Về quan điểm, CBGV quán triệt chính sách xã hội hóa giáo dục, đa dạng hóa loại hình trường học. Nhưng với Đề án “Trường Song ngữ Quốc tế Tây Ninh” tư thục hóa hai trường THPT Trần Đại Nghĩa và Thực nghiệm Giáo dục phổ thông tỉnh, chúng tôi khá bất ngờ.
Ngày 14/02/2015, Văn phòng UBND tỉnh có văn bản gởi Sở GD-ĐT thì chiều 19/3, Sở GD-ĐT có công văn triệu tập CBGV hai trường lấy phiếu thăm dò ý kiến. Việc làm quá gấp!
Lẽ ra, một vấn đề hệ trọng như vậy, cần phải có lộ trình, đúng như Nghị quyết 05/2005 của Chính phủ đã đánh giá: “Các lực lượng xã hội chưa được tổ chức và phối hợp tốt để chủ động, tích cực tham gia vào quá trình xã hội hoá”.
Một giáo viên góp ý tại buổi họp do Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh chủ trì về việc chuyển đổi 2 trường công lập sang tư thục. |
Tham dự hội nghị tại Sở GD-ĐT Tây Ninh có CBGV của hai trường. Sở GD-ĐT có ông Nguyễn Văn Phước, Trưởng phòng Thanh tra, ông Lê Văn Tự, Phó trưởng phòng KHTC và ông Bùi Anh Tuấn, Phó chánh Văn phòng sở.
Nhà đầu tư (Trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ, thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP. Hồ Chí Minh) có Tiến sĩ Trần Vinh Dự và 3 cán bộ, nhân viên cùng đi.
Hơn 100 CB-GV được nghe đại diện công ty trình bày đề án, nhưng mọi người chưa bằng lòng, vì phần trình bày đề án của Tiến sĩ Trần Vinh Dự quá ngắn gọn, chưa làm rõ trọng tâm về phương hướng phát triển một trường tư thục đa cấp, chưa đưa ra cụ thể trường tư thục nào của mình đã đầu tư.
Tìm hiểu, CBGV biết rằng, Trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ trực thuộc Sở LĐTBXH TP.HCM là đơn vị chuyên dạy nghề cho những học viên đã hết lớp 12, tình trạng của trường này như báo chí từng phản ánh khiến CBGV lại thêm e dè.
Điều hụt hẫng nữa là hội nghị thiếu vắng lãnh đạo Sở GD-ĐT để lắng nghe tâm tư và trao đổi những điều CBGV chưa rõ, như việc Sở đã hứa sẽ xây dựng hai truờng đạt chuẩn quốc gia (Báo Tây Ninh, 27/11/2013). Vậy mà nay Sở GDĐT lại trình UBND tỉnh chuyển hai trường sang tư thục (?).
Tiến sĩ Trần Vinh Dự đã trả lời thay cho UBND tỉnh Tây Ninh và ngành GD-ĐT tỉnh về vấn đề này, nhưng không thuyết phục, vì không đúng tiếng nói của cơ quan chức năng địa phương.
Cũng nên nhắc lại Công văn số 2970/BGDĐT-VP ngày 28/5/2010 của Bộ GĐT về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của các Sở GD-ĐT tại Hội nghị giao ban lần thứ hai năm học 2009-2010. Đề nghị của các sở là: “Bộ cần chỉ đạo các địa phương dành quỹ đất cho giáo dục …” Bộ trả lời: “Từ năm 2002-2009, Bộ GD-ĐT đã tham gia góp ý kiến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cho các tỉnh đến năm 2010 (trong đó có vùng Đông Nam Bộ) với nội dung: đề nghị các UBND tỉnh dành đủ diện tích đất để các trường đạt chuẩn quốc gia.
Các địa phương cần điều chỉnh quy hoạch đất đai dành quỹ đất ưu tiên cho việc xây dựng các cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao công lập và ngoài công lập”.
Quy định của Bộ GD-ĐT về chuyển đổi trường theo Thông tư số 11/2009 (chương II, điều 3): “Hình thức chuyển đổi, mục b) Trường hợp địa phương chưa có đủ trường công lập (NV) để đáp ứng yêu cầu phổ cập GDTH, THCS, UBND tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định chuyển trường TH, THCS bán công sang trường TH, THCS công lập”.
Với tinh thần của thông tư thì đề án tư thục hóa hai trường này lại không thể thực hiện được, vì mạng lưới trường công lập ở đây đã đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân mấy chục năm nay, hiệu quả giáo dục của hai trường đã thuyết phục được xã hội, được ngành GD-ĐT đánh giá cao.
Hằng năm, hai trường đều bảo đảm chỉ tiêu tuyển sinh các lớp đầu cấp, thậm chí Sở đã phải giảm chỉ tiêu để “chia sẻ” cho trường dân lập trong khu vực.
Điều quan tâm, phấn khởi với người làm công tác như tôi là trường đã thu hút một bộ phận khá lớn (30%) học sinh từ các vùng sâu, vùng xa về học, trong đó đa số các em thuộc gia đình thu nhập thấp, diện nghèo, rất hiếu học, thậm chí có em phải nương nhờ thầy cô, bạn bè, chùa, học bổng của các nhà tài trợ,… để có sức học tập.
Như một ý kiến phát biểu tại cuộc họp trên, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh có thể giao cho họ một quỹ đất khác, thuận lợi để Trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ phát huy tiềm năng của mình như họ đã trình bày trong đề án.
Chúng tôi nghi ngại: nếu hai trường được “chuyển, giao” tư thục, e rằng sẽ có nguy cơ học sinh bỏ học cao, vì các em thuộc gia đình có điều kiện kinh tế hạn chế, không “thích nghi” với loại hình trường tư thục với những khoản phí “tư thục” ở đây, hoặc số phận những học sinh và CBGV phải học tập và giảng dạy trong nỗi phập phồng vì kết quả truyển sinh èo uột, không đủ kinh phí chi trả lương và các hoạt động giáo dục.
CBGV của hai trường mong rằng đừng để Tây Ninh là bản sao như các trường tư thục ở TP.HCM hiện nay.
Nhiều thắc mắc từ xã hội rằng, tại sao nhà đầu tư lại gấp gáp chuyển hai trường sang tư thục, bắt đầu “tiếp quản” ngay từ năm học 2015-2016? Liệu có lợi ích nhóm ở đây? Phải chăng họ muốn “tay không bắt được giặc”? Vì cơ sở vật chất, đội ngũ, học sinh có sẵn, rồi thì cứ thâu tóm theo “kỹ thuật cuốn chiếu”.
HỒNG LÊ (Tây Ninh)