Từng nghe về hệ thống giáo dục tiên tiến tại quốc đảo Đông Nam Á, Primalia bày tỏ: “Singapore sở hữu hàng loạt địa chỉ giảng dạy chất lượng, và vào một trường lớn, ngoài tiếp thu kiến thức, tôi tin mình sẽ có thêm những trải nghiệm bổ ích”. Thế nhưng, cô sớm nhận ra góc khuất khó lường đằng sau vẻ hào nhoáng của ngôi trường.
Vừa ổn định chỗ ở, Primalia, khi ấy 24 tuổi, nhận được vô số tin nhắn từ những nữ sinh trong cùng khu kí túc xá, khuyên cô nên cảnh giác với hành vi sờ soạng khiếm nhã, thậm chí quấy rối từ sinh viên nam. “Tôi đã nghĩ, mình đang ở Singapore, một quốc gia rất an toàn. Vì sao tôi lại có cảm giác bị đe dọa?”, Primalia nói.
|
Bên trong môi trường giáo dục cấp cao ở Singapore, thực trạng quấy rối, đặc biệt nhắm vào sinh viên nữ, đang trở thành mối lo thường xuyên hơn cả COVID-19 - Ảnh: SCMP |
Nạn quấy rối tình dục bị xem nhẹ
Chuỗi trường đại học chính quy hàng đầu Singapore đang thể hiện động thái phòng chống dịch COVID-19 nghiêm túc, bằng cách thực thi quy trình kiểm tra sức khỏe gắt gao - liên tục nhằm ngăn chặn mọi nguy cơ lây nhiễm trong môi trường giảng dạy.
Dẫu vậy, đối với không ít sinh viên, một “dịch bệnh” nguy hại khác hiện vẫn âm thầm lây lan quanh khu vực lớp học và kí túc xá: nạn xâm hại tình dục, mà số đông nạn nhân là phụ nữ.
|
“Trường đại học sẵn sàng làm mọi cách để kìm hãm làn sóng dịch bệnh. Tôi tự hỏi vì sao họ không cố gắng xử lý quyết liệt như thế đối với nạn quấy rối, vốn dĩ đã gây bức xúc lâu nay?” - Ảnh: NewYorkTimes |
Nỗ lực đối phó đại dịch toàn cầu bên trong những trường đại học Singapore gần đây đã được tờ báo uy tín New York Times ghi nhận. Thế nhưng, có vẻ như quấy rối tình dục đang là chủ đề nhạy cảm không kém vốn sinh viên cảm thấy môi trường giáo dục địa phương chưa quan tâm đúng mức.
“'Đại dịch' thật sự đang gây hại đến trường đại học ở đây là nạn quấy rối”, dưới bài viết đăng tải trên New York Times, một nữ sinh người Singapore để lại bình luận.
Một sinh viên khác đồng tình: “Chúng tôi không đùa đâu - đã có một loạt vụ xâm hại (được báo cáo) xuất hiện ở môi trường đào tạo đại học tại Singapore, liên quan đến sinh viên lẫn giáo viên. Nhưng họ thường phạt ‘nhẹ tay’ nếu bạn có bảng điểm cao”.
Một khảo sát xã hội do báo Vice (Mỹ) thực hiện mới đây, phỏng vấn nhiều sinh viên, cựu sinh viên, giáo viên, nhân viên trong môi trường giáo dục bậc cao ở Singapore, xác nhận sự tồn tại của một vấn đề cấp bách: Rất nhiều sinh viên nữ tại đây đang có chung nỗi lo về quấy rối tình dục.
Nurul Asyikin, sinh viên năm cuối chuyên ngành chính sách cộng đồng tại Đại học Kỹ thuật Nanyang (NTU), thừa nhận, cô luôn tránh sống tại khu kí túc xá. “Tôi nghe nói về không ít vụ ‘tai nạn’, theo đó, nữ sinh bị bạn nam sờ mó hoặc nhìn trộm. Dù đã trình bày sự việc với phía quản lý, chúng tôi thường bị lờ đi”.
“Kí túc xá nên là không gian an toàn cho nữ sinh, nhưng tôi để ý rằng, số vụ xâm hại phụ nữ có chiều hướng tăng cùng với sự xuất hiện của dịch COVID-19”, Asyikin, 23 tuổi, thừa nhận cảm thấy “vô cùng chán nản” trước thực trạng này.
“Trường đại học sẵn sàng làm mọi cách, áp dụng đa dạng phương thức để kìm hãm làn sóng dịch bệnh. Tôi tự hỏi vì sao họ không cố gắng xử lý quyết liệt như thế đối với nạn quấy rối, vốn dĩ đã gây bức xúc lâu nay?”, cô nhấn mạnh.
|
Daryl Yang, cựu sinh viên luật tại NUS cho rằng, “xâm hại tình dục đang là vấn đề độc hại, gây bức xúc bấy lâu” tại ngôi trường nổi tiếng - Ảnh: StraitsTimes |
Sự kỳ thị giới tính là nguyên nhân
Đại học Quốc gia Singapore (NUS) - địa chỉ giáo dục cấp cao uy tín hàng đầu “Đảo quốc Sư tử”, đồng thời được đánh giá là một trong những trường đại học tốt nhất thế giới. Thế nhưng, Daryl Yang - một cựu sinh viên của trường, xác nhận: “tình trạng quấy rối tình dục có xu hướng tăng thêm” trong những năm anh theo học.
“Trước vấn đề như sức khỏe tâm lý và tội ác xâm hại tình dục, phía trường đại học thường không nhìn nhận thật sự nghiêm túc”, Yang nói.
Theo quan sát từ Yang, con số vụ quấy rối phụ nữ bất ngờ tăng cao vào khoảng năm 2016-2020. Cựu sinh viên vừa tốt nghiệp ngành luật tại NUS nói thêm: “Nhưng có ít trường hợp được chính thức tiếp nhận. Đa phần phải trải qua tiến trình điều tra rườm rà. Mặt khác, nạn nhân luôn lo sợ bị phân biệt đối xử hay kỳ thị”.
Truyền thông địa phương ghi nhận, rất nhiều báo cáo, phàn nàn của sinh viên về quấy rối tình dục phản ánh qua hành vi “đùa cợt, đụng chạm khiếm nhã”. Một số vụ nghiêm trọng hơn, gây phẫn nộ gần đây, liên quan đến việc nạn nhân bị quay lén ở nơi công cộng.
|
Monica Baey công khai lên tiếng về việc bị quấy rối, sau khi chứng kiến thái độ xử lý thờ ơ từ phía quản lý trường đại học- Ảnh: SCMP |
Monica Baey là sinh viên nữ đầu tiên ở Singapore dũng cảm lên tiếng khi bị quấy rối tình dục năm 2018. Một kẻ lạ mặt đã lén lút ghi hình khoảnh khắc cô đang tắm tại kí túc xá NUS. Sau khi truy tìm và nhận ra người quay phim là một nam sinh cùng khóa, Baey đến văn phòng quản lý báo cáo sự việc nhưng không được giúp đỡ.
Tức giận vì thái độ thờ ơ từ phía nhà trường, cô đến cảnh sát trình báo. Baey đồng thời chia sẻ trải nghiệm này trên trang mạng cá nhân, kêu gọi nhiều nữ sinh cảnh giác hơn. Bài đăng sau đó nhận về hàng ngàn lượt chia sẻ.
Nỗ lực đấu tranh của Baey, vốn được hỗ trợ bởi hội đồng sinh viên lẫn một số nhóm hoạt động xã hội vì quyền phụ nữ tại Singapore, đã thúc ép NUS tổ chức một cuộc họp khẩn. Theo đó, nhà trường công khai xin lỗi Baey, hứa sẽ cải thiện an ninh trong khu vực kí túc xá, cũng như siết chặt hơn quy định xử phạt hành vi quấy rối.
Tuy nhiên, nhiều sinh viên cùng nhân viên NUS tham dự cuộc gặp công khai không hài lòng trước cách trường đại học tiếp cận vấn đề. Trả lời phỏng vấn tờ Straits Times, một người tỏ rõ sự thất vọng: “Cách họ giải đáp thắc mắc cho sinh viên thật sự chưa thỏa đáng. Và càng vào sâu cuộc họp, có vẻ như họ càng không muốn nghiêm túc lắng nghe chúng tôi”.
Bên cạnh đó, một nhân viên làm việc tại NUS tin rằng, nâng mức xử phạt “không thật sự làm giảm thực trạng quấy rối”. Vị này lý giải, “Số vụ xâm hại còn đang chất chồng, chứng tỏ biện pháp ấy không hiệu quả. Những nạn nhân cũng chưa nhận được trợ giúp đúng nghĩa”.
Tháng 7/2020, vụ việc Yin Zi Qin hành hung tàn nhẫn bạn gái khiến cô bất tỉnh từng gây phẫn nộ trong dư luận Singapore, vì mức án phạt cho nam sinh chuyên ngành nha khoa có “tiềm năng học vị cao” được đánh giá là quá nhẹ - với 2 tuần giam giữ và 80 giờ lao động công ích.
Eugene Tan, giáo sư ngành luật ở Đại học Quản trị Singapore (SMU), chia sẻ: “Những giáo viên, nhân viên tại trường như chúng tôi rất cảm thông trước nỗi bức xúc của sinh viên. Tôi nghĩ để thật sự cải thiện mọi việc, cần bắt đầu điều chỉnh lại nhận thức chung nơi xã hội Singapore về vị thế của phụ nữ. Vấn đề đã ám ảnh từ lâu, khơi nguồn cho thực trạng xâm hại là sự kỳ thị giới tính và tư duy gia trưởng”.
Như Ý (theo Vice)