Bốn tỉnh miền Trung thiệt hại hơn 1.500 tỉ đồng do bão số 11

16/10/2013 - 16:09

PNO - PNO - Sáng 16/10, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các vị lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương đã đi kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả cơn bão số 11 tại tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tại cuộc họp ngay sau đó với các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Phó Thủ tướng yêu cầu phải nhanh chóng giúp dân ổn định đời sống sau bão, tuyệt đối không để bất cứ người dân nào chịu đói, sống cảnh màn trời chiều đất. Theo thống kê ban đầu, tổng thiệt hại của 4 tỉnh trên ước tính trên 1.500 tỉ đồng.

Thiệt hại nặng nề do bão số 11

Báo cáo Phó Thủ tướng tại cuộc họp, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết: Theo thống kê thiệt hại sơ bộ ban đầu, Đà Nẵng thiệt hại khoảng 846 tỉ đồng. Trong đó, có 122 căn nhà bị sập hoàn toàn, 178 căn bị sập 1 phần và hơn 4.000 ngôi nhà bị tốc mái. Ngoài ra, TP. Đà Nẵng có 60.000 cây xanh bị ngã đổ do bão. Theo ông Chiến, do chủ động phòng bão nên dù bão số 11 có cường độ mạnh hơn bão Xangsane năm 2006 nhưng Đà Nẵng không có người chết. Số người bị thương giảm thiểu tối đa, chỉ có 11 người.

Bon tinh mien Trung thiet hai hon 1.500 ti dong do bao so 11
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 11
tại Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP. Đà Nẵng)

Ông Chiến đề nghị Trung ương hỗ trợ 500 tỉ đồng giúp thành phố khắc phục hậu quả bão số 11. Ông Chiến cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp kinh phí để xây dựng mở rộng âu thuyền Thọ Quang. Theo ông Chiến, trong đợt bão vừa qua, âu thuyền Thọ Quang chỉ có công suất 700 tàu neo đậu nhưng đã phải tiếp nhận gần 1.400 tàu của ngư dân các tỉnh miền Trung.

Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, chính địa phương này mới là vùng tâm bão đi qua. Đến sáng ngày 16/10, tỉnh Quảng Nam đã xác định có 3 người chết, 3 người mất tích và 6 người bị thương do bão số 11 gây ra. Bão cũng khiến 22.000 căn nhà của người dân bị tốc mái, 300 nhà dân bị sập hoàn toàn. Dù được neo đậu cẩn thận nhưng do sóng to, gió lớn nên 47 tàu, thuyền của ngư dân bị hư hại. Nhiều tuyến đường tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bị hư hỏng. Ước tính thiệt hại của toàn tỉnh Quảng Nam khoảng 500 tỉ đồng.

Đặc biệt, ông Thanh nhấn mạnh đến sự an toàn của người dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở cao. “Hai bên bờ sông Vu Gia, Thu Bồn, tình trạng sạt lở đã vào tận làng. Ở TP. Hội An, kè biển cũng bị đánh nát. Đây là hai khu vực trọng điểm nhiều năm qua tỉnh Quảng Nam đã trình Trung ương xem xét cấp kinh phí xây dựng nhưng chưa được phê duyệt. Nếu không có kè sông, kè biển ở 2 khu vực này thì tính mạng người dân luôn bị đe dọa”, ông Thanh nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Trường Lưu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong đợt bão số 10, dọc bờ biển thị xã Hương Trà, huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc bị xâm thực mạnh. Trong cơn bão số 11 lại tiếp tục chịu ảnh hưởng của sóng to, gió giật cấp 11 nên có thêm 7km bờ biển sạt lở. Theo ông Lưu, nước biển đã xâm nhập sâu vào đất liền, gây hại cho rừng phòng hộ và sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nếu không có đê biển ngăn sóng.

Ông Lưu cũng cho biết, cơn bão số 11 khiến 2 người trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thiệt mạng và 11 người khác bị thương. Ngoài ra, 669 căn nhà bị tôc mái, 190 ha cao su, 392ha keo, tràm bị gãy đổ. Ước tính thiệt hại do bão số 11 trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế khoảng 75 tỉ đồng.

Trong khi đó, ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, thiệt hại do bão số 11 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi khoảng 65 tỉ đồng. Toàn tỉnh có 9 người bị thương, 9 nhà sập hoàn toàn, 577 căn nhà bị hư hại và 15 trường học ở huyện đảo Lý Sơn bị tốc mái.

Không để dân đói, sống cảnh màn trời chiếu đất

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác chuẩn bị phòng chống bão số 11 của các địa phương. Theo Phó thủ tướng, nhờ chủ động phòng chống bão đã hạn chế thấp nhất thiệt hại về người. “Các năm trước dù bão có cường độ nhỏ hơn nhưng mất mát về người quá lớn. Năm nay các tỉnh đã làm rất tốt việc di dời, đảm bảo an toàn cho người dân”. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh hỗ trợ khẩn cấp các hộ dân bị thiệt hai, nhanh chóng khắc phục hậu quả để người dân trở lại cuộc sống bình thường.

Ông Văn Hữu Chiến cho biết, TP. Đà Nẵng đã ứng trước 4 tỉ đồng cho các quận, huyện chủ động khắc phục khó khăn sau bão. Toàn tuyến giao thông trên địa bàn thành phố đã được thông tuyến, 70% cây xanh ngã đổ đã được thu dọn. Đặc biệt, các hộ dân có nhà bị sập hoàn toàn đã được bố trí ở tạm tại các chung cư, dự án nhà ở xã hội trên địa bàn. Ông Chiến cho hay, đến sáng 16/10, phần lớn khu dân cư đều đã có điện sinh hoạt trở lại.

Đại diện lãnh đạo các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế cũng cho biết đang tích cực hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão số 11.

Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó tư lệnh Quân khu 5 cho biết, đã huy động 1.300 quân về các địa phương giúp dân dọn dẹp nhà cửa. Ngoài ra, Quân khu 5 đã quyết định hỗ trợ 5 triệu đồng đối với các gia đình có người chết và từ 2-5 triệu đồng đối với gia đình quân nhân có nhà sập, tốc mái do bão.

Tại cuộc họp, ông Cao Khoa cũng đề nghị Trung ương cấp 500 tấn gạo để chuẩn bị cứu đói cho các huyện Lý Sơn, Trà Bồng, Tây Trà là những huyện bị ảnh hưởng nặng do bão. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi cần 1 triệu viên cloramin B để khử trùng nước.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Các địa phương không được để dân bị đói, phải sống cảnh màn trời chiếu đất. Người dân đau ốm phải được chăm sóc y tế đầy đủ. Các trường học nhanh chóng ổn định để học sinh trở lại trường trong ngày 17/10. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính lập kế hoạch, dự toán kinh phí để Bộ Kế hoạch đầu tư trình chính phủ xem xét dự án gia cố kè biển ở Hội An, dọc biển Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và kè sông Vu Gia, Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam).

ĐÌNH THỨC 
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI