Bóng đen bạo lực lại bao trùm chính trường Mỹ

15/07/2024 - 06:40

PNO - Một loạt đạn đã sượt qua tai cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc vận động ở bang Pennsylvania vào tối 13/7 (giờ Mỹ), khiến 1 người ủng hộ thiệt mạng và 2 người khác bị thương nặng. Bức tranh về an ninh và an toàn trong nền chính trị Mỹ - vốn được xây dựng qua nhiều thập niên - đã sứt mẻ đáng kể.

Gợi lại ký ức về bạo lực chính trị

Một mùa vận động tranh cử tổng thống vốn tràn ngập những lời đe dọa và lăng mạ, tiếp tục bị vấy bẩn bởi bạo lực chết người trong chương đen tối mới nhất ở một nước Mỹ phân cực. Cựu Tổng thống Trump bị thương trong một vụ nổ súng tại cuộc vận động tranh cử ở TP Butler, bang Pennsylvania. Vụ tấn công dường như đã đem lại ký ức về những cuộc đua tổng thống gay gắt cũng như nỗ lực nhằm ám sát các ứng cử viên trong quá khứ, trong số đó có Theodore Roosevelt và Gerald R. Ford.

Cựu Tổng thống Donald Trump giơ cao nắm đấm khi ông được sơ tán khỏi sân khấu  sau vụ nổ súng tại cuộc vận động tranh cử ở bang Pennsylvania ngày 13/7 - Nguồn ảnh: AP
Cựu Tổng thống Donald Trump giơ cao nắm đấm khi ông được sơ tán khỏi sân khấu sau vụ nổ súng tại cuộc vận động tranh cử ở bang Pennsylvania ngày 13/7 - Nguồn ảnh: AP

Đoạn phim về sự kiện cho thấy ông Trump che lấy tai phải của mình và gục xuống sau khi tiếng súng vang lên. Dù vậy sau đó, ông nhanh chóng đứng dậy giữa vòng bảo vệ của các nhân viên mật vụ, vung nắm đấm lên trời và hô vang “Chiến đấu! Chiến đấu! Chiến đấu” giữa lúc máu tiếp tục rỉ ra từ vết thương bên đầu.

Ngay sau khi ông Trump được lực lượng an ninh sơ tán khỏi sân khấu, cơ quan chức năng cho biết ông “ổn” và đang được kiểm tra tại một cơ sở y tế gần đó, tay súng không rõ danh tính đã bị tiêu diệt. Các nhà lãnh đạo chính trị từ khắp nơi trên thế giới đã lên án vụ tấn công. Đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ sự nhẹ nhõm khi biết ông Trump vẫn an toàn đồng thời nói thêm: “Tôi cầu nguyện cho ông ấy và gia đình, cũng như cho tất cả những người có mặt tại cuộc vận động”.

Lịch sử bạo lực trong những chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ đã kéo dài hơn 100 năm. Vụ tấn công đáng chú ý nhất có lẽ là vụ ám sát Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy năm 1968, khi ông là ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử sơ bộ tổng thống của Đảng Dân chủ. Vụ nổ súng tại khách sạn Ambassador ở Los Angeles là một thời điểm quyết định của nước Mỹ.

Mặc dù đã hơn 40 năm kể từ khi một tổng thống hoặc ứng cử viên tổng thống bị ám sát, lịch sử xứ cờ hoa gần đây phải chứng kiến nhiều vụ bạo lực chính trị. Cụ thể là vụ nổ súng làm Hạ nghị sĩ Steve Scalise từ bang Louisiana bị thương nặng trong buổi tập luyện thi đấu bóng chày của quốc hội vào năm 2017, vụ tấn công bằng búa nhắm vào chồng của cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tại nhà riêng ở San Francisco vào năm 2022 và vụ bạo loạn ngày 6/1 năm 2021 tại điện Capitol, thủ đô Washington. Allan Lichtman - giáo sư lịch sử tại Đại học Mỹ (thủ đô Washington) - cho biết: “Thật không may, bạo lực chính trị là một thực tế của thời đại chúng ta”.

Nhiều cử tri ủng hộ bạo lực

Một cuộc khảo sát được thực hiện vào cuối tháng Sáu từ Đại học Chicago cho thấy hiện có nhiều người ủng hộ bạo lực chống lại ứng viên Donald Trump (10% người Mỹ trưởng thành, tương đương 26 triệu người), so với những người ủng hộ bạo lực nhưng ủng hộ ông Trump (6,9%, hay 18 triệu người). Trong số 26 triệu người Mỹ trưởng thành ủng hộ bạo lực nhằm ngăn ông Trump giành lại chức tổng thống, hơn 30% người có sở hữu súng và gần 80% có quyền truy cập vào các công cụ tổ chức trên internet. Robert Pape - giáo sư tại Đại học Chicago, người chỉ đạo dự án Chicago về an ninh và các mối đe dọa - nhận xét trong một cuộc phỏng vấn trước vụ việc ngày 13/7: “Có nhiều nguy cơ bạo lực chống lại ông Trump hơn là ủng hộ ông ấy”.

Theo khảo sát, nguyên nhân cơ bản của việc ủng hộ bạo lực ở cả 2 cánh tả - hữu đều xuất phát từ sự không tin tưởng vào cơ chế và niềm tin vào các thuyết âm mưu. Ở cả 2 phía, những người ủng hộ bạo lực chủ yếu là người Mỹ thành thị. Cuộc khảo sát cũng cho thấy: 58,6% người Mỹ trưởng thành đồng ý rằng ở nước Mỹ ngày nay, các cuộc bầu cử sẽ không giải quyết được các vấn đề chính trị và xã hội cơ bản nhất của đất nước. Vào tháng 10/2023, Chương trình nghiên cứu phòng chống bạo lực tại Đại học California - Davis đã công bố báo cáo cho thấy gần 8% số người được hỏi cho biết, họ tin rằng trong vài năm tới sẽ xảy ra một tình huống bạo lực chính trị và có ý định tự vệ bằng cách trang bị vũ khí.

Tấn Vĩ (theo Los Angeles Times, New York Times, The Guardian, BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI