Boney M và bộ "đồng phục"nhạc một thời

04/09/2016 - 06:05

PNO - Boney M tượng trưng cho một thời khó quên của nền âm nhạc, là thứ nhạc được mặc định trong những buổi nhảy đầm nơi đô thị và như nhạc hiệu đám cưới ở các vùng quê.

Với nhiều người Việt thuộc thế hệ 6X, 7X, 8X, gắn kèm nhóm nhạc Boney M là những hình ảnh thân thuộc một đời như quần ống loe, váy áo hoa sặc sỡ, điệu nhảy uốn lưng, tiếng nhạc sập xình...

Đã có lúc từ Boney M mà âm nhạc và lối sống có “đồng phục”. Đó là thứ nhạc được mặc định trong những buổi nhảy đầm nơi đô thị và như nhạc hiệu đám cưới ở các vùng quê. Những năm 1980, 1990, hễ nhà ai có loa đài là thế nào cũng có vài chiếc băng cối hay băng cassette thu nhạc Boney M. Hàng chục năm qua đi, ở thời âm nhạc muôn hình vạn trạng như bây giờ, nếu ai có bấm “play” trên Youtube để nghe lại Boney M thì chắc rằng ký ức xưa sẽ ùa về.

Boney M, cũng như ABBA hay Modern Talking, nay đều có thể gọi là ban nhạc ký ức. Vào ngày 1/10 tới đây, các thành viên của Boney M được mời đến Việt Nam trình diễn chính là để gợi lại những năm tháng cũ xưa. Boney M được cho là đã ngừng hoạt động từ năm 1986, sau một thập kỷ làm mưa làm gió trên nhiều bảng xếp hạng âm nhạc của thế giới. Vậy sao lần này lại có chuyện Boney M biểu diễn trong đêm nhạc lớn ở Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội)? Chẳng lẽ có chuyện “tôn hành giả, giả hành tôn”?

Boney M va bo
Bốn thành viên của Boney M phiên bản 2016 đến Việt Nam tháng 10 tới

Để giải đáp bí ẩn này, ta có thể nhìn lại chặng đường hình thành, phát triển và tan rã của nhóm nhạc này. Kể từ khi ông bầu người Đức Frank Farian thành lập nhóm vào năm 1975 với bốn thành viên ban đầu gồm ba giọng ca nữ Liz Mitchell, Marcia Barette (cùng là người Anh, gốc Jamaica), Maizie Williams (đến từ vùng Montserrat, thuộc Anh) và gương mặt nam duy nhất Bobby Farrell (người Aruba); Boney M đã trải qua nhiều lần thay đổi. Giai đoạn thăng hoa nhất của họ kéo dài 5 năm, bắt đầu từ ca khúc Do you Wanna Blump? ra mắt tháng 12/1975, trải qua đỉnh cao với Rasputin, Rivers of Babylon, Brown Girl in the Ring vào năm 1978, rồi đạt dấu mốc sáng chói cuối cùng là Hooray! Hooray! năm 1979. Những năm tháng ấy đủ để tên tuổi Boney M vượt ra ngoài biên giới Đức, Nga... tới Anh, Mỹ và lan sang châu Á. Họ đã có những đĩa nhạc bán được vài triệu bản, đoạt giải bạch kim. Từ năm 1980, thành viên tài năng và chuyên mặc quần ống loe Bobby Farrell rời Boney M, nhóm không còn ra album riêng và hoạt động ngày càng chệch choạc. Kể cả khi kết nạp thành viên mới, ra album mới mở rộng thêm các thể loại khác như R&B và reggae thì Boney M vẫn không được chào đón rộn ràng như xưa.

Sau khi tan rã năm 1986, trên thực tế, cái tên Boney M gắn với các thành viên cũ không còn. Tuy vậy, mỗi mảnh ghép của Boney M tách ra thành lập một nhóm nhạc vẫn mang danh là Boney M. Thành công hơn là cả là nhóm nhạc do Liz Mitchell làm thủ lĩnh, rồi đến nhóm của Bobby Farrell, còn Boney M của các thành viên khác thì rất nhạt nhòa. Sau khi nam vũ công kiêm ca sĩ Bobby Farrell đột ngột qua đời vào tháng 12/2010 khi đang lưu diễn tại Nga vì trụy tim, gần như chỉ còn Boney M của Liz Mitchell - người phụ nữ sinh năm 1952, vốn là trưởng nhóm từ những ngày đầu - duy trì hoạt động. Đến Việt Nam trình diễn chính là “phiên bản” Boney M này. Ngoài Liz Mitchell trong vai trò hát chính, còn có hai giọng ca nữ Vanessa Kerr và Margaret Mihende, cùng nam vũ công kiêm ca sĩ Toni Ashcroft. Vì còn thành viên là “linh hồn” của huyền thoại một thời nên vẫn có thể coi đây là Boney M “thứ thiệt”, chứ không phải ban nhạc mô phỏng (tribute). Chỉ có điều, với đêm nhạc vào 1/10 tới đây, nếu như chỉ toàn là những bản disco “thương hoài ngàn năm” thì sẽ khó lôi cuốn khán giả suốt đôi, ba tiếng. Do đó, ngoài Boney M, chương trình còn có những bản rock ballad từ ban nhạc Smokie cũng thuộc dạng “một thời để nhớ” với người Việt, như Midnight Lady, Stumbkin’ In... Không khác Boney M là mấy, nhóm nhạc này cũng chỉ có Christ Norman , thành viên cựu trào duy nhất còn theo ban nhạc tới ngày nay.

 Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI