho dầu B (Phú Xuân, Nhà Bè, TP.HCM), con đường đất nhỏ xíu đã dập dìu người ra vào. Vào đến nơi, con hẻm 48/96 càng ken đặc người và xe. Người dáo dác, dọ dẫm bước vào cứ cố vói sang hỏi người đang tất tả luồn lách đi ra: “Sao? Tụi nhỏ còn ở đó không?”, “Thấy sao? Có đúng không?”. Có người gật đầu. Có người hờ hững lắc đầu. Người hỏi vẫn bước sâu vào bên trong, rồi vội vã lấy điện thoại ra… quay phim khi vừa thấy “cánh cổng có trong clip”.

Phía bên trong, năm đứa trẻ nheo nhóc quanh một người đàn bà đang gượng gạo niềm nở giữa máy quay của những vị khách lạ. Người ta chỉ quay, không hỏi han gì. Người đàn bà ấy là chị Trần Thị Phước - “nhân vật bà ngoại” trong câu chuyện đang được lan truyền cùng clip thương tâm trên mạng.

Cứ mỗi lần khách đến, chị lại chạy ra cổng tiếp, rồi sượng sùng trong cuộc “tiếp chuyện” bất thành, lóng ngóng giữa những chiếc điện-thoại-quay-phim và sáu đứa trẻ cứ chực chạy tán loạn. Ghi hình ban đầu xong, một người phụ nữ chừng ngoài ba mươi tuổi bắt đầu “phỏng vấn”: “Mẹ tụi nhỏ đâu? Cô là bà ngoại phải không?”. Chị Phước gật đầu: “Mẹ tụi nhỏ ưng người khác, không ở đây nữa”. “Cô nuôi tổng cộng mấy đứa?”, “Tụi nhỏ là con một mẹ hả?”, “Cha tụi nó đâu?”, “Lâu nay mấy bà cháu sống bằng gì?”, “Cái clip trên facebook là ai quay?”, “Mà tụi nhỏ là con một cha hay cùng mẹ khác cha?”...

Chiếc điện thoại trên tay những vị khách đang quay lại một đoạn phim đắt, nó có tất cả thông tin mà cư dân mạng đang quan tâm, và được chính “bà ngoại tụi nhỏ” trả lời.
Ngồi trong căn nhà chừng hai tiếng đồng hồ, tôi chứng kiến ít nhất 25 lượt khách đến thăm. Có người vào thả xuống mấy thùng sữa rồi quay ra, không nói lời nào. Có người chỉ đến để hỏi chuyện, quay phim rồi hẹn “sẽ quay lại”. Còn hầu hết người ta đều hỏi đến tận cùng. Mỗi người lại đại diện cho một nhóm người nào đó, và họ cần thông tin, hình ảnh, clip về mấy bà cháu - như một biên nhận.

Bong dung thanh 'dien vien',  song sao cho dang?
Lòng tốt không bị mất đi, nhưng nó… chạy qua chạy về như chú hề trên sân khấu, để đến khi hạ màn, lại tạo ra những tấn bi hài kịch khác.

Chị Trần Thị Phước (SN 1973, bà ngoại của bọn trẻ) trả lời như một cái máy. Một người phụ nữ nãy giờ vẫn ngồi yên lặng quan sát chợt đứng dậy, lấy trong túi áo khoác ra một xấp tiền, đưa cho chị Phước, rồi lẳng lặng ra về. Vừa cảm ơn người phụ nữ kia xong, chị Phước lại lật đật chạy gần hơn về phía trước nhà khi nghe tiếng xe máy vừa tấp vào. 

Tôi vòng ra phía trước, người vào kẻ ra đang túm tụm thành hai, ba nhóm. Một người phụ nữ hỏi tôi: “Cô thấy sao?”. Thấy tôi có vẻ chưa hiểu, chị tự giãi bày: “Chị thấy khó nghĩ quá. Sao thấy họ tiếp khách... chuyên nghiệp quá”. Nhiều người gần đó lại gần, bổ sung thêm những nghi vấn. Những câu trả lời máy móc và thái độ hiếu khách bất thường của chị Phước được đem ra bàn tán.

Chị Lan, chừng 55 tuổi, đi hơn hai tiếng đồng hồ từ Hóc Môn sang đây hồi 4 giờ chiều. Gặp lúc nhà có đoàn đến quay phim nên mãi đến hơn 5 giờ chị mới vào thăm. “Thăm rồi bước ra, cứ thấy gờn gợn nên tần ngần chưa muốn về”. Nãy giờ, một người đàn ông hàng xóm vẫn bắc ghế ngồi ngay gần đó. Các chị đang bàn nhau lại hỏi chuyện, thì anh đã đứng lên, phớt lờ mọi lời chào, lững thững đi về phía cánh cổng nhà chị Phước.

“Sống sao cho đặng?”

Người “đàn ông hàng xóm” ấy chính là anh Nguyễn Văn Bột, chồng chị Phước. Lúc tôi theo anh vào đến sân nhà, những vị khách ban nãy đã rời đi hết. Anh vừa thả người xuống ghế, bọn trẻ đã cuống quýt chạy ra, tranh nhau trèo lên người. Chị Phước ngồi thừ ở bực cửa sau một đợt khách khứa. Anh Bột đón lấy bọn trẻ, rồi quay sang tôi, hỏi: “Tui không biết phải sống sao mới đặng nữa. Cô thấy không? Đóng cổng thì người ta kêu nhốt cháu, ngược đãi trẻ em. Mở cổng, đón khách vô thăm thì người ta nói mình ham tiền, ham khách”.  

Chỉ đến khi anh chị trò chuyện với nhau, tôi mới nhận ra cái dáng nét của cặp vợ chồng chỉ mới vừa bước vào độ tuổi trung niên. 20 tuổi, chị Phước sinh đứa con đầu. 17 tuổi, Mai - con gái đầu lòng của chị sinh đứa con đầu tiên. Năm nay chị 45 tuổi. Đứa con thứ bảy của chị chỉ mới bảy tuổi thì Mai đã có bốn đứa con.

Bong dung thanh 'dien vien',  song sao cho dang?
Sau cơn bão chia sẻ thông tin lên mạng xã hội tìm tung tích bé Nô (6 tuổi, quê Quảng Bình), người dân cả nước bàng hoàng khi thi thể bé trai được tìm thấy với hàng chục nhát dao đâm.

Bảy đứa con của chị, bốn đứa con của Mai; hai vợ chồng chị nuôi hết bằng gánh phá lấu và dăm cuốc xe ôm vào mỗi buổi chiều tối. Mới đây, Mai ly hôn chồng, những người con còn lại của chị Phước cũng lần lượt đi làm thuê, tự kiếm sống. Nhân khẩu trong nhà giờ chỉ còn hai vợ chồng, đứa con gái út, và năm mẹ con Mai. Cuộc sống chật vật nhưng “vẫn sống được”. 

Vậy mà từ bốn ngày nay, hai vợ chồng chợt “không biết sống sao mới đặng”.

Hôm ấy, đang lật đật chạy về trông chừng cháu thì anh được hàng xóm kêu lại, khoe một đoạn clip đăng trên facebook. Không biết chữ, anh chỉ nhìn đoạn phim, “thấy thằng Lé cởi truồng bu cái cổng khóc rống”. Người hàng xóm cho hay cháu anh đang rất nổi tiếng trên mạng, vì “bị mẹ bỏ rơi, bị ông bà ngoại nghèo quá nên bỏ đói, nhốt trong sân”. Hàng xóm kể thêm: “nhiều người xót cháu, trách ông bà nhốt cháu, ngược đãi trẻ”. Anh Bột... té ngửa.

Người đàn ông không biết chữ, chỉ dùng điện thoại để bấm số chợt… rùng mình tưởng tượng ra những bài lên án mình trên mạng xã hội. Về nhà, anh mở toang cánh cổng vẫn đóng kín bấy lâu để giữ tụi nhỏ không chạy ra đường. Nhà có năm đứa trẻ, đứa lớn nhất bảy tuổi, đứa nhỏ nhất 18 tháng tuổi nhưng anh quyết “tụi nhỏ tắm xong là mặc đồ vô liền, không để chúng ở truồng lảng vảng trước sân”.

Chỉ hai thay đổi đó thôi, đã xáo xào cả gia đình. Thường, vợ chồng anh phải thức dậy từ sớm để lo cơm nước, nhà cửa đến 7 giờ thì chạy đi lấy phèo về nấu phá lấu. Quần quật với năm đứa trẻ đến 2 giờ chiều, anh lại phải chạy sang... hàng xóm, gọi con gái về trông con để hai vợ chồng đi bán. 2 giờ rưỡi chiều, chở chị Phước cùng nồi phá lấu sang an vị ở quận 4, thì anh Bột cũng bắt đầu cuộc mưu sinh, chạy xe ôm đến 10 giờ đêm.

Không biết chữ, mỗi lần phải đi xa qua nhiều đoạn đường, anh lại phải nhờ khách đọc giúp tên đường. Kể đến đây, giọng anh ngập ngừng: “Má sắp nhỏ lấy chồng mà thất nghiệp, đẻ được bốn đứa con rồi giao hết cho tui. Thằng chồng nó về đây ở rồi cờ bạc, rượu chè, quậy phá quá nên tui đuổi đi. Hổm nó đòi lấy thằng cha bằng tuổi tui làm chồng. Tui không gả. Nó vẫn đi. Nó sang bên nhà thằng kia, làm hàng xóm của tui mấy tháng nay, cứ đến chiều thì tui kêu nó về giữ con cho vợ chồng tui đi làm”. 

Ngoài cổng, một vị khách khác vừa tới. Chị Phước nặng nhọc chạy ra, vụng về hiếu khách, trả lời mấy câu hỏi dễ đã nói cả trăm lần trong suốt buổi chiều, rồi quay vô. Vị khách đã quay đi sau những xác nhận “có - không”, “đúng - sai” quen thuộc.

Phía trong này, anh Bột vẫn thản nhiên kể chuyện. Lũ trẻ tranh nhau đu lên người ông ngoại. Thằng Lé cứ hai phút lại lẻn chạy ra ngoài. Cả nhà tán loạn đi tìm. Từ ngày dư luận xôn xao về “mấy đứa trẻ bị bỏ rơi”, người dân đến làm từ thiện nhiều, vợ chồng anh Bột phải nghỉ làm, ở nhà giữ cháu và tiếp khách. Cánh cổng “không được phép đóng”, vợ chồng cứ chốc chốc lại phải chia nhau đi tìm cháu. Lúc tìm được thằng Lé, chị Phước như đã kiệt sức.

Chị vừa bế cháu, vừa chậc lưỡi: “Phải mà đóng được cánh cổng lại”. Anh Bột lắc đầu: “Cháu chạy đi thì ra bồng vô lại được. Chứ người ta quay phim đưa lên facebook, làm sao mà lấy xuống?”. Chị Phước quay sang tôi: “Giờ chị không đóng cổng nữa, khách khứa đến thì tiếp đón đàng hoàng. Ở trên phường cũng xuống dắt chó đi để đảm bảo vệ sinh cho tụi nhỏ. Mà phường không dắt, chị cũng đem cho. Hổng ấy bà con lại góp ý”. 

Nghe nói đến con chó, bé Mai Thanh (con gái út của chị Phước) òa lên khóc. Từ ngày con chó bị dắt đi, bọn trẻ thỉnh thoảng lại nhớ, rồi gào khóc đòi chó. Chị Phước bỏ cuộc, thở hắt ra: “Người ta thấy mình đóng cửa vắng nhà trong khi tụi nhỏ đang khóc thì người ta có bằng chứng để nói mình ngược đãi rồi. Còn mình muốn nói mình thương cháu, mình không ngược đãi cháu, thì mình biết lấy gì để chứng minh đây?”.

Lúc này, tiếng nằng nặc đòi “dắt chó về” của Mai Thanh đã kịp lây lan, cả bảy đứa trẻ cùng òa nhau khóc. Chị Phước vừa dỗ dành, vừa lớn tiếng nói lảng sang chuyện khác. Bọn trẻ vừa nguôi nguôi, chị lại “bồi” thêm mấy mối quan tâm khác, rồi bóc hai lốc sữa vừa được tặng, chia cho bảy đứa trẻ. Tụi nhỏ quên mất chuyện con chó. Mấy ông bà cháu lại vui vẻ chọc ghẹo nhau, cười vang nhà. Trước những khóc cười giục giã của con trẻ, mọi áp lực “sống cho đặng”, hay “chứng minh tình thương” không còn tồn tại nữa. Bản thân cuộc sống thường nhật, với bảy đứa trẻ, chín miệng ăn đã đủ no đầy mọi cảm giác, đủ cạn kiệt năng lượng của hai người lao động giữa Sài Gòn. 

Nhưng, cái thường nhật kia chỉ bật ra trong khoảnh khắc. Trước đường lại có tiếng xe đỗ lại. Chị Phước giật bắn người, chạy ra cột cái cổng lại cho chắc, rồi “vào vai” một vị chủ nhà vồn vã, hiếu khách. Những câu hỏi được lặp lại. Bọn trẻ được gọi ra, xếp hàng để chụp hình, nhận tiền...

Mọi vị khách đều có thể trở thành một “ký giả” với những ghi nhận chớp nhoáng bằng điện thoại thông minh. Các nhà hảo tâm luôn có thể được thỏa mãn bằng một “biên nhận” trong hình thức một đoạn video, mấy tấm hình. Chủ nhà thì được hỗ trợ vật chất. Tưởng chừng, mọi việc đã êm xuôi, ai cũng được phần mình.

Nhưng trong cái giao điểm của tình thương và lòng trắc ẩn này, người được giúp đỡ chợt trở thành “người ngoài cuộc” trong cuộc sống của chính mình. Họ không còn tự tin vào những thói quen thường nhật, lẫn lộn, hoang mang giữa những đúng sai, phải trái. Logic sống bình thường bị phá tan bởi bao “tiêu chí từ thiện” của những người tốt. Cổng không được đóng, chó không được nuôi. Cả cái vồn vã hiếu khách đến mức bị ngờ vực kia cũng chỉ là biểu hiện của sự lóng ngóng vụng về của một người nghèo trước những vị khách lạ.

Còn những vị khách, bằng cái quyền được hỏi, được xác minh thông tin của một người đang thực thi lòng trắc ẩn - vẫn mãi mãi đứng bên ngoài, không thể chạm đến, hay thấu hiểu được câu chuyện thực của những người đang chịu ơn mình. 

Thanh Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI