Trong những lần tụ họp hoặc những cuộc trò chuyện, rất nhiều tâm sự của thế hệ cha mẹ các gen Z (gen Z hay thế hệ Z được định nghĩa là thế hệ đổi mới, gồm những người sinh ra từ 1996-2010) thốt ra kèm tiếng thở dài và lời cảm thán: “Bọn trẻ ngày nay… chẳng thể nào mà dạy nổi chúng nữa!”.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Chúng ta phải sống cuộc đời của ai?
Rất nhiều lần trong đời mình, tôi cứ tự hỏi: “Mình sẽ sống cuộc đời của mình hay cuộc đời của ai?”. Hồi đó, ba tôi đặt vào tôi rất nhiều kỳ vọng. Dù không nói ra nhưng ông muốn tôi phải thế này thế kia, làm thế này thì đúng, làm thế kia thì sai… Nhiều lần, tôi nhận roi vào mông vì chống đối, cãi lại. Điều ba nói, ba cho rằng tốt có khi chỉ khớp với suy nghĩ của ba, chứ rất vô lý với cuộc đời tôi đang sở hữu. Sống một cuộc đời được sắp đặt hết mọi thứ thì có gì vui?
Với má tôi lại khác. Bà chỉ học đến hết lớp Nhất (lớp Năm ngày nay - NV) rồi lập gia đình. Bao nhiêu trách nhiệm làm vợ, làm mẹ, làm dâu đổ lên người khi bà mới tròn 20 tuổi. Việc sống cùng một gia đình truyền thống ba thế hệ, cộng với hệ giá trị xưa cũ khiến bà gần như chưa bao giờ được sống cuộc đời của riêng mình. Nhưng rồi, bà đã có một cuộc “bứt phá” ngoạn mục khi quyết định chuyển nhà ra riêng, chọn một nơi tiện đường cho con cái tự đi học.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Thuở đó, nhà nghèo khiến nỗi lo âu của người lớn luôn đậm đặc. Còn nhỏ, tôi đã biết dòm mặt má đang buồn hay vui để không vòi vĩnh đòi quần áo mới, bút viết đẹp… Bởi nhạy cảm, tôi là đứa thường xuyên lén giở hũ đựng gạo để xem nó đầy hay vơi. Tôi nhớ cách má mỗi bữa xúc gạo nấu cơm thường hốt bớt một nắm bỏ sang một cái hũ nhỏ khác như người ta bỏ tiền tiết kiệm trong ống heo. Rồi má dặn tôi chú ý những cử chỉ nho nhỏ, chẳng hạn như đừng bao giờ đong gạo xong thì thả rơi cái lon vào hũ mà phải để nhẹ nhàng ý tứ. Nhà có khách, nghe tiếng lon rơi, khách sẽ có thể biết nhà hết gạo hay còn và họ sẽ vì ngại mà không dám ăn cơm nếu được mời.
Chưa bao giờ má bắt tôi học giỏi hay vì nhà quá khó khăn mà biểu tôi dừng học, kêu tôi chọn đại một nghề để kiếm nhiều tiền hơn hay ép tôi lấy chồng giàu có. Có thể một phần vì vốn hiểu biết hạn chế, má không biết mình sẽ xen vào cuộc đời tôi như thế nào. Song, những thứ nho nhỏ hằng ngày một bà má mới chỉ học đến lớp Nhất dạy bảo tôi lại là những bài học đầy tinh tế, giúp tôi thấu đáo, biết chia sẻ, biết có trách nhiệm với cuộc đời của mình.
Nhạy cảm, có chiều sâu hay vô tâm, vô ơn… những cảm xúc này hình thành từ lúc nào ở một đứa trẻ? Liệu tất cả những điều này có phải đều được thừa hưởng từ chính người lớn? Cách người lớn truyền trao hình thành nên một nếp nhà cho nhiều thế hệ.
Tôi biết trường hợp chị một người bạn. Nhà chị có truyền thống học giỏi và nhớ lâu. Chị thừa hưởng trí thông minh đặc biệt này. Luôn đứng đầu trong các kỳ thi học sinh giỏi nhưng chị lại luôn mang tâm thế oán trách cha mẹ dù họ chưa bao giờ ép chị phải làm gì. Nuôi chí phải thành công và giàu có hơn ba mẹ mình nhưng chị liên tục thất bại. Mỗi khi thất bại, chị lại quay về oán trách cha mẹ, đổ thừa rằng họ không giỏi làm ăn để giàu có như người khác, rằng nếu cha mẹ giỏi thì cuộc đời chị đã tốt hơn.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Gen Z vô tâm hay ta vô ý?
Nếu có cuộc bình chọn cụm từ nào đi xuyên từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, chắc chắn đó phải là “bọn trẻ ngày nay…”. Cụm từ này tồn tại từ thời ông bà ta cho đến tận bây giờ, chúng ta, một thế hệ “cha mẹ mới”, vẫn thường xuyên thốt ra.
Gen Z lại là thế hệ đối diện với công nghệ, quen với mạng xã hội ngay từ khi mới chào đời. Giải trí nằm ngay trên bàn tay nhỏ nhắn của các em bé. Ngay từ nhỏ, cha mẹ đã đưa việc giao tiếp cùng màn hình ra làm “mồi nhử” để trẻ ăn nhiều hơn, cha mẹ có thời gian hơn…
“Cha mẹ mới” của thế hệ này lại là những bậc cha mẹ âu lo quá mức. Trong mắt nhiều “cha mẹ mới”, con cái mãi mãi là những đứa trẻ còn bước chập chững dù chúng có lớn đến đâu. Những đứa trẻ ấy luôn muốn cái này để đạt cái khác. Thế hệ Z dễ dàng đòi thứ mình muốn và ngược lại, chúng phải “học giỏi hoàn hảo” để vừa lòng cha mẹ.
Lề thói gia đình, nếu có thêm ông bà bên cạnh lại càng thêm rối rắm giữa việc cha mẹ dạy con và ông bà bênh cháu. Đứa trẻ được phục vụ tận răng chiếm ngôi cao tột đỉnh như thể một “thần đồng” riêng của cha mẹ. Sự sụp đổ bắt đầu khi đứa con của họ không còn ngoan ngoãn, trở nên thờ ơ, thậm chí học hành xuống hạng. Cũng thế, kỹ năng sống và sức mạnh về tinh thần của con ngày càng yếu đi.
Có lẽ không thời đại nào có nhiều sách nuôi dạy con bằng thời đại này. Ngày càng nhiều những quan điểm đông tây nam bắc, từ cổ chí kim… “Cha mẹ mới” hấp thụ tất cả những “kiến thức vàng ngọc” đó và nhồi vào con, thử nghiệm mọi quan điểm và vẫn thua cuộc.
Có một điều an ủi rằng khi trở thành cha mẹ của những đứa trẻ gen Z, chúng ta nhận được nhiều điều thú vị hơn trong các cuộc trò chuyện cùng con cái. Chúng ta thật sự tương tác nhiều với con mình. Chúng ta yêu thương con bằng hành động, bằng những cái ôm… Chúng ta chia sẻ cùng con những thất bại và cách để vượt qua khó khăn, cách ứng xử nơi công cộng. Chúng ta dạy trẻ biết giúp cha mẹ làm việc nhà…
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Cái trục mà chúng ta xoay quanh con cái mình chỉ có một mặt: học làm sao cho tốt, tất cả việc khác đã có người khác lo. Chúng ta sống giùm con hết các mặt khác và chúng ta muốn con phải tự nhiên biết ơn mình vì điều đó.
“Cha mẹ mới” có thể đổ lỗi cho trẻ vô tâm, thậm chí vô ơn nhưng liệu “cha mẹ mới” có dám nhấc mình ra khỏi con, tương tác đời thực nhiều hơn? “Cha mẹ mới” có dạy con những bài học nhỏ bé: biết chừa biết để thức ăn, chăm sóc nhau? “Cha mẹ mới” có học những bài học tự thay đổi chính mình mỗi ngày hay đợi đến lúc “sản phẩm” của ta bị lỗi, ta lại đổ trách nhiệm đó cho đứa trẻ phải một mình gánh chịu?
Minh Phúc