Căng thẳng cũng… rụng tóc
Bước vào khu khám ở Bệnh viện (BV) Da Liễu TP.HCM, chị P.T.A.H. (32 tuổi, ở tỉnh Bình Dương) buồn xo khi da đầu lộ rõ từng mảng lớn. Nơi da đầu bị đỏ tấy, nổi mụn nước li ti. Chị kể, đợt tết vừa rồi chồng suốt ngày say xỉn. Mới sinh con, chị vừa chăm bé vừa làm đồ nhậu, dọn dẹp “chiến tích” của chồng.
Chị H. thở dài: “Hết chồng nhậu tới con khóc, vợ chồng cãi nhau, tôi stress đến mức không ăn uống, không ngủ được. Thấy tóc rụng cũng kệ vì nghĩ bình thường. Đến khi sấy tóc cảm thấy da đầu có vài chỗ bị rát mới phát hiện vùng đó không còn tóc”.
Các bác sĩ (BS) nhận định: cơ địa của chị H. nhạy cảm, ngoài stress, sức đề kháng giảm thì da đầu bị kích ứng, phỏng hóa chất từ chanh, củ hành do tự điều trị rụng tóc tại nhà, vì thời gian ủ dung dịch này quá lâu. Sau khi bôi thuốc ngoài da để điều trị lành hẳn, BS mới đánh giá vết thương và lên phương án phục hồi tóc cho chị.
|
Chị T. rụng tóc lộ da đầu vì căng thẳng kéo dài |
BS Trần Kim Phượng, Trưởng khoa Thẩm mỹ da BV Da Liễu TP.HCM, cảnh báo: ngoài yếu tố di truyền, nếu làm việc căng thẳng, mệt mỏi, ăn uống không đúng bữa, không đủ dinh dưỡng… sẽ làm quá trình rụng tóc sớm hơn, có người mới 20-30 tuổi đã bắt đầu có hiện tượng rụng tóc.
Như trường hợp chị N.A.T. (25 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM), lúc nhỏ được khen có mái tóc dày, không ngờ có một ngày phải đến BV cầu cứu với phần da đầu lộ rõ ra ngoài. Sáng 25/2, chờ đến lượt khám, chị T. ngồi nép vào góc khuất trước Khoa Khám bệnh, lấy tay giả vờ vuốt tóc khi cảm giác có ai đó nhìn mình.
Hai tuần trước tết, chị đã thấy tóc rụng nhiều hơn bình thường, nhất là khi gội đầu. “Soi gương, thấy phía sau gáy tóc rụng đến lộ da đầu, may tóc dài nên tôi ráng che phủ qua tết đi khám bệnh. Lúc chưa được BS chẩn đoán, tôi còn sợ bị ung thư mới rụng tóc”, chị T. nói. Chị được chẩn đoán rụng tóc do căng thẳng, lo lắng kéo dài.
Công việc nhiều, mỗi khi quá mệt, chị uống nước lọc và ăn bánh ngọt rồi đi ngủ. Sau khi trấn an, BS Phượng cho biết, chị chỉ cần nghỉ ngơi, giảm căng thẳng, ăn uống điều độ, bổ sung khoáng chất, kẽm, vitamin… và kết hợp thuốc xịt trên phần da đầu bị lộ để kích thích tóc mọc trở lại.
Chữa hói có dễ?
BS Trần Kim Phượng lý giải: một người bình thường có thể rụng 50-100 sợi tóc/ngày, đó là rụng tóc sinh lý. Nhưng khi tóc rụng nhiều hơn 100 sợi/ngày, xảy ra trong thời gian dài là rụng tóc bệnh lý. Dù là rụng tóc sinh lý hay bệnh lý, nếu rụng quá nhiều sẽ gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến sự tự tin của người bệnh. Bởi rụng tóc đồng nghĩa với nguy cơ hói đầu.
Nguyên nhân rụng tóc dẫn đến hói có thể di truyền từ ba, mẹ, hay rụng tóc do rối loạn nội tiết tố androgen, đặc biệt nam giới khi rụng tóc dễ hói đầu hơn phụ nữ. Bởi khi cơ thể nam giới tiết nhiều hoóc-môn androgen, khả năng tổng hợp protein của tóc giảm đi, làm tóc thay đổi tăng trưởng, từ đó rụng nhanh hơn.
Ước tính khoảng 50% nam giới trên 50 tuổi mắc bệnh lý này. Ban đầu, tóc rụng đối xứng ở hai bên thái dương, tóc mới mọc ra ít, sợi tóc mỏng hơn. Trong thời gian này, cánh đàn ông đôi khi không để ý, đến khi tóc rụng lan ra trán, có mảng hói trên đỉnh đầu mới nhận ra. Bệnh nhân nam thường dùng thuốc điều trị thời gian dài, có thể từ vài tháng đến vài năm để hạn chế tình trạng rụng tóc và kích thích mọc tóc trở lại.
Một số người bị rụng tóc do bị sẹo teo da gây bít chân tóc, nhưng dạng này ít phổ biến. Cũng có người rụng tóc do nấm tóc, viêm nang lông, bệnh lý toàn thân như bệnh tuyến giáp, thiếu máu hay sau một đợt nhiễm trùng nặng (có thể do nhiễm siêu vi, sốt rét, sốt xuất huyết, hoặc vừa trải qua đợt phẫu thuật).
Theo BS Phượng, rụng tóc cũng xảy ra ở phụ nữ sau sinh do bị thay đổi nội tiết tố, mãn kinh hoặc lo lắng căng thẳng, chế độ ăn thiếu protein, thiếu sắt… để bổ sung suốt thời gian mang nặng đẻ đau. Ngoài ra, khi người bệnh uống một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, bệnh tim mạch, thuốc ngừa thai… hoặc chăm sóc tóc không đúng cách, thường xuyên uốn, nhuộm tóc, duỗi tóc cũng gây rụng tóc.
Về điều trị, ở người bị rụng tóc do căng thẳng cấp tính, nấm da, sụt cân đột ngột, dinh dưỡng kém, sử dụng dầu gội hoặc thuốc nhuộm tóc không thích hợp, sẽ mọc lại tóc sau khi tình trạng sức khỏe được phục hồi.
Còn một số dạng bệnh rụng tóc có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật cấy tóc. Riêng rụng tóc do nội tiết tố androgen thì việc điều trị khó hơn do cơ chế bệnh phức tạp. Người bệnh phải kiên nhẫn dùng thuốc uống, thuốc bôi theo chỉ định của bác sĩ ít nhất sáu tháng.
Nếu kiên trì, người bệnh sẽ thấy tóc rụng chậm hơn, có tóc mới mọc lên, tuy nhiên, sợi tóc mới mọc mảnh và thưa hơn tóc trước đây. Nếu điều trị sớm, dưới 30 tuổi thì kết quả phục hồi cao hơn. Người bệnh cũng có thể cấy tóc tại vùng bị hói nhưng phương pháp này hơi tốn kém. Mặt khác, cấy tóc không phải là giải pháp ngăn rụng tóc. BS cần tìm ra nguyên nhân rụng tóc, kiểm soát yếu tố gây bệnh, mới có thể tính đến chuyện cấy tóc.
Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị hói một cách triệt để, mà chỉ có thể ức chế, làm chậm quá trình rụng tóc. Do đó, người bệnh cần đến BS, không mua các loại tinh dầu, thuốc bôi, uống, xịt điều trị rụng tóc, kích thích tóc mọc nhanh… bởi tình trạng rụng tóc của mỗi bệnh nhân không giống nhau.
|
Theo bác sĩ Phượng, một người khi thấy tóc rụng nhiều trong thời gian dài nên đi khám sớm để tìm nguyên nhân |
Tiến sĩ – bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội), cho biết: hiện có 2 kỹ thuật cấy tóc tự thân cơ bản là FUT (follicle unit transplantation) và FUE (follicle unit extraction). Mỗi kỹ thuật có ưu và nhược điểm khác nhau.
- Kỹ thuật cấy tóc FUT: dùng một mảnh da đầu vùng chẩm thường ở vùng nằm ngang phía sau tai nhằm dấu sẹo sau khi lấy tóc, sau đó từng nang tóc được tách ra để cấy vào vùng bị hói. Khoảng trống của mảnh da vừa cắt ra sẽ được khâu kín lại với kỹ thuật khâu đặc biệt không để hạn chế sẹo.
- Kỹ thuật cấy tóc FUE: là kỹ thuật lấy từng nang tóc ở vùng cho cũng thường lấy ở vùng chẩm, kỹ thuật này đòi hỏi sự khéo léo hơn để có thể lấy được nang tóc hoàn chỉnh mà không bị cắt ngang gốc nang tóc nhằm đảm bảo cho tóc cấy sống được. Việc lấy tóc có thể dùng thủ công bằng tay với các dụng cụ lấy tóc hoặc bằng robot. Việc lấy bằng robot sẽ làm giảm đi số nang tóc bị hỏng, tăng hiệu quả của cấy tóc. Phương pháp này ưu việt với FUT do thời gian nghỉ dưỡng ngắn hơn, thủ thuật đơn gian hơn, nhưng, sẹo để lại sau khi lấy các nang tóc cũng là vấn đề cần bàn luận.
Kỹ thuật cấy tóc tự thân là phương pháp điều trị cho những vùng da đầu không còn nang tóc, có hiệu quả về mặt thầm mỹ khá tốt. Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiến hành phương pháp kích thích nang tóc bằng sóng cao tần, mở ra cơ hội cho bệnh nhân rụng tóc hói, rụng tóc ở giai đoạn ngưng phát triển.
Tùy vào loại bệnh, thời gian điều trị kéo dài tối thiểu 3 tháng, kỹ thuật điều trị dựa trên nguyên lý tạo tổn thương rất nhỏ trên da đầu và tác động đến nang tóc bằng đầu kim 49 mũi kim có phát ra sóng RF kích thích nang tóc phát triển và kết hợp với chiếu ánh sáng và các dưỡng chất kích thích mọc tóc hoặc với huyết tương giầu tiểu cầu (PRP) để ngấm sâu vào nang tóc, kích thích nang tóc phát triển.
An Bình
|
Phạm An