edf40wrjww2tblPage:Content
Thành phố những ngày này tiễn đưa nhiều người bạn lớn của mình về chốn vĩnh hằng. Những con người đi qua một thời đạn lửa, tranh đấu kiên cường, bất khuất, nay đã nằm xuống yên nghỉ trong sự thương tiếc của người dân. Mới hôm qua đây thôi, ngày 21/8/2014, nhà văn Anh Đức qua đời. Người vừa khuất tiếp theo là bà Võ Thị Thắng, mất ngày 22/8/2014. Họ đã đi, nhưng trang sách, nụ cười vẫn còn lại. Càng lùi xa những tháng ngày gian nan máu lửa của cuộc chiến tranh, càng thấy trong bóng dáng của thế hệ cha anh sự phi thường.
Chị Võ Thị Thắng và nhà văn Anh Đức
Khí phách hồng nhan
Người phụ nữ trong bức ảnh có tên “nụ cười chiến thắng” không hề biết bức ảnh đã nổi tiếng khắp thế giới như một biểu tượng của tinh thần kiên cường bất khuất và niềm tin tuyệt đối vào cuộc đấu tranh của dân tộc mình. Khi một phóng viên người Nhật chụp bức ảnh trong phiên tòa đó, cô gái trong bức ảnh đang độ tuổi 20 và mới bị tuyên án 20 năm tù khổ sai. Những ngày tháng sau đó, bức ảnh và câu nói nổi tiếng của chị bay đi, ngập tràn trên các kênh báo chí quốc tế, nhưng người con gái trong bức ảnh ấy, chủ nhân của câu hỏi nổi tiếng ấy, bị vùi vào ngục tối, bị đày đọa, giam cầm, tra tấn hết nhà lao này đến nhà lao khác.
Mãi cho đến ngày trở về từ ngục tù, chị mới nhìn thấy mình trong bức ảnh ấy. Cô nữ sinh Gia Long trong chiếc áo tù đen và nụ cười tỏa sáng niềm tin tất thắng đã trở thành một biểu tượng. Cái ánh bình thản, kiên trung trong đôi mắt không hề thay đổi, kể cả rất nhiều năm sau đó, trong cuộc sống, trong công việc, giữa thời bình.
NSND Trà Giang trong phim Chị Tư Hậu chuyển thể từ tác phẩm Một chuyện chép ở bệnh viện của nhà văn Anh Đức
Một người phụ nữ đẹp khác, không thể quên, là chị Sứ của Hòn Đất, của nhà văn Anh Đức, nhân vật văn học được xây dựng từ nguyên mẫu nữ liệt sĩ Phan Thị Ràng. Khi cuốn sách ra đời, chị đã hy sinh. Chị không bao giờ biết hình ảnh mình đã trở thành một biểu trưng cho vẻ đẹp của người phụ nữ miền Nam dịu dàng nhưng kiên trung bất khuất.
Ngôn ngữ văn chương đã thay cho ống kính máy ảnh ghi lại nhan sắc ấy, tâm hồn ấy. Cũng bởi vậy mà nhan sắc ấy lung linh hơn, gần gũi hơn trong cảm nhận của những thế hệ sau này. Đã từng có một chị Sứ của văn chương, một chị Sứ của điện ảnh, nhưng còn bao nhiêu mường tượng, ngưỡng mộ khác nữa trong lòng người, mãi đến hôm nay khi vào thăm phần mộ nữ liệt sĩ Phan Thị Ràng, nhìn bức chân dung người phụ nữ đẹp dịu dàng mà kiên nghị ấy, nhiều người vẫn ngẩn ngơ.
Nghịch lý là chiến tranh, tù đày, tra tấn, chết chóc… đã trở nên khó quên, đã lay động trái tim hàng triệu con người, đã được hình dung một cách thực tế nhất, khốc liệt nhất qua nét đẹp của những người phụ nữ. Vũ khí của họ là nụ cười thanh xuân, là suối tóc dày dài đến tận gót chân, là tấm lòng sẵn sàng hy sinh, là nỗi niềm chung riêng nhuần nhị sâu thẳm. Ẩn sâu trong vẻ mong manh của nhan sắc là một khí phách phi thường, cái khí phách làm nên sức mạnh không thể khuất phục của người phụ nữ Việt Nam.
Chị Võ Thị Thắng và liệt sĩ Phan Thị Ràng
Các chị đã giữ cho thế hệ sinh sau đẻ muộn chúng tôi một nền tảng vững bền của vẻ đẹp người phụ nữ Việt. Không son phấn, không kỹ xảo lăng xê, giữa bạo tàn, hay thậm chí ngay trong cái chết, niềm tin kiên định và sự vững vàng của nhân cách đã tỏa sáng, đẹp lung linh trên gương mặt, trên dáng hình các chị. Nét kiêu hãnh toát lên từ lòng hy sinh của người phụ nữ Việt Nam đã trở thành biểu trưng vô giá.
Và người vẽ chân dung
Các chị đã giữ cho thế hệ sinh sau đẻ muộn chúng tôi một nền tảng vững bền của vẻ đẹp người phụ nữ Việt. Không son phấn, không kỹ xảo lăng xê, giữa bạo tàn, hay thậm chí ngay trong cái chết, niềm tin kiên định và sự vững vàng của nhân cách đã tỏa ánh sáng ngời ngợi, đẹp lung linh trên gương mặt, trên dáng hình các chị. Nét kiêu hãnh toát lên từ lòng hy sinh của người phụ nữ Việt Nam đã trở thành biểu trưng vô giá. |
Mãi đến khi ông mất, đọc những dòng tin, tôi mới biết mình sống cùng thành phố với những tên tuổi gần như huyền thoại. Tôi chưa có dịp nào được gặp, đến thăm hay chỉ nhìn thấy từ xa nhà văn Anh Đức, nhưng tuổi thơ tôi và biết bao bạn bè đã viết những trang văn học trò đầy cảm xúc về chị Tư Hậu, về chị Sứ, về ông lão vườn chim… những nhân vật bước ra từ trong sách của ông.
Những trang viết của một thời nhưng không bao giờ chỉ nằm lại ở một thời, chất liệu sống từ những trang viết ấy, sức lay động mãnh liệt của những nhân vật từ cuộc chiến tranh đã đi thẳng vào cảm nhận của tuổi trẻ nhiều thế hệ, đã dạy chúng tôi những bài học về vẻ đẹp của tâm hồn con người. Mãi sau này, khi internet phát triển, được nhìn những bức chân dung của nguyên mẫu nhân vật, tôi mới biết rằng các chị đẹp lắm, mới hiểu rằng có lẽ người cầm bút đã cố gắng vẽ một chân dung tâm hồn xứng đáng để bất tử hóa cái vẻ đẹp mong manh của nhan sắc người phụ nữ, nhất là giữa bão tố chiến tranh.
Anh Đức là nhà văn có duyên với hình tượng nhân vật người phụ nữ. Hai tác phẩm của ông: bút ký Một chuyện chép ở bệnh viện, được lấy làm kịch bản cho phim truyện Chị Tư Hậu; tiểu thuyết Hòn Đất - tác phẩm đã mang về cho ông Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu cũng là kịch bản cho phim truyện Hòn Đất. Những người phụ nữ trong tác phẩm của ông cũng là những nguyên mẫu có thật ở ngoài đời. Khi đi vào tác phẩm, cái vẻ đẹp đằm thắm dịu dàng nữ tính của các chị đã vượt lên trên cái tàn bạo của cuộc chiến tranh. Cái chết không bị lảng tránh, nỗi đau thương không bị miêu tả nhẹ đi, mà trở nên sâu sắc hơn, khắc khoải hơn nhiều qua vẻ đẹp của người phụ nữ. Có yêu mến, nâng niu vẻ đẹp ấy rất nhiều, có xót xa rất nhiều, mới vẽ được chân dung nhân vật mình tinh tế đến thế, ngay trong những tháng ngày gấp rút, sinh tử của chiến tranh.
Nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa dẫn đầu đoàn cựu tù Côn Đảo đến viếng chị Võ Thị Thắng
Nay thì con người ấy đã ra đi, chỉ những trang sách - tâm hồn của ông, là còn lại. “Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác. Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi…” - một phần của Anh Đức đã được gửi trong những nhân vật của ông, đang được truyền lưu trong những tháng ngày hiện tại.
Cuộc chia ly không tàn vào quên lãng sau khi những vòng hoa đặt xong trên mộ chí. Xin vĩnh biệt những con người của một thời. Bóng dáng của các anh các chị đã đi vào lịch sử, đi vào tâm hồn dân tộc. Nụ cười hôm qua, nước mắt hôm qua - những hy sinh của thế hệ cha anh, sẽ mãi mãi thành huyền thoại, đẹp mãi với thời gian.
HOÀNG MAI