Bỗng dưng… mất tiếng sau khi khỏi COVID-19

06/12/2021 - 05:44

PNO - Bị rát họng, mất tiếng, không thể nói sau khi mắc bệnh có thể là tác dụng phụ nếu trong quá trình điều trị phải đặt ống nội khí quản hoặc mở khí quản kéo dài gây tổn thương họng.

* Chào bác sĩ, tôi bị COVID-19 nhưng đã xuất viện, kết quả âm tính. Tuy nhiên, tới nay, đã hơn một tháng, tôi vẫn chưa thể nói vì cổ họng rát. Tôi không ho, hiện ăn uống bình thường. Tôi đã mua thêm thuốc kháng sinh điều trị viêm họng nhưng không thấy tình trạng thuyên giảm. Liệu có cách nào để có thể khắc phục tình trạng này không, thưa bác sĩ? 

Nguyễn H.G. (Q.Đống Đa, TP.Hà Nội)

Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trả lời: Trước hết, chúc mừng bạn đã bình phục, vượt qua COVID-19. Liên quan tới tình trạng của bạn, bị rát họng, mất tiếng, không thể nói sau khi mắc bệnh, hiện các báo cáo trên thế giới cũng như tại Việt Nam chưa ghi nhận. Đây có thể là tác dụng phụ nếu trong quá trình điều trị bạn phải đặt ống nội khí quản hoặc mở khí quản kéo dài gây tổn thương họng. Nếu đúng là bạn có can thiệp đặt ống nội khí quản hoặc mở khí quản trong thời gian điều trị thì cần khoảng thời gian dài, có thể tới vài tháng hoặc cả năm thì mới có thể hồi phục hoàn toàn khả năng nói.

Nếu bạn không phải thực hiện những can thiệp trên thì hiện tại bạn nên súc họng bằng nước muối sinh lý ấm ít nhất hai lần mỗi ngày. Bạn có thể sử dụng một số bài thuốc dân gian như ngậm chanh, ngâm mật ong để giúp làm dịu họng. 

Bạn đọc có thể thông tin những vấn đề hậu COVID-19 
mình đang mắc phải qua Đường dây khẩn của báo: 
0966 18 27 27, 0913 15 93 15; hoặc gửi câu hỏi qua email: toasoan@baophunu.org.vn để được tư vấn.

Ngoài ra, khi các nguyên nhân chưa xác định được và tình trạng này còn tiếp diễn, bạn cần đến các cơ sở y tế để kiểm tra sâu hơn về nguyên nhân không nói được.

Với các bệnh nhân đã khỏi COVID-19, chúng tôi vẫn luôn khuyến cáo nên nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, lưu ý sử dụng thực phẩm giàu dinh dưỡng, bổ sung multivitamin, uống đủ nước. 

Huyền Anh (ghi)

Tại sao có trường hợp F0 phải trả viện phí?
* Tôi cứ tưởng chỉ cần có bảo hiểm y tế là khi mắc COVID-19 sẽ được điều trị miễn phí. Thế nhưng, rất nhiều trường hợp F0 tôi biết khi nhập viện điều trị thì không được miễn phí, có người phải trả từ vài chục triệu, có khi trả cả trăm triệu đồng. Tôi rất muốn biết phải thỏa điều kiện nào thì khi mắc COVID-19 mới được điều trị miễn phí?

Nguyễn Thị Kiều Thu (Q.Tân Phú, TPHCM)

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trả lời: Khoản 2 điều 48 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định: huy động phương tiện, thuốc, thiết bị y tế, giường bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và bố trí cán bộ y tế chuyên môn trực 24/24 giờ để sẵn sàng cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh phục vụ chống dịch. Người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí (quy định này áp dụng đối với cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam). COVID-19 được xếp vào mức độ bệnh truyền nhiễm nhóm A, do đó người mắc COVID-19 sẽ được khám và điều trị miễn phí hoàn toàn tất cả các bệnh lý liên quan đến COVID-19. 

Tuy nhiên, trong thời gian điều trị này, nếu bệnh nhân mắc những bệnh lý khác không phải COVID-19 thì người bệnh sẽ phải trả toàn bộ chi phí khám và điều trị theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành. Đối với những người có bảo hiểm y tế thì quỹ bảo hiểm y tế sẽ thanh toán theo quy định. Trong trường hợp bệnh nhân nghi ngờ bệnh viện thu sai có thể phản ánh về thanh tra Sở Y tế TP.HCM theo số điện thoại đường dây nóng 0967 77 10 10.

Thanh Huyền (ghi)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI