Bỗng dưng nổi vết bầm da, coi chừng ung thư máu

15/10/2016 - 06:23

PNO - 30% số bệnh nhân đến khám huyết học tại Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược (ĐHYD) TP.HCM có liên quan đến vết bầm trên da.

Bác sĩ (BS) Phạm Hữu Luôn của khoa Huyết học, BV ĐHYD TP.HCM cảnh báo, người dân không nên chủ quan, bởi vết bầm trên da có thể là biểu hiện của những bệnh lý nguy hiểm.

Xuất huyết giảm tiểu cầu 

Mỗi ngày, BS Luôn khám cho khoảng 30 bệnh nhân (BN), 1/3 trong số đó bị bầm da và thiếu máu. Theo BS Luôn, vết bầm trên da khác với những chấm xuất huyết, vì chúng cũng là dạng xuất huyết dưới da nhưng “xuất” thành từng mảng và thường xuất hiện ở vị trí đùi, cánh tay. Có những nguyên nhân gây ra vết bầm như: chấn thương, bệnh lý về huyết học (lành tính và ác tính). Bệnh lý huyết học lành tính thường gặp là xuất huyết giảm tiểu cầu. Những bệnh lý huyết học ác tính phải kể đến là bạch cầu cấp và suy tủy.

Bong dung noi vet bam da, coi chung ung thu mau
Nữ bệnh nhân H. phải nhập viện do vết bầm tím tái đi tái lại trên da - Ảnh- Thanh Huyền

Ngày 26/9, BS Luôn đã khám và đề nghị một phụ nữ nhập viện vì triệu chứng bầm da nói trên. Nữ BN này là chị T.T.H. sinh năm 1981, ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM. Cách đây hai tuần, chị H. bị nổi những bớt tím nhỏ ở cánh tay và đùi. Tưởng bị bầm do vô tình cọ quẹt, va chạm nên chị không để ý. Tuy nhiên, các vết bớt mờ đi rồi rõ lại.

Cảm thấy bất thường, chị H. tới BV khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy tiểu cầu của BN giảm trầm trọng. Ở người bình thường, lượng tiểu cầu trong 1mm3 máu từ 200.000 - 400.000 thì chị H. chỉ còn 6.000. BN không hề biết mình ở tình thế hết sức nguy hiểm, có thể bị xuất huyết nội không cầm được ở bất cứ vị trí nào trong cơ thể. Nếu xuất huyết ở não thì nguy cơ tử vong rất cao. Chị H. được cho nhập viện ngay và điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch. Các xét nghiệm xác định nữ BN này bị xuất huyết giảm tiểu cầu.

Tình trạng bầm tím ở trẻ em rất dễ bị bỏ qua do phụ huynh chủ quan cho rằng bé hiếu động, va chạm trong lúc đùa giỡn, chạy nhảy. Cách đây ba tháng, bé trai sáu tuổi tên N.K.M. ngụ tại Q.8, TP.HCM được đưa đến khám do có vết bầm trên da.

Mẹ của bé M. chia sẻ với BS rằng, khi tắm cho con thì thấy bớt bầm ở đùi to khoảng 2-3cm. Khoảng năm ngày sau, khi vết bớt tím ở đùi vừa nhạt thì trên cơ thể của M. lại nổi bầm ở vị trí khác. Tình trạng này tái đi tái lại khoảng hai tuần thì M. bỗng bị chảy máu chân răng. Đến lúc này, cha mẹ bé linh cảm con mắc bệnh nguy hiểm, vội vàng đưa đến BV.

Bé M. được xác định bị xuất huyết giảm tiểu cầu trầm trọng, nếu chậm trễ thêm, bệnh nhi có nguy cơ xuất huyết não, khó tránh khỏi tử vong. Bé liền được cho nhập viện, điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch một tuần, may mắn đáp ứng tốt nên đã xuất viện.

Bầm da do ung thư máu và dùng thuốc 

Trong các nguyên nhân gây bầm da nguy hiểm, không thể bỏ qua bệnh bạch cầu cấp. Cách đây chưa lâu, BS Luôn đã tiếp nhận một BN nam tới khám trong tình trạng da nổi bầm. BN này còn bị chảy máu cam, kèm theo sốt. Kết quả xét nghiệm cho thấy lượng bạch cầu trong máu BN rất cao. Những BN mắc phải bệnh lý huyết học ác tính (ung thư) sẽ được điều trị theo phác đồ phù hợp. Trong số những trường hợp tới khám vì bầm da thì từ 10-30% do bệnh lý huyết học ác tính.

Ngoài ra, còn có nhóm đối tượng bị xuất huyết gây bầm dưới da là nhữngBN tim mạch đang sử dụng thuốc chống đông máu, những người sử dụng thuốc kháng sinh, người già và trẻ em béo phì (thành mạch máu mỏng, dễ tổn thương)… Đối với những người đang dùng thuốc dẫn tới các rối loạn đông máu, khi xuất hiện các đốm bầm bất thường thì phải đi khám ngay để BS điều chỉnh thuốc.

Cách phân biệt vết bầm do chấn thương và do bệnh lý

Nếu bầm do chấn thương, mảng bầm mới đầu sẽ đỏ sẫm, ấn vào không đau ngứa. Sau từ năm đến bảy ngày, vết bầm này sẽ từ từ nhạt đi. Nếu bầm do bệnh lý, các mảng bầm sẽ tái đi tái lại, thường xuất hiện ở cánh tay, đùi, bẹn. Khi thấy dấu hiệu bầm da bất thường kể trên, cần đi khám sớm để được điều trị, tránh nguy hiểm tính mạng.

Khi khám, ngoài mặt lâm sàng, các BS sẽ dựa vào những xét nghiệm để xác định bệnh lý của bệnh nhân. Nếu bị xuất huyết giảm tiểu cầu thì khả năng hồi phục từ 60-70%. Nguyên nhân gây ra bệnh này vẫn chưa rõ; ở một số trẻ em bị xuất huyết giảm tiểu cầu sau khi sốt siêu vi. Còn đối với các bệnh lý ác tính như bạch cầu cấp, suy tủ y, bệnh nhân sẽ có phác đồ điều trị riêng.

BS Phạm Hữu Luôn

 Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI