Bỗng dưng… bị điếc

17/05/2024 - 06:13

PNO - Ôm ước mơ sẽ trở thành ca sĩ trong tương lai, N.T.X. (Hà Nội) đã suy sụp khi bỗng dưng 1 bên tai bị điếc mà không rõ căn nguyên.

Tưởng nghe kém do trúng gió

Là sinh viên một trường nghệ thuật, N.T.X. (21 tuổi) mới đây bỗng dưng bị chóng mặt, nghe kém. Nghĩ mình bị trúng gió, X. đến hiệu thuốc gần nhà mua thuốc theo đơn kê của người bán để uống. Qua 10 ngày, tình trạng không thuyên giảm, thậm chí còn nghe kém hơn, X. mới đến Bệnh viện Bạch Mai.

Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Trần Hà Linh (Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: bệnh nhân vào viện trong tình trạng 1 bên tai đã hoàn toàn không nghe được.

Các bác sĩ đã kiểm tra, làm các xét nghiệm, sàng lọc nguy cơ gây ra nghe kém như u não, xuất huyết não, viêm nhiễm… và kết luận người bệnh mắc bệnh điếc đột ngột vô căn. Sau đó, dù được điều trị tích cực nhưng N.T.X. không thể phục hồi tình trạng điếc 1 bên tai.

Sau một buổi sáng tắm nước lạnh, anh H.P.T. (45 tuổi) bỗng dưng bị ù tai, không nghe được gì ở tai trái. Anh lập tức tìm tới các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để khám.

“Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được chẩn đoán điếc đột ngột tai trái nhưng do đến sớm, được điều trị kịp thời nên sau hơn 1 tuần, anh đã phục hồi lại thính lực và giao tiếp bình thường” - bác sĩ Trần Hà Linh chia sẻ.

Theo các bác sĩ, điếc đột ngột có thể xuất hiện ở 1 hoặc cả 2 bên tai, thường xảy ra ban đêm hoặc thời điểm thức dậy vào buổi sáng. Đây là cấp cứu nội khoa cần được bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Việc chẩn đoán bệnh dựa vào thính lực đồ có dạng nghe kém (tiếp nhận ≥ 30 dB) ở 3 tần số liên tiếp xảy ra trong 72 giờ. Cùng với dấu hiệu thường gặp là nghe kém, bệnh nhân còn có thể gặp những biểu hiện đi cùng như ù tai, chóng mặt… và các triệu chứng thần kinh như đau đầu, yếu tay chân…

Mỗi năm, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khoảng 50 ca nhập viện vì bệnh điếc đột ngột, đặc biệt là vào mùa đông. Tuy nhiên, năm nay, bước vào giai đoạn giao mùa, bác sĩ Trần Hà Linh cho hay, số bệnh nhân đang có chiều hướng gia tăng.

Một bệnh nhân đang được kiểm tra thính lực và nhĩ lượng tại Khoa Tai mũi họng  - Nguồn ảnh: Bệnh viện Bạch Mai
Một bệnh nhân đang được kiểm tra thính lực và nhĩ lượng tại Khoa Tai mũi họng - Nguồn ảnh: Bệnh viện Bạch Mai

Có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh nguy hiểm

Phần lớn nguyên nhân điếc đột ngột là vô căn, tức là không xác định được cụ thể nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Khi được chẩn đoán điếc đột ngột, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh nhập viện điều trị.

Liệu pháp chính để điều trị là sử dụng corticosteroids đường toàn thân và tiêm xuyên màng nhĩ trong 2 tuần kể từ khi có triệu chứng. Người bệnh sẽ được theo dõi hồi phục bằng đo thính lực trong 6 tháng. Nếu sức nghe không cải thiện hoặc cải thiện ít hoặc ù tai nhiều, bệnh nhân sẽ được tư vấn phục hồi sức nghe bằng máy trợ thính.

Tuy nhiên, bác sĩ Trần Hà Linh cảnh báo, nghe kém đột ngột cũng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng như đột quỵ não, u não… Theo các nghiên cứu, có khoảng 1 - 2% trường hợp u não có triệu chứng đầu tiên là nghe kém đột ngột.

Đó cũng là lý do với các bệnh nhân có biểu hiện nghe kém, các bác sĩ phải sàng lọc rất kỹ các yếu tố nguy cơ về điếc đột ngột. Chẳng hạn bệnh lý nhiễm trùng như viêm não, viêm màng não, lao, nhiễm vi rút Herpes, CMV…; bệnh lý mạch máu như tai biến mạch máu não, tăng huyết áp…; bệnh lý tự miễn như lupus, xơ cứng bì, basedow…

Ngoài ra còn phải sàng lọc chấn thương sọ não, chấn thương xương thái dương, sau mổ tai…; rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…; khối u như u não, tiền sử điều trị xạ trị, hóa chất… hay các bệnh có tiền sử dùng thuốc.

Bác sĩ Trần Hà Linh nhấn mạnh: khoảng 60% bệnh nhân điếc đột ngột có thể hồi phục được thính lực. Điều quan trọng là phải đến bệnh viện sớm nhất, trong thời gian vàng 72 giờ đầu tiên để đạt hiệu quả cao nhất.

Thời gian qua, nhiều trường hợp điếc đột ngột đến chữa trị trong tình trạng muộn, qua mất “giờ vàng” để cứu tai trong, dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Nếu không được điều trị, mất khả năng phục hồi, bệnh nhân sẽ mất khả năng định hướng âm thanh, giảm chất lượng cuộc sống và khả năng giao tiếp…

Hệ lụy nặng hơn, với trẻ em mắc phải căn bệnh này là giảm khả năng phát triển ngôn ngữ và trí tuệ. Trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng.

“Nếu người bệnh điếc đột ngột có các triệu chứng kèm theo như đau đầu, chóng mặt, yếu liệt nửa người… thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất” - bác sĩ Trần Hà Linh khuyến cáo.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI