Bỗng dưng có gần 10 số điện thoại
Chị T.T.L (47 tuổi, ngụ TPHCM) cho biết, do chỉ ở nhà làm công việc nội trợ, ít giao lưu bên ngoài nên chị chỉ sử dụng một số điện thoại duy nhất đã kích hoạt cách đây 5 năm. Tuần trước, người cháu chị L. sang chơi, vô tình dùng điện thoại của chị tra cứu trên tổng đài 1414 thì phát hiện số Chứng minh nhân dân (CMND) của chị đang đăng ký tổng cộng 9 số điện thoại.
Chị L. lo lắng: “Tôi chỉ mua sim một lần duy nhất lúc sắm điện thoại cách đây đã 5 năm. Vậy mà thông tin trên tổng đài thể hiện tôi là chủ của 9 số điện thoại gồm các đầu số: 032, 034, 036, 037. Tôi không biết vì sao người ta lại có đầy đủ thông tin trên CMND của tôi để đăng ký sim. Cũng không hiểu sao nhà mạng lại để người ta dùng thông tin cá nhân của tôi đăng ký tràn lan như vậy. Nếu họ sử dụng số điện thoại đó vào hành vi phạm pháp, chắc chắn tôi sẽ gặp rắc rối”.
|
1 người dân bị dùng thông tin cá nhân đăng ký hàng chục số điện thoại. |
Tương tự, chị N.T.H. (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) cho biết, vừa hết giãn cách xã hội, việc đầu tiên chị làm là chạy ra cửa hàng giao dịch của nhà mạng để “xử lý” 3 số điện thoại sử dụng trộm thông tin cá nhân của mình để đăng ký.
“Hôm trước nghe cô bạn thân phàn nàn về việc bị lấy thông tin đăng ký nhiều sim rác, tôi soạn tin nhắn TTTB gửi 1414 để kiểm tra thử thì thấy mình cũng có 3 số điện thoại lạ. Sợ kẻ xấu lấy số điện thoại vay tiền, đăng ký ví điện tử… với mục đích xấu nên tôi phải ra cửa hàng giao dịch nhờ người ta thay đổi thông tin”, chị H. chia sẻ.
Mới đây, trên một diễn đàn Facebook có hàng trăm ngàn thành viên, anh H.V.M. đã chia sẻ về việc bỗng dưng làm chủ thêm 3 thuê bao di động của nhà mạng Viettel.
Lo lắng kẻ xấu sẽ dùng những số điện thoại trên vào mục đích không chính đáng, anh M. cảnh báo mọi người nên thường xuyên kiểm tra thường xuyên thông tin thuê bao của mình để tránh những hệ lụy đáng tiếc. Bên dưới dòng chia sẻ của anh M. hàng trăm người khác cũng vào “kêu trời” vì phát hiện mình là chủ của hàng loạt số điện thoại lạ.
Người dân phải tốn công tìm đến nhà mạng
Trao đổi với phóng viên, đại diện một cửa hàng Viettel ở quận 6, TPHCM cho biết, khi phát hiện bị dùng thông tin cá nhân để đăng ký số điện thoại lạ, khách hàng có thể mang giấy tờ tùy thân đến các cửa hàng của nhà mạng để yêu cầu hủy thông tin của mình trên số điện thoại của người khác. Khi gặp trường hợp này, nhà mạng sẽ xóa thông tin khách hàng trên thuê bao đó.
Được biết, theo yêu cầu của Nghị định 49/2017/NĐ-CP, thuê bao khi chưa đủ hồ sơ bao gồm: CMND, ảnh chân dung, sẽ cập nhật lại hồ sơ theo yêu cầu. Do đó, để giúp khách hàng xác minh thông tin của mình, nhà mạng đã hỗ trợ khách hàng rà soát lại thông tin qua hình thức nhắn “TTTB” gửi đến 1414.
Từ năm 2020 đến nay, thỉnh thoảng khi tra cứu, khách hàng lại phát hiện thông tin mình bị sử dụng để đăng ký nhiều số điện thoại. Khi rơi vào trường hợp này, người dân phải tự mình đến nhà mạng để yêu cầu sửa thông tin trên thuê bao, gặp không ít phiền hà.
|
Sim rác vẫn được rao bán công khai trên mạng. |
Anh N.H.H (ngụ TP. Hà Nội) cho biết, năm ngoái, khi phát hiện thông tin cá nhân mình đang được sử dụng đăng ký cho 2 số điện thoại lạ, anh đã liên hệ với Viettel Hà Nội để phản ánh. Sau đó, đơn vị này phản hồi rằng, việc này là do sơ suất của một điểm cung cấp dịch vụ chưa thực hiện đúng nghiệp vụ. Viettel Hà Nội đã xử phạt điểm cung cấp dịch vụ này và thay đổi thông tin trên 2 số thuê bao nói trên về “chính chủ”.
Cần chế tài nghiêm để tránh rủi ro cho người dân
Đầu năm 2021, Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt đã 7 đối tượng trong ổ nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao chuyên giả giấy tờ tùy thân, đăng ký số điện thoại để vay tiền. Thủ đoạn của các đối tượng này là đánh cắp thông tin: Họ và tên, địa chỉ, số CMND, số điện thoại của người khác.
Sau đó, các đối tượng này đã làm giả CMND theo các thông tin đã đánh cắp rồi dán ảnh của mình vào và đến các điểm cung cấp sim thẻ điện thoại của các nhà mạng như: Viettel, Vinaphone để báo mất sim, số và đề nghị được cấp lại sim số.
Sau khi đã đánh cắp được số điện thoại từ các nhà mạng, các đối tượng đã dùng CMND giả và số điện thoại vừa đánh cắp tiến hành làm hợp đồng vay tiền với hình thức “tín chấp” trên mạng xã hội rồi nhận tiền tại một bưu điện bất kỳ theo ủy nhiệm chi của bên cho vay. Bằng thủ đoạn này, các đối tượng đã mạo danh người vay tiền ở rất nhiều tỉnh, thành phố rồi chiếm đoạt.
Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn (chuyên gia tội phạm học) cho biết, các đối tượng tội phạm thường dùng thủ đoạn ẩn danh để che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Việc sử dụng thuê bao không chính chủ (hay còn gọi là sim “rác”) là một trong những thủ đoạn để tội phạm ẩn danh.
“Nếu chẳng may bị tội phạm sử dụng số điện thoại đăng ký tên mình vào mục đích xấu thì chắc chắn sẽ gặp phiền hà. Rõ ràng, thông tin chủ thuê bao đó là mình thì cơ quan chức năng sẽ tìm đến xác minh, làm rõ… Đó là chưa kể đến việc tội phạm công nghệ đang rất tinh vi, họ sẽ dùng thông tin cá nhân và số điện thoại đứng tên mình để làm được rất nhiều thứ, kể cả chiếm đoạt tài sản”, chuyên gia tội phạm học Đỗ Cảnh Thìn cảnh báo.
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TPHCM) cho hay, theo quy định tại Nghị định 15/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì hành vi sử dụng thông tin người khác đăng ký thuê bao điện thoại có thể sẽ bị phạt từ 10 tới 30 triệu đồng.
Cùng với đó, tại Nghị định 49/2017 có quy định các mức xử phạt nặng cho các hành vi vi phạm với từng chủ thể (doanh nghiệp viễn thông di động, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông di động, chủ thuê bao viễn thông di động). Trong đó, có hành vi cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân có thông tin thuê bao không đúng quy định.
Luật sư Trần Minh Hùng cho rằng: “Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông phải chịu trách nhiệm chính trong việc người dân bị lấy thông tin cá nhân đăng ký cho hàng loạt số thuê bao. Bởi, theo quy định pháp luật, đây là nghĩa vụ và trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông. Việc các doanh nghiệp viễn thông, nhà mạng vi phạm nhiều nhưng việc xử phạt theo tôi là chưa nghiệm, triệt để, công bằng và tuyệt đối nên chưa đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp này. Lợi nhuận họ thu lại lớn hơn số tiền bị phạt nên sự răn đe chưa cao. Theo tôi, cần có chế tài và xử phạt nghiêm khắc để ngăn chặn triệt để việc tự ý sử dụng thông tin cá nhân của người khác như thế này”.
Hoàng Lâm