“Mai vàng” mùa lũ
Thiên nhiên kỳ diệu luôn tạo ra những cuộc hẹn hò khiến người ta phải nhớ mong, chờ đợi. Khi những con nước đầu nguồn đổ về, ngập lênh láng ruộng đồng cũng là lúc màu vàng của điên điển bắt đầu khoe sắc. Cứ thế, sắc vàng ấy như báo hiệu mùa lũ về. Và khi những con nước đỏ ngầu cuồn cuộn chảy, lòng người lại bắt đầu ngóng trông những cánh hoa mỗi năm chỉ đến một mùa.
Bắt đầu từ tháng Sáu âm lịch trở đi, điên điển thay lá, mơn man những chùm xanh mướt. Để rồi bước sang tháng Bảy, khi con nước đổ về, hoa nở như đón chào những người bạn phương xa. Sắc vàng của điên điển tươi tắn, giúp cảnh vật miền Tây ngày lũ trở nên sinh động hơn, giữa màu đỏ ngầu của phù sa hay sắc xám mênh mang của những cơn mưa tầm tã, như gột rửa cả đất trời.
Điên điển thuộc họ đậu, vốn là cây mọc dại ở miền Tây. Bởi thế ở bất kỳ ngõ ngách nào cũng dễ bắt gặp chúng, từ bờ sông lớn đến đồng ruộng hay mé ao quanh nhà. Điên điển có lá đối xứng, nhỏ xíu, thân cây trưởng thành cao khoảng 4-5m. Mùa khô, thân cây khô cằn, gần như trụi lá nhưng khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu nhỏ hạt cũng là lúc điên điển “hồi sinh”.
Thân cây mỏng manh, cứ ngỡ sẽ bị quật ngã sau đôi ba trận mưa đầu mùa nhưng nào dễ. Điên điển vẫn cứ ở đó, bám đất, bám bờ dẻo dai, như chính người miền Tây qua bao mùa mưa lũ. Những cành cây oằn mình trong gió giữa mênh mông đồng nước lại mang đến một chút buồn man mác trong một chiều quê yên bình.
Hoa điên điển mọc thành chùm, dài bằng ngón tay với những cánh hoa mỏng manh, chỉ một cơn gió nhẹ cũng đủ lay hoa rụng. Sau mỗi trận mưa, điên điển lại rời cành, trôi theo dòng nước chảy xiết, mà điểm đến là nơi đâu, chúng cũng không tường.
Người lạ gọi điên điển là đặc sản của miền Tây nhưng người miền Tây lại không quen với mỹ từ như thế. Đời ông bà, cha mẹ chúng tôi vẫn thường gọi điên điển là cây cứu đói bởi những năm lụt nặng, điên điển góp vào mâm cơm đạm bạc để người no lòng. Còn sang hơn nữa, điên điển được ví như mai vàng mùa nước lũ, báo hiệu một mùa chỉ dành riêng cho người miền Tây.
Trong đắng có ngọt
Điên điển mang trong mình vị đắng nhẹ mà người miền Tây quen gọi là vị nhân nhẩn. Thế nhưng sau vị đắng này lại là vị ngọt khiến ai ăn một lần cũng dễ mê mẩn. Để cảm nhận được hết vị ngon của điên điển, bạn cần thu hoạch đúng lúc. Khi mặt trời lên, bông sẽ nở và mất đi độ giòn, vị ngọt thơm.
Vào mùa, cứ tờ mờ sáng, người dân quê sẽ lại bận rộn. Chỉ cần một chiếc đèn soi trên đầu và rổ, giỏ là có thể “ra trận”. Trời còn tờ mờ sương, những đôi tay thoăn thoắt mà vẫn nhẹ nhàng để từng chùm hoa còn được nguyên vẹn.
Điên điển làm món gì ăn cũng ngon. Đơn giản nhất, điên điển được dùng với những loại rau đồng như bông súng, rau muống để ăn kèm cá kho, cá nướng trui hay mắm kho nồng đượm. Trên mâm rau đồng, sắc vàng của điên điển nổi bật. Còn cầu kỳ hơn, điên điển cũng có thể chế biến thành nhiều món ngon, mà hễ tới mùa nước nổi là dân miền Tây lại được đã thèm.
Có mớ tép đồng tươi rói, mang luộc sơ. Điên điển rửa sạch rồi trộn với giấm đường, nước mắm đồng thơm lựng, nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi cho thêm ít rau răm, đổ tép vào cho thấm đều. Món này ăn kèm chút nước mắm chua ngọt là ấm lòng trong một chiều mưa tầm tã.
Cũng mớ tép đồng, điên điển, mang đi đổ bánh xèo cũng ấm lòng. Tép được xào sơ với chút gia vị cho thấm, lên màu đỏ au đẹp mắt. Điên điển được trộn cùng giá, hẹ để tăng thêm độ ngon ngọt của món ăn miền thôn dã. Khi bột bánh vừa cứng lại, cho tép vào, rồi cho tiếp điên điển và rau vào. Khi da bánh giòn, tróc, rau tép chín nhưng vẫn giữ được độ tươi là đạt chuẩn. Bánh xèo được dọn cùng nước mắm chua ngọt và dĩa rau đủ loại. Mùi của điên điển hòa cùng vị hăng của nghệ, vị ngọt của tép, vị béo của nước cốt dừa khiến bụng cứ réo liên hồi.
Mùa điên điển cũng là mùa hội của cá linh - một đặc sản khác của miền Tây khi mùa lũ về. Rau nấu canh ngoài điên điển còn có bạc hà, rau muống đồng, bông súng, cà chua, giá... tùy thích. Dĩ nhiên, đừng quên mớ rau mùi và chút ớt sừng cay cho món ăn thêm đậm đà. Điên điển được cho vào sau cùng, vừa chín tới là múc ra tô. Lúc này, bông vẫn còn giữ được độ ngon thuần chất. Gắp một đũa cùng cá linh béo ngậy đầu mùa, chấm cùng chút nước mắm dầm ớt thì có lẽ không còn gì hơn.
Nồi canh chua bốc khói nghi ngút cùng chén cơm nóng, ơ kho quẹt tóp mỡ vào một chiều mưa khi nước lên đầy đồng có lẽ là ký ức khó quên của nhiều người ra đi từ chốn miền quê sông nước. Nhưng cũng đừng quên: “Canh chua điên điển cá linh/ Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon” bởi có đâu bằng vị quê nhà, vị của tình thân.
Ngày trước, điên điển nhiều ăn không hết, người ta đem muối chua để dành. Món này coi vậy mà ăn quanh năm được, chấm cá kho cũng ngon mà ăn kèm món mặn thay cho dưa chua cũng rất ổn. Còn tô bún cá có thơm đến mấy mà thiếu điên điển thì vị ngon cũng giảm đôi phần. Dường như đã có một sự mặc định rằng, điên điển là vậy, nhỏ thôi nhưng rất lớn trong tim mỗi người.
Dâng hết cho đời
Từ thời xa xưa, điên điển không chỉ dùng để ăn, mà còn để cải tạo đất vì rễ cây có nhiều nốt sần có lợi. Người ta thường trồng điên điển dọc bờ ao, mé ruộng. Đến hết đời, điên điển lại hóa tro cũng để làm tươi tốt cho mảnh đất nơi nó từng thuộc về. Rồi giữa chốn đồng không mông quạnh, mấy cành điên điển khô lại cho ra một bếp lửa hồng để nướng vội đôi con cá, vài con ốc hay cái trứng vịt chạy đồng còn sót lại.
Mỗi mùa nước về, chợ quê tràn ngập sắc vàng của điên điển, như mời gọi. Điên điển ngày xưa là món ăn của dân nghèo nhưng nay đã được phong lên hàng đặc sản của miền Tây, nức tiếng gần xa.
Điên điển mỏng manh, nhẹ nhàng đi vào thơ ca, mà chủ yếu cũng là những nhung nhớ về miền Tây mùa nước nổi, khiến người đi xa lại càng nhớ, càng thương. Trong sắc vàng rực ấy, đầu tôi bỗng tua lại mấy giai điệu quen thuộc: “Miền Tây xanh sắc mây trời, phù sa nước nổi người ơi đừng về. Với màu điên điển say mê, vàng trong ánh mắt vỗ về gót chân. Trót thương tình nghĩa vợ chồng, nên bông điên điển nở cho lòng vấn vương. Tình thương em khó mà lường”. Còn gì đẹp bằng một chiều vàng, vàng điên điển, vàng cả những nhớ thương!
Bài và ảnh: Thành Lâm