Bóng chiều mẹ cậy nhờ ai

17/04/2014 - 17:01

PNO - PN -Tìm đến nhà bà Trần Thị Dần (65 tuổi) ở thôn Tân Hòa, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, ngay từ đầu ngõ chúng tôi đã nghe những tiếng thét ghê rợn, tiếng cười hoang dại vọng ra. Đáp lại là một giọng phụ nữ...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Bong chieu me cay nho ai

Dù con đã ngoài 30 tuổi nhưng ngày nào bà cũng phải dắt con chập chững từng bước

Họa vô đơn chí

Những tiếng thét cứ đều đều, lúc trầm, lúc bổng nghe rờn rợn. Trong căn bếp nhỏ thiếu ánh sáng, người mẹ già lúi húi thổi cơm chiều, những que củi ướt không bắt lửa, khói trắng phủ khắp nhà.

Lớn lên trong thời buổi chiến tranh loạn lạc, bà Dần đã từng theo chân bà con dân làng chạy giặc vào tận Đà Nẵng, Quảng Nam rồi ngược ra đến Nghệ An, Hà Tĩnh... Ngày đất nước thống nhất, bà trở về thôn Tân Hòa, gặp rồi nên duyên với chàng trai cùng làng Trần Văn Trâm. Sau chiến tranh, mọi thứ đều hoang tàn. Để kiếm sống, ngày ngày vợ chồng bà lên đồi Trằm Ná, vô rừng Đồng Bồ và những cánh rừng dọc dãy Trường Sơn để nhặt phế liệu chiến tranh về bán. Cuộc sống lang bạt trên những ngọn đồi tuy vất vả nhưng yên bình. Hạnh phúc gõ cửa vợ chồng bà khi ba đứa con lần lượt chào đời khỏe mạnh. Nhưng, những mảnh phế liệu rơi vãi trên đất nhặt mãi cũng cạn kiệt. Để có tiền nuôi con, ông bà bàn nhau sắm cái cuốc và một thanh sắt nhọn để tìm phế liệu ẩn trong lòng đất. Cứ mỗi lần bà cầm cây sắt nhọn thọc xuống đất, chạm phải vật cứng là ông hì hục đào bới. Bất ngờ một hôm giữa tháng 5/1978, ông bà cuốc trúng một thùng sắt có đựng chất màu trắng. Khi nhát cuốc vừa bổ bật nắp thùng thì một thứ khói cay nồng xộc lên làm hai vợ chồng ngất xỉu. Tỉnh dậy, họ cứ thấy người lâng lâng như đi trên mây, hoa mắt, chóng mặt cả tháng trời. Ông Trâm cho biết: “Hồi nớ, nghề tìm phế liệu gặp chuyện đó là thường, khi nào cuốc phải những thứ ấy thì tui lấy áo bịt mũi bỏ đi chỗ khác, chờ cho hết mùi cay lại đến đào tiếp. Nhiều khi cũng thấy đau tức ở ngực nhưng vẫn đi làm được, có ốm đau gì đâu. Nhiều khi đào trúng cả thùng phuy chất màu trắng đục, vừa hôi vừa cay, tui lấy củi và lá khô đốt cho đến khi mùi bớt nặng lại bỏ lên lưng gùi về bán. Miếng cơm manh áo thì đành vậy, ai ngờ…”.

Chuyện chỉ có thế. Nhưng bốn đứa con ra đời sau “tai nạn” ấy mới là vấn đề, vì có lớn mà chẳng có khôn. Suốt ngày chúng chỉ biết ú ớ, la hét và cả bốn đều không thể đứng vững trên đôi chân của mình, chỉ biết bò. Mỗi lần một đứa bò là cả ba đứa kia bò nối theo như một đoàn tàu. Bà Dần ngậm ngùi: “Hai vợ chồng già chỉ có ba sào ruộng lúa một vụ, nên dù sức khỏe yếu, ngày mô tui cũng phải ra chợ bán rau, còn ông ấy thì lên rừng đốn củi kiếm thêm tiền mua thức ăn cho bốn đứa con. Ba đứa con đầu mạnh khỏe gồm một trai hai gái đã lập gia đình nhưng cũng nghèo nên không giúp gì được nhiều cho ba mẹ và các em”.

Con cười, mẹ khóc

Trên chiếc giường ọp ẹp, bốn “đứa trẻ” ngồi ngơ ngác, vô hồn. Chúng chỉ biết ngồi suốt ngày như thế chờ mẹ bón cơm. Thấy mẹ kể chuyện nhà, mắt đỏ hoe, chúng nhìn nhau cười. Mẹ vội vã ra ngõ mua thức ăn trưa bị trượt ngã trên con đường bùn trơn trượt, chúng lại... cười!

Bà Dần kể: “Tui sinh con ra đứa nào cũng mạnh khỏe, nhưng đến khoảng hai, ba tuổi thì trở nên dặt dẹo. Mọi sinh hoạt cá nhân của con, vợ chồng tui đều phải lo vì chúng không tự ý thức được, nhất là vào mùa mưa”. Trong bốn đứa trẻ ấy, chỉ có cậu con út Trần Văn Lãm (SN 1989) là được mẹ đưa vào tận Trung tâm Phục hồi chức năng Huế chữa trị ba tháng liền, cách đây 5 năm. Nhưng, chuyến đi ấy chỉ làm cho bao nhiêu thứ đáng giá trong nhà đội nón ra đi, Lãm vẫn trở về với... chiếc giường tre, ai hỏi chi cũng cười.

Năm năm trở lại đây, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cùng các tổ chức từ thiện thương tình cho ông bà chi phí lát lại nền gạch để... “các cháu có chỗ bò ra, bò vào”. Bốn “đứa trẻ” có thêm không gian mới là cái nền nhà. Cuộc sống khốn khó cùng nỗi đau đứt ruột khi nhìn đàn con khiến ông bà không nhớ nổi năm sinh của mỗi đứa, hoặc giả ông bà cũng không muốn nhớ khi nghĩ những “đứa trẻ” con mình đã ngoài ba mươi mà vẫn như những đứa trẻ lên ba, lên năm.

Chiều muộn, bốn đứa con ngơ ngác ngồi hóng mẹ bón cơm. Chúng lặng lẽ ăn, không tranh giành, chỉ thi thoảng ú ớ như muốn nói điều gì đó. Xong bữa, bốn anh em ngồi im trên giường rất lâu. Ngồi chán, Luận (SN 1977), loay hoay bò xuống nền nhà. Thấy vậy, ba em Hoàng, Lũy, Lãm cũng theo anh bò xuống. Bốn “đứa trẻ” cứ nối đuôi nhau bò ra hiên nhà, những đôi mắt ngơ ngác nhìn về phía trước. Bà Dần thở dài: “Dù gì bây giờ vợ chồng tui vẫn còn chút sức già, đỡ đần nhau cho các con bữa đói bữa no, chỉ lo đến lúc dầu cạn, đèn tắt…”, bà bỏ lửng câu nói, mắt nhìn đăm đăm vào khoảng không trước mặt. Phía ấy, từng đụn mây xám phủ vây mịt mờ cả dãy núi.

 Uyên Ngọc

Bài 9: Vì con mà sống

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI