Bảo vệ thành công danh hiệu vô địch Châu Á
Nói chính xác là đội tuyển bóng chuyền nữ (BCN) Việt Nam đã bảo vệ thành công chức vô địch giải hạng nhì châu Á (AVC Challenge Cup) 2024 được tổ chức ở Philippines cuối tháng 5/2024.
Giải có 10 đội, chia làm 2 bảng thi đấu vòng tròn, chọn ra 2 đội nhất và nhì mỗi bảng đấu chéo trận bán kết để xác định 2 đội mạnh nhất tranh chức vô địch. Đội Việt Nam đứng đầu bảng B sau khi toàn thắng 4 trận lần lượt trước Hồng Kông, Singapore (3-0), Kazakhstan, Indonesia (3-1).
Vào bán kết và chung kết, đội Việt Nam thắng tuyệt đối 3-0 trước Úc và Kazakhstan. Đáng nói, đội Việt Nam đã thắng Kazakhstan 2 lần - ở vòng bảng và ở trận chung kết - khi mà ở giải này, Kazakhstan đứng cao nhất trên bảng xếp hạng BCN thế giới (hạng 31) trong khi Việt Nam xếp hạng 40.
Ngoài danh hiệu vô địch, đội tuyển BCN Việt Nam còn đoạt thêm nhiều giải cá nhân như vận động viên hay nhất giải - Bích Tuyền, libero (chuyên gia phòng thủ) hay nhất giải - Khánh Đang và vận động viên chắn bóng hay nhất giải - Lê Thanh Thúy. Với chức vô địch này, đội tuyển BCN Việt Nam được thăng hạng từ 40 lên 34, đồng thời giành được quyền thi đấu giải quốc tế FIVB Challenger Cup 2024.
|
Bích Tuyền (bên phải) đập bóng ghi điểm trước đội tuyển Bỉ ở FIVB Challenger Cup 2024 - Nguồn ảnh: FIVB Challenger |
Lần đầu tiên thắng đội Châu Âu
Tại giải FIVB Challenger Cup 2023, đội tuyển BCN Việt Nam bị loại ngay trận đầu tiên khi thua đội chủ nhà Pháp 0-3, còn lần này, đội Việt Nam xếp thứ ba của giải.
FIVB Challenger Cup là giải đấu cấp độ 2, sau Nations League của Liên đoàn Bóng chuyền thế giới. Giải năm nay được tổ chức ở Philippines từ ngày 4 - 7/7 với 8 đội tranh tài, gồm Philippines, Bỉ, Thụy Điển, Puerto Rico, Kenya, Cộng hòa Czech, Argentina và Việt Nam, thi đấu theo thể thức loại trực tiếp.
Sau khi ra quân thắng đội chủ nhà Philippines 3-0, đội Việt Nam đã thua Cộng hòa Czech 0-3 ở bán kết nên phải tranh huy chương đồng với đội Bỉ (xếp hạng 13 thế giới). Dù thua 21 bậc trên bảng xếp hạng BCN thế giới, đội Việt Nam vẫn xuất sắc thắng Bỉ 3-1, với điểm các set lần lượt là 25-23, 23-25, 25-20, 25-17.
Đây là lần đầu tiên, đội tuyển BCN Việt Nam thắng một đội mạnh của châu Âu trong một giải đấu chính thức, đồng thời đây là chiếc huy chương đồng lịch sử của BCN Việt Nam.
Cách thắng của đội Việt Nam cũng gây ấn tượng mạnh. Ván thứ nhất, khi Việt Nam dẫn 8-6, từ pha đập bóng của tuyển thủ Bỉ, libero Khánh Đang bay người cứu thua, bóng bay đến vị trí của chuyền hai Lâm Oanh, Oanh chuyền bóng ngược sau đầu để Bích Tuyền bật cao đập bóng qua 2 tay chắn đối phương, bóng cắm xuống sàn.
Cú đập bóng này có tốc độ 107 km/h, lọt vào danh sách 10 cú đánh nhanh nhất của làng BCN thế giới, xếp thứ năm sau Paola Egonu (Ý, 112,7 km/h), Boskovic (Serbia, 110,3 km/h), Kieran Van Ryk (Canada, 108,1 km/h), Tijana Boskovic (Serbia, 107,5 km/h).
Bích Tuyền sinh năm 2000 ở tỉnh Vĩnh Long, cao 1,88m, nặng 75kg, có sức bật đà 3,1m, tầm chắn 3m. Chỉ riêng trong trận thắng Bỉ, cô đã ghi 35 điểm, trong đó có 34 điểm tấn công và 1 điểm chắn bóng. Ngoài pha ghi điểm có tốc độ 107 km/h, Bích Tuyền còn có pha đập bóng ghi điểm đạt tốc độ 106 km/h. Tính cả giải đấu, Bích Tuyền ghi 77 điểm, đứng thứ hai là Nguyễn Thị Trinh 21 điểm và thứ ba là Trần Thị Thanh Thúy 18 điểm.
Chiến thắng trước tuyển Bỉ giúp đội tuyển BCN Việt Nam có thêm 6,3 điểm, thăng 2 bậc và lần đầu tiên lên hạng 32 thế giới với 112,73 điểm. Tính riêng ở châu Á, đội Việt Nam xếp hạng 5 sau Trung Quốc (6), Nhật Bản (7), Thái Lan (14) và Kazakhstan (31). Cách biệt điểm số giữa đội Việt Nam và Kazakhstan chỉ là 0,16 nên đội Việt Nam có cơ hội vượt qua để vươn lên tốp 4 châu Á và hạng 31 thế giới.
|
Thanh Thúy vui mừng sau khi cùng đồng đội đánh bại Bỉ để lần đầu giành huy chương cấp độ thế giới - ẢNH: FIVB Challenger |
Từ Thanh Thúy đến Bích Tuyền
Tính đến nay, Trần Thị Thanh Thúy là vận động viên BCN Việt Nam thi đấu ở nước ngoài thành công nhất.
Sau khi kết thúc hợp đồng với Câu lạc bộ PFU Blue Cats (Nhật Bản), cô đến thi đấu ở Thổ Nhĩ Kỳ - nơi có đội tuyển quốc gia đang xếp hạng 3 thế giới. Nữ vận động viên cao 1,93m này sẽ khoác áo Câu lạc bộ Kuzeyboru - nằm trong tốp 5 đội bóng hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ - với mức lương không dưới 250.000 USD (hơn 6,3 tỉ đồng) cho 10 tháng thi đấu, được cấp 1 căn hộ cao cấp, có xe hơi với tài xế riêng đưa đón.
Thanh Thúy cho biết ngoài sức hấp dẫn của chế độ đãi ngộ, điều cô mong muốn nhất là được gặp gỡ, trao đổi và thi đấu với nhiều ngôi sao bóng chuyền hàng đầu thế giới.
Trình độ chơi bóng của Thanh Thúy tăng lên rất rõ rệt từ khi được thi đấu ở giải vô địch BCN Nhật Bản. Tiếc là do đang trong giai đoạn hồi phục chấn thương nên sự đóng góp của cô cho đội tuyển Việt Nam ở FIVB Challenger Cup 2024 có giới hạn.
Nhưng cũng chính vì Thanh Thúy chưa lấy lại phong độ, nên Bích Tuyền đã có dịp tỏa sáng. Nếu không có gì bất ngờ, Bích Tuyền sẽ nối gót Thanh Thúy ra nước ngoài thi đấu, và đây là tín hiệu vui cho BCN Việt Nam.
Thành công nhờ xã hội hóa đầu tư
BCN Việt Nam được chuyên nghiệp hóa từ năm 2004 và đó cũng là năm ra đời giải BCN quốc tế VTV Cup, do Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Đây là giải truyền thống được tổ chức hằng năm và chỉ bị ngưng từ 2020 đến 2022 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Kể từ khi chuyển qua chuyên nghiệp (các đội tự chủ kinh phí), qua 20 mùa giải (2004-2023), Bộ Tư lệnh thông tin là đội BCN giàu thành tích nhất giải vô địch quốc gia, với 17 lần vào chung kết và 12 lần vô địch.
Từ năm 2004 đến nay, Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank) đã có đóng góp lớn cho BCN Việt Nam nói chung và đội Bộ Tư lệnh thông tin nói riêng. LPBank là nhà tài trợ chính, đồng hành và giúp đội này có 7 lần vô địch và 4 lần á quân. Khi chuyển qua đồng hành với đội BCN Ninh Bình, LPBank đã giúp đội Ninh Bình LPBank lên ngôi vô địch giải BCN quốc gia 2023 với chủ công sáng giá Bích Tuyền.
Quá trình hình thành và phát triển của 2 giải đấu quan trọng, có chất lượng hàng đầu của Việt Nam là giải vô địch quốc gia và VTV Cup gắn liền với sự đóng góp, đồng hành của nhiều doanh nghiệp. Có thể nói, BCN Việt Nam ngày càng phát triển là nhờ phát huy được sức mạnh xã hội hóa. Khi chất lượng chuyên môn của các giải đấu tốt, trình độ của các vận động viên cũng được nâng cao, giúp đội tuyển BCN Việt Nam có được lực lượng thiện chiến.
Trần Thị Thanh Thúy - vận động viên chủ lực của đội tuyển BCN Việt Nam - đã tiến bộ vượt bậc kể từ khi qua Nhật Bản thi đấu. Nếu có nhiều tuyển thủ xuất ngoại thi đấu ở những nền bóng chuyền mạnh, đội tuyển BCN quốc gia Việt Nam sẽ mạnh hơn rất nhiều. Do đó, nếu có thêm vận động viên tài năng được các câu lạc bộ nước ngoài mời thi đấu, lãnh đạo các cơ quan chủ quản nên tạo điều kiện cho họ xuất ngoại.
Ngoài những thành công của đội tuyển BCN quốc gia, đội tuyển U20 BCN Việt Nam cũng vừa giành được quyền tham dự giải BCN U20 thế giới năm 2025 sau trận thắng 3-0 trước đội U20 Đài Loan (Trung Quốc) trong trận tranh hạng 5 giải vô địch BCN U20 châu Á 2024 vào ngày 8/7.
Có thể nói, tương lai của BCN Việt Nam rất xán lạn, và đó là kết quả của sự đầu tư kiên trì suốt 20 năm qua. Nói đơn giản theo như đúc kết của dân gian là “gieo gì gặt nấy”.
Đặng Hoàng